Mỹ điều tra hai sản phẩm thép VN vì nghi lẩn tránh thuế

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã chính thức khởi xướng điều tra sau khi một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ vào cuối tháng 9-2016 nộp đơn kiện hai sản phẩm thép từ Việt Nam vì nghi ngờ sản phẩm Trung Quốc được chuyển tải vào Việt Nam và xuất khẩu vào thị trường Mỹ để né thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Sản xuất thép tại một doanh nghiệp ở Việt Nam. Ảnh: TL.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), DOC hôm 7-11 quyết định khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với hai sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam là thép cán nguội (cold-rolled CR) và thép các bon chống ăn mòn (corrosion-resistance carbon steel – CORE) (thép mạ).

Trước đó, sau khi các doanh nghiệp Mỹ nộp đơn kiện, trong quá trình DOC xem xét đơn kiện, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gửi thư phản đối. Tuy nhiên, DOC đã quyết định khởi xướng điều tra dựa trên phân tích về các cáo buộc của nguyên đơn.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, DOC sẽ chưa ban hành quyết định áp thuế sơ bộ do cần thêm thông tin về tình hình sản xuất ở Trung Quốc và nước thứ ba hoàn thiện sản phẩm (Việt Nam).

DOC cũng chưa tiến hành hoãn việc thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam và chưa yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang được áp dụng đối với sản phẩm từ Trung Quốc vào thời điểm này.

Dự kiến DOC sẽ ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ ngày khởi xướng, tức ngày 3-9-2017.

Trước đó, nhiều sản phẩm thép khác của Việt Nam đã bị kiện và điều tra chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, như ống thép hàn các bon, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép không gỉ chịu lực, mắc áo thép…, nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên sản phẩm thép của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường này.

Hiện sản phẩm thép CR của Trung Quốc đang chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,76% và 256,44%. Thép mạ của Trung Quốc cũng đang chịu mức thuế chống bán phá và chống trợ cấp khá cao, lần lượt là 199,43% và 241,43%.

Nếu Mỹ ra quyết định cuối cùng cho thấy có hiện tượng hai sản phẩm thép trên của Trung Quốc được chuyển tải sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế chống bán phá và chống trợ cấp thì sản phẩm cùng loại của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu mức thuế tương tự mà thép Trung Quốc đang bị áp dụng.

Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu sản phẩm sắt thép lớn sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý cạnh tranh, để bổ sung sản phẩm của nước thứ ba, tức sản phẩm thép của Việt Nam, vào lệnh áp thuế hiện hành (thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp), DOC phải xem xét nhiều yếu tố. Chẳng hạn, liệu sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam có cùng loại với sản phẩm của Trung Quốc đang bị áp thuế hay không, trước khi nhập khẩu vào Mỹ, sản phẩm này có được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm thép sản xuất tại Trung Quốc không, quá trình gia công hoặc hoàn thiện sản phẩm này tại Việt Nam có phải là nhỏ hoặc không đáng kể hay không,…

Theo cáo buộc của doanh nghiệp Mỹ, sau khi Mỹ áp dụng các mức thuế trên đối với sản phẩm thép Trung Quốc, lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu sản phẩm cùng loại từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến. Do đó, phía doanh nghiệp Mỹ cáo buộc có hiện tượng chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đó xuất sang Mỹ để né thuế.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153572/my-dieu-tra-hai-san-pham-thep-vn-vi-nghi-lan-tranh-thue.html/