Mỹ dọn đường, chuẩn bị không kích Houthi?

Sau khi hiện trường cuộc tấn công mục tiêu của Houthi bằng tên lửa Tomahawk được công khai, nhiều chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là đòn báo thù của Mỹ.

Mỹ diệt hậu họa

Sau khi Mỹ dùng tên lửa Tomahawk tấn công mục tiêu của lực lượng Houthi một ngày, Đài Ruptly (Nga) đã dẫn nguồn tin quân sự địa phương và phát sóng hình ảnh hiện trường vụ tấn công này. Cùng với những hệ thống radar bị phá hủy còn có những dàn tên lửa đất đối không S-75 của Houthi.

Ngoài ra, trên một mạng khác của Nga là livejournal nhận xét rằng clip này cho thấy ít nhất 1 trong 3 dàn radar khi đó đang chuẩn bị hướng dẫn bắn cho tên lửa phòng không S-75 để chống lại tàu chiến Mỹ đang khai hỏa.

Theo nguồn tin này, ngay bị bị quả Tomahawk đầu tiên bắn phá, lực lượng Houthi lập tức định dùng tên lửa phòng không với sự hướng dẫn của radar để bắn trả. Tuy nhiên, trong khi chưa kịp tung đòn đáp trả thì quả tên lửa tiếp theo của Mỹ đã phá hủy trận địa tên lửa S-75.

Thông tin Houthi sẵn sàng dùng tên lửa S-75 để tấn công chiến hạm Mỹ được Ruptly cho biết xem ra không hợp lý, bởi từ trước đến nay, S-75 do Liên Xô sản xuất vẫn chỉ được biết đến là tên lửa phòng không và chưa có bất cứ nguồn tin nào nói rằng tên lửa này có thể chống hạm.

Hiện trường vụ tên lửa Tomahawk tấn công Houthi.

Dọn đường cho Không quân?

Căn cứ vào nhiệm vụ của S-75 có thể hoàn thành và đòn tấn công hủy diệt trận địa tên lửa S-75 do Mỹ thực hiện cho thấy, rất có thể đợt tấn công này được coi là hành động dọn đường cho đòn tấn công bằng không quân của Mỹ.

Và nếu máy bay Mỹ thực hiện không kích mục tiêu của Houthi thì đó không phải là tình huống quá bất ngờ bởi hồi cuối tháng 3/2016, Không quân - Hải quân Mỹ cùng Saudi Arabia tham gia không kích Houthi ở Yemen. Một nguồn tin cho biết các tàu chiến Mỹ đã tấn công vào những vị trí chiến lược mà phiến quân Houthi kiểm soát ở thủ đô Sanaa.

"Tàu chiến Mỹ đã tham gia vào cuộc không kích hôm 31/3/2016. Họ đã phóng một quả tên lửa để phá hủy một trung đoàn tên lửa đầy sức mạnh của phiến quân Houthi", nguồn tin cho biết thêm.

Ngoài ra, máy bay Mỹ cũng hỗ trợ các cuộc không kích sau khi Saudi Arabia cùng các đồng minh không thể bắn trúng được các mục tiêu là những kho vũ khí của phiến quân Houthi ở Yemen.

Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh vào năm 2012. An ninh trở nên bất ổn sau khi lực lượng Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9/2014.

Sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.

Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống lại Houthi từ tháng 3/2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015. Liên quân Arab đã can thiệp vào cuộc xung đột tại Yemen từ tháng 3/2015.

Tuy nhiên kể từ đó tới nay, sự can thiệp của liên quân không giúp giải quyết vấn đề, thay vào đó gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu, làm hơn 6.400 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường và hơn 2 triệu người phải di chuyển chỗ ở.

Hiện Houthi và GPC kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen, trong khi các lực lượng của Tổng thống Hadi và các bộ lạc địa phương kiểm soát phần còn lại của đất nước.

Tình hình Yemen căng thẳng trở lại sau khi các cuộc hòa đàm khép lại mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Clip hiện trường bị tên lửa Tomahawk tấn công

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-don-duong-chuan-bi-khong-kich-houthi-3320827/