Mỹ - Đức sẽ tiếp tục khiến Nga "nóng mắt" vì bom trọng lực hạt nhân B61-12?

(Công lý) - Nga có thể lại cảm thấy “nóng mắt” khi vào năm 2020, theo tuần báo Spiegel, bom nguyên tử thế hệ mới B61-12 của Mỹ dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt, và triển khai ở Buechel (Đức).

B61-12 dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt và được bố trí tại căn cứ Buechel (Đức) vào năm 2020

Theo bài viết đăng trên tuần báo Spiegel của Đức số ra ngày 12/8, Tổng thống Mỹ Brack Obama đã phê chuẩn đề án khởi động giai đoạn phát triển cuối cùng bom nguyên tử B61-12 thế hệ mới. Dự kiến, loại bom trọng lực hạt nhân đã cải tiến này được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2020, đồng thời sẽ được triển khai cả ở căn cứ không quân Buechel.

Trước đó, tháng 9/2015, truyền thông Đức đưa tin, quân đội Mỹ và Đức đã bắt đầu tiến hành các hoạt động lắp đặt hệ thống bom nguyên tử Mỹ tại căn cứ không quân Buechel ở bang Rheinland-Pfalz, miền tây nam nước Đức.

Dự kiến có khoảng 20 quả bom nguyên tử chiến thuật thế hệ mới của Mỹ B61-12 được lắp đặt tại đây. Các chuyên gia quân sự đánh giá số bom này có sức công phá tương đương 80 quả bom từng được ném xuống Hiroshima hồi Thế chiến II. Theo khuôn khổ chiến lược chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có tên gọi “Can dự hạt nhân”, các máy bay cường kích của Đức được phép sử dụng số bom này để thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, theo trang Deutsche Welle (Đức), các chuyên gia ước tính, tại căn cứ Buechel hiện có từ 10 - 20 đầu đạn hạt nhân có từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, máy bay chiến đấu Tornado của Đức luôn trong tư thế sẵn sàng mang chúng (đầu đạn hạt nhân) nếu thực sự thấy cần thiết. Khu vực này được canh phòng nghiêm ngặt, và có cả lính Mỹ túc trực ở đó.

Hiện Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận về thông tin nêu trên. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, trước việc quân đội hai nước Mỹ - Đức tiến hành lắp đặt B61-12 ở căn cứ Buechel, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bày tỏ quan ngại đặc biệt. Bà tuyên bố, hành động này đã vi phạm Điều 1, Điều 2 trong Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bom trọng lực B61-12 là loại bom rơi tự do không sử dụng bất cứ thiết bị dẫn đường hiện đại nào

Không quân Mỹ thử nghiệm bom B61-12 ở sa mạc Nevada hồi tháng 10.

Ngoài ra, việc một nước không có vũ khí hạt nhân như Đức lại sẵn sàng đồng ý để một nước khác triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, theo cựu Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức Willy Wimmer, là một hành động có tính khiêu khích trực tiếp đối với Nga.

Cũng năm ngoái, vào tháng 10, Không quân Mỹ đã tiến hành vụ thử bom trọng lực hạt nhân B61 thế hệ mới ở Nevada. Trong cuộc thử nghiệm này, chiếc F-15E thả quả bom B61-12 mới vào mục tiêu định sẵn trên sa mạc, với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Bom trọng lực B61-12 là loại bom rơi tự do không sử dụng bất cứ thiết bị dẫn đường hiện đại nào. Loại bom này được nâng cấp phần đuôi và cải tiến từ một số bộ phận của các loại bom khác, sẽ thay thế ít nhất 4 loại bom hạt nhân khác khi hoàn thiện.

Với trị giá 8,1 tỷ USD, nhưng chi phí dành cho chương trình phát triển loại bom trọng lực đắt tiền này lại chưa chiếm đến 1% ngân sách 1.000 tỷ USD để cải tiến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Trong khi Lầu Năm Góc cho rằng chương trình sẽ đem lại hiệu quả trong việc cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới , thì trái lại, nhiều chuyên gia quân sự lo ngại B61-12 có thể là nguyên nhân dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới trên toàn cầu.

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/the-gioi/tin-nhanh/my-duc-se-tiep-tuc-khien-nga-nong-mat-vi-bom-trong-luc-hat-nhan-b61-12-168718.html