Mỹ khó có thể giới hạn cuộc chiến chống IS trong lãnh thổ Iraq

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 thông báo, đến nay đã có 7 nước nhất trí cùng Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd để chống lại nhóm IS.

Sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq để truy quét nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) không phải là điều bất ngờ, mà câu hỏi thực sự được dư luận đặt ra nhiều hơn là liệu Mỹ có mở rộng sự hợp tác đó sang Syria hay không, khi mà cuộc chiến chống lại nhóm IS chắc chắn không chỉ giới hạn ở trong lãnh thổ Iraq.

Nỗ lực phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh được công bố 1 ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey cảnh báo rằng, các tay súng cực đoan của nhóm IS không chỉ là nguy cơ đe dọa an ninh khu vực mà sẽ sớm nổi lên thành một nguy cơ đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Mỹ cũng như các nước châu Âu. Vì thế, việc hình thành một liên minh quốc tế chống lại nhóm IS giờ đây là cần thiết.

Nhóm IS ăn mừng sau khi chiếm được căn cứ không quân ở thành phố Tabqa phía Đông Bắc Syria

Tướng Dempsey cũng cho biết các chỉ huy quân sự Mỹ hiện đang hoạch định các phương án để chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở cả Iraq và Syria, trong đó bao gồm cả một chiến dịch không kích.

Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước đó cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có Anh và Mỹ, để tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest khẳng định, Tổng thống Barack Obama chưa quyết định về việc mở rộng chiến dịch không kích ở miền Bắc Iraq sang lãnh thổ Syria và nếu điều đó xảy ra thì cũng sẽ không dựa vào sự hợp tác với chính quyền của Tổng thống al- Assad.

Mặc dù vậy, chính ông Earnest và cả Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Dempsey từng “bóng gió” rằng, cuộc chiến chống nhóm IS là cuộc chiến không biên giới và không thể chỉ nhờ vào sức mạnh quân sự của Mỹ mà phải có sự tham gia của Chính phủ các nước trong khu vực, nghĩa là có cả Syria.

Ngày 26/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải thừa nhận rằng, nhóm Nhà nước Hồi giáo như “một căn bệnh ung thư” khó có thể giệt tận gốc.

Song ông Obama cam kết nước Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để đánh bại nhóm phiến quân này: “Chúng ta đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng nước Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để bắt được những ai làm hại đến công dân Mỹ. Nhổ tận gốc 1 căn bệnh ung thư như nhóm IS không phải là điều dễ dàng và có thể làm nhanh chóng. Nhưng những kẻ giết người tàn bạo này phải biết rằng cái nhìn đầy sự thù địch của họ về cơ bản không phải là đối thủ của sức mạnh và niềm hy vọng mà chúng ta bảo vệ vì an ninh, phẩm giá và sự tự do của mỗi con người”.

Dư luận băn khoăn rằng, “tất cả những gì có thể” mà ông Obama đề cập tới có bao gồm khả năng hợp tác với Chính phủ Syria hay không.

Theo ông Lawrence Korb, một cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện nghiên cứu về chính sách an ninh quốc gia tại Trung tâm vì Sự tiến bộ Mỹ tại Washington, điều mà ông Obama đang theo đuổi là làm suy yếu nhóm IS chứ không phải là nhúng tay vào cuộc chiến ở Syria.

Trong khi đó, ông Michael Desch, Chuyên gia về an ninh quốc tế và chính sách quốc phòng Mỹ thuộc trường đại học Notre Dame ở bang Indiana cũng cho rằng, sẽ không có khó khăn gì cho nước Mỹ nếu tiến hành không kích các tay súng Nhà nước Hồi giáo ở Syria khi không có sự hợp tác với chính quyền Tổng thống al- Assad.

Tuy nhiên, theo ông Desch để triệt tiêu tận gốc nhóm phiến quân này thì cần phải có 1 chiến dịch trên bộ cũng như 1 chính quyền trung ương đủ mạnh ở Syria, và chính quyền đó không nằm dưới tay ai khác ngoài Tổng thống Assad. Chuyên gia an ninh quốc tế này nhận định, nước Mỹ ít nhất cũng cần phải “ngầm” thừa nhận ông al- Assad.

Chính quyền Mỹ còn 1 phương án nữa là hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang đối lập mà họ cho là trung lập ở Syria như nhóm Quân đội Tự do Syria (FSA), trong đó bao gồm cả huấn luyện và vũ trang.

Tuy nhiên, ông Desch cho rằng nước Mỹ phải thực tế hơn và chấp nhận sự thật là lực lượng được coi là “trung lập” kia không phải là 1 sự lựa chọn khả thi bởi họ không có năng lực như lực lượng người Kurd ở Iraq hay quân đội quy củ của Iraq.

Ông Desch cũng nhắc lại sai lầm của Mỹ khi đặt lòng tin vào cái gọi là “phe đối lập trung lập” ở Libya, một điều thực chất không tồn tại và sai lầm đó đã đẩy Libya rơi trở lại vòng xoáy bất ổn, buộc Mỹ phải đóng cửa Đại sứ quán ở Tripoli.

Thực tế, chỉ riêng việc tiến hành không kích vào Syria cũng sẽ thêm 1 yếu tố không thể tiên lượng được vào cuộc nội chiến mà lâu nay ông Obama không muốn nhúng tay vào.

Hiện cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế muốn phối hợp công khai với chính quyền của Tống thống al- Assad.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ Syria ngày 26/8 cho biết Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo thu thập được từ các máy bay do thám với chính quyền của Tổng thống al- Assad thông qua các kênh Iraq và Nga./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/my-kho-co-the-gioi-han-cuoc-chien-chong-is-trong-lanh-tho-iraq-348347.vov