Mỹ: Điều đáng lo hơn việc Nga xâm lược Ukraine

"Ukraine vẫn là một quốc gia đạo tặc sau 25 năm và tham nhũng là điều cần quan tâm hơn cả cuộc xâm lược của Nga với quốc gia này".

Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mark Pfeyfle hôm 8/10 có bài bình luận trên Tạp chí Foreign Policy cho thấy rõ cái nhìn của ông về quốc gia Ukraine- vốn đang được Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt và "ngốn" không ít tài chính.

Theo ông Pfeyle, Ukraine đang tự nâng tầm vị thế của họ và Nga trong một cuộc xâm lược mới và toàn diện nhằm thu hút sự chú ý của Mỹ nhưng những gì người Mỹ lâu nay nghĩ về tình hình Ukraine cần phải xem xét lại bởi vấn đề mấu chốt ở Ukraine không phải đà tiến quân mãnh liệt của Nga mà ở chính bản thân họ.

"Những vấn đề của đất nước Ukraine như là một món súp nóng bao gồm hối lộ, trộm cắp, tham nhũng của công chức và thậm chí giết người", ông nói.

Ông cho biết, vấn đề tham nhũng trong nội bộ Ukraine đáng được quan tâm nhiều hơn "sự xâm lược của Nga".

Tham nhũng ở Ukraine nghiêm trọng hơn là cuộc xâm lược của Nga. Ảnh: AP

Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, Ukraine vẫn là một quốc gia đạo tặc, mặc dù trong 25 năm qua đã nhiều lần cố gắng thay đổi mọi thứ.

Ông Pfeyfle so sánh lịch sử chính trị của Ukraine: một nhà lãnh đạo được bầu cử hợp pháp của Ukraine đã bị trục xuất khỏi đất nước trong cuộc nổi dậy, một người khác bị tình nghi giết người, còn người thứ ba bị cáo buộc làm suy yếu các tổ chức chính trị và làm mất đi cơ hội khôi phục đất nước (tác giả không tiết lộ tên của những người này).

Đặc biệt là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Vị cựu quan chức Mỹ nhắc lại những tài liệu từ cái được gọi là Hồ sơ Panama đã chứng minh rằng, khi quân đội của Tổng thống Petro Poroshenko thoái lui đến miền đông Ukraine thì ông này đang bận đăng ký các công ty nước ngoài.

"Ông Poroshenko là nhà lãnh đạo giàu nhất châu Âu, theo dữ liệu của Forbes, và bất chấp mọi lời hứa của mình "nhằm truyền bá truyền thống mới" bằng cách bán tài sản của mình thì ông Poroshenko đã không bán gì cả", ông Pfeyfle than phiền.

Giống như người tiền nhiệm của mình - Viktor Yanukovych, ông Poroshenko đã xóa nhòa ranh giới giữa chính trị và kinh doanh tại Ukraine và tìm thấy cách thức làm giàu, trong khi đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập, ông Pfeyfle tiếp tục nhấn mạnh.

Điều tồi tệ nhất ở chỗ, từ lãnh đạo cho tới cả hệ thống và ngay cả những nhà hoạt động Ukraine, các nhà báo và chính trị gia được coi là những nhà cải cách chân chính, cuối cùng cũng bị rơi vào điều gì đó tương tự.

Ông Pfeyfle lấy ví dụ về Sergei Leshchenko – đại biểu nhân dân kiêm cựu phóng viên nổi tiếng được cho là những gương mặt mới của Ukraine, đã quyết định dấn thân vào chính trị, sau khi mệt mỏi vì tham nhũng trong chính phủ.

Tuy nhiên, một thời gian sau, ông Leshchenko "dính" đến Cục phòng chống tham nhũng Ukraine: khi trở thành đại biểu, ông đã mua 1 căn hộ trong tòa nhà mới ở trung tâm Kiev. Ông Leshchenko cũng không thể giải thích được, làm thế nào ông ta có tiền để mua 1 tài sản giá trị như vậy, nhà phân tích cho biết.

Ông Pfeyfle cho rằng, Ukraine đã biến mất khỏi nhận thức quốc gia của Mỹ, cũng như các thất bại về chính trị khác của Washington như: Libya, Syria và "Nhà nước Hồi giáo".

"Tất cả những điều đó dường như không giống như cái nhìn đầu tiên" mà Mỹ dành cho Ukraine.

Vị cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ cần phải "học cách phân biệt giữa những nhà cải cách chân chính ở Ukraine và những người biến cuộc chiến chống tham nhũng của mình thành các thương vụ kinh doanh béo bở", ông Pfeyfle kết luận.

Mỹ tiếp tục viện trợ và không tính toán?

Vào tháng 9 vừa qua, Ukraine đã nhận một khoản viện trợ có giá trị 1 tỉ USD trong khuôn khổ gói viện trợ kinh tế 17,5 tỉ USD từ IMF.

Ngày 20/9, tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố mọi bước đi chính trị đã được tiến hành nhằm triển khai gói viện trợ cho vay ưu đãi trị giá 1 tỷ USD của Mỹ dành cho Ukraine. Ông Biden khẳng định Ukraine đã đáp ứng mọi điều kiện cần thiết để nhận gói viện trợ từ Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ John Bidden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Thậm chí, sau đó vài ngày, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật ổn định và dân chủ ở Ukraine”, đồng nghĩa với việc cho phép cung cấp vũ khí sát thương cho quốc gia Đông Âu này.

Theo dự luật, cho đến khi phía Nga dừng “chiếm đóng” Crimea và các thỏa thuận Minsk chưa được tuân thủ đầy đủ, thì các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ.

Ngoài ra, theo dự luật này, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ phát triển chiến lược để đối phó với “tuyên truyền của Nga”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dieu-dang-lo-hon-viec-nga-xam-luoc-ukraine-3320443/