Mỹ - Hàn - Nhật bận rộn với Donald Trump, Triều Tiên sẽ được 'rảnh rang' hơn?

Nhật Bản đang lo ngại về tuyên bố của ông Donald Trump. Hàn Quốc cùng mối lo cộng với bê bối chính trị. Nước Mỹ đang trong thời kỳ chuyển giao quyền lực. Do vậy, Triều Tiên đang có khoảng thời gian vô cùng thuận lợi, có thể phát triển các chương trình tên lửa, vũ khí hạt nhân mà ít bị nhòm ngó.

Ngay trước khi nước Mỹ tiến hành bầu cử hôm 8/11, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa. Mặc dù vụ thử đó không thành công nhưng nó cho thấy Bình Nhưỡng đang tăng cường các chương trình tên lửa, vũ khí hạt nhân bất chấp sự phản đối quốc tế. Trong vòng hai tháng qua, Triều Tiên đã phóng thử tới 5 tên lửa đạn đạo. Hồi tháng Chín, nước này còn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ năm. Đây là vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay của Triều Tiên với sức mạnh 10 kiloton, gấp 2 lần vụ thử hồi đầu năm 2016. Ngoài ra, truyền hình nhà nước Triều Tiên còn cho biết Bình Nhưỡng đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo.

Khi đó, các tướng lĩnh quân đội Hàn Quốc đã rất tức giận. Họ cho biết luôn sẵn sàng đối phó với Triều Tiên. Tuyên bố chính thức của quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh: "Quân đội của chúng tôi mạnh mẽ lên án Triều Tiên đã liên tục tiến hành các hành động khiêu khích bất hợp pháp và quân đội Hàn Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho bất kỳ khả năng khiêu khích nào sắp tới".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tuy nhiên, hiện tại, đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc là Mỹ đang bị phân tâm hay thậm chí không còn đáng tin cậy nữa bởi ông Donald Trump, người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ, đã từng có những tuyên bố gây lo ngại cho mối quan hệ liên minh này. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông nói sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc và yêu cầu Hàn Quốc phải trả tiền xứng đáng với sự bảo vệ của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc hiện đang rất lo ngại với những tuyên bố trước đó của ông Trump.

Hiện tại, Hàn Quốc đang chi trả khoảng 860 triệu USD/năm cho 28.000 lính Mỹ đóng quân tại đất nước này. Trong khi đó, theo hiệp ước an ninh song phương, Nhật Bản, nơi đang có 50.000 Mỹ đóng quân, đang chi trả cho Mỹ khoảng 2 tỷ USD/năm.

Giống như Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng có mối lo tương tự. Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới gặp ông Donald Trump. Ông muốn dò ý người sắp tới sẽ chính thức trở thành Tổng thống đời thứ 45 của nước Mỹ.

Sau cuộc gặp, ông tuyên bố, ông Trump là người có thể tin cậy được. Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ có thể thiết lập “mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng” khi ông Trump lên nắm quyền. Ông nói: “Liên minh Nhật – Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Liên minh đó chỉ có thể tồn tại khi hai bên có sự tin tưởng lẫn nhau”.

Ông Donald Trump đang khiến Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại.

Ông Jeffrey Kingston, giám đốc khoa nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple (Nhật Bản) cho biết: “Ông Abe đã rất chú trọng củng cố liên minh với Mỹ, và không muốn toàn bộ kế hoạch của mình tan thành mây khói. Bằng cách gặp gỡ ông Trump, ông Abe muốn chứng tỏ rằng Nhật Bản và Mỹ vẫn có quan hệ rất tốt đẹp”.

Còn theo cố vấn cấp cao của Thủ tướng Nhật, ông Katsuyuki Kawai,, những người sẽ đảm nhiệm chức vụ cao trong chính quyền của ông Trump nói rằng Nhật Bản không cần quá bận tâm đến những phát biểu của tỉ phú người Mỹ. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được điều gì và Nhật Bản sẽ vẫn phải thấp thỏm cho tới khi ông Trump chính thức nắm quyền. Và tất nhiên, trong thời gian đó, Tokyo sẽ không còn nhiều tâm trí để theo sát các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, quốc gia duy nhất được đánh giá là có khả năng "kiềm chế" Triều Tiên là Trung Quốc lại được cho là chưa thực sự “nhiệt tình”. Phát biểu hồi tháng Hai, ông cho biết chìa khóa chính là Trung Quốc. BBC dẫn lời ông Trump khi đó cho hay: "Trung Quốc có thể kiểm soát, thậm chí kiểm soát tuyệt đối, Triều Tiên. Họ không nói ra, nhưng đúng là họ đã làm như vậy. Và họ có thể làm cho vấn đề (ở Triều Tiên) biến mất".

Cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Trung Quốc đều đang hồi hộp theo dõi tiến trình triển khai lá chắn tên lửa tiên tiến nhất thế giới THAAD tại Hàn Quốc mà chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Obama đang thực hiện. Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết sẽ triển khai THAAD tại Hàn Quốc "càng sớm càng tốt".

Tất nhiên, Triều Tiên và Trung Quốc đều lên án việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Bắc Kinh cho rằng, hệ thống này sẽ khiến khu vực bất ổn hơn và gây nguy hiểm cho an ninh Trung Quốc.

Sự không hài lòng của Trung Quốc có thể thổi bùng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Washington chỉ trích Bắc Kinh đã thất bại trong việc kiềm chế Triều Tiên. Mặc dù Trung Quốc lên tiếng ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng và lên án các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng phương tây cho rằng, Bắc Kinh đã không dùng các công cụ kinh tế để kiềm chế Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định, có thể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang xem Triều Tiên là một trong những mắt xích quan trọng trong việc ngăn chặn chiến lược xoay trục châu Á hay nâng cao vị thế ở châu Á của Mỹ.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/my-han-nhat-ban-ron-voi-donald-trump-trieu-tien-se-duoc-ranh-rang-hon-post214428.info