Mỹ đau đầu với Trung Quốc về sở hữu trí tuệ

(TBKTSG) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu có những động thái đối phó với Trung Quốc chung quanh vấn đề sở hữu trí tuệ, song Washington có rất ít lợi thế. Bắc Kinh đang nắm chặt các công ty công nghệ Mỹ và luật thương mại thế giới lại đang nghiêng về phía Trung Quốc.

Nhà máy sản xuất xe hơi của tập đoàn Ford tại Hàng Châu, Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ trừng phạt các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc nếu tranh chấp thương mại xảy ra giữa hai nước. Ảnh: NYT

Mặt trận chính

Công nghệ đang trở thành trận địa chính của Trung Quốc và Mỹ khi cả hai đều dốc sức bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của mình.

Bắc Kinh đã buộc các công ty Mỹ phải liên doanh hoặc chia sẻ nghiên cứu với các công ty Trung Quốc; coi đó là một phần trong nỗ lực rộng lớn để tạo ra những tập đoàn công nghệ của riêng mình. Các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực như sản xuất chip điện thoại thông minh, xe hơi chạy điện... đã miễn cưỡng chấp nhận, vì lo ngại rằng sẽ không được tiếp cận thị trường Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tham vọng của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Washington, với những quan ngại từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Ông Robert E. Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, đang chuẩn bị một vụ kiện thương mại cáo buộc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ với quy mô lớn, theo những người có kiến thức chi tiết về vụ án cho The New York Times biết. Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét các biện pháp ngăn chặn khả năng Trung Quốc thủ đắc các công nghệ tiên tiến bằng cách ngăn chặn các vụ thâu tóm công ty Mỹ và hạn chế chuyển giao công nghệ.

Nhưng có vẻ Trung Quốc lại có những biện pháp phòng hộ hiệu quả. Theo quy định đặc biệt mà Trung Quốc đàm phán khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bắc Kinh có sự tự do khá lớn để duy trì rào cản tiếp cận thị trường.

“Vấn đề nằm ở chỗ các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã đồng ý các điều khoản cho phép Trung Quốc hạn chế tiếp cận thị trường đối với các công ty Mỹ trừ khi các công ty này tham gia liên doanh”, ông Michael R. Wessel, một thành viên của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, nói. Đây là ủy ban do Quốc hội Mỹ lập ra để giám sát mối quan hệ giữa hai quốc gia.

“Các đối tác Trung Quốc tiềm năng có thể yêu cầu [công ty Mỹ] chuyển giao công nghệ. Một số công ty có thể từ chối, nhưng nhiều công ty đã phải gật đầu trước áp lực của Trung Quốc vì muốn kiếm tiền nhanh chóng”, ông Michael R. Wessel nói thêm.

Mâu thuẫn thương mại hiện nay giữa hai nước đã bắt đầu từ thời chính quyền của Tổng thống Bill Clinton. Khi Trung Quốc gia nhập vào WTO năm 1999-2000, các nhà đàm phán Mỹ đã cho phép Bắc Kinh có sự tự do nhất định, những nhượng bộ này sau đó được chính quyền của Tổng thống George W. Bush chấp thuận. Với vị thế một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc được phép có những biện pháp bảo hộ, ví dụ như quy định các công ty trong một số ngành công nghiệp trọng điểm phải hợp tác với các đối tác Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc hứa sẽ dần dần loại bỏ các quy định đặc biệt này khi mà nền kinh tế trưởng thành hơn.

Nhưng Bắc Kinh đã không thực hiện lời hứa, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế. Điều ngược lại đã xảy ra dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình - người theo đuổi một chiến lược mang tính dân tộc chủ nghĩa rõ rệt hơn các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Trung Quốc giờ đây coi lĩnh vực công nghệ là phần cốt yếu của chính sách công nghiệp - một chính sách mà Bắc Kinh ra sức ép buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ phải hỗ trợ và giới lãnh đạo làm mọi cách để bảo vệ.

Trung Quốc cũng đã thể hiện rõ động cơ kinh tế của mình là tìm cách thống trị các ngành công nghiệp toàn cầu đang phát triển nhanh, có thể tạo ra hàng triệu công việc làm có lương cao cho thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng có học thức.

Hợp tác để hưởng lợi

Các luật lệ mới của Trung Quốc buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải liên doanh với các công ty trong nước - một phần nhằm tiếp thu công nghệ tiên tiến, một phần nhằm tăng cường kiểm soát. Chính quyền Trung Quốc buộc các công ty phải đầu tư nhiều hơn tại Trung Quốc để được phép tiếp cận thị trường này. Tập đoàn Apple chẳng hạn, đã phải mở các trung tâm phát triển và nghiên cứu tại Trung Quốc.

Trong lĩnh vực chip điện tử, một sáng kiến của Trung Quốc để nâng cao năng lực quốc gia là lôi kéo các nhà sản xuất điện tử lớn nhất nước Mỹ, những công ty làm ra các bộ óc điện tử vận hành mọi thứ từ điện thoại thông minh tới xe không người lái. Trong bốn năm qua, các công ty sản xuất chip của Mỹ đã tham gia vào một mạng lưới quan hệ đối tác phức tạp, không giống với bất cứ nơi nào.

Qualcomm, nhà sản xuất bộ vi xử lý cho thiết bị di động hàng đầu thế giới, đã phải hợp tác với một công ty ở Tây Nam Trung Quốc để phát triển các chip cho máy chủ. Năm 2014, Intel cũng ký thỏa thuận với hai công ty sản xuất chip của Trung Quốc, Spreadtrum và Rockchip, đổi lấy việc tập đoàn này có thể đặt chân vào thị trường máy tính bảng và điện thoại thông minh của Trung Quốc. Năm ngoái, Intel cũng đồng ý hợp tác với trường Đại học Thanh Hoa có uy tín của Trung Quốc nhằm sản xuất các chip máy chủ phù hợp với các tiêu chuẩn nội địa. IBM và Advanced Micro Devices (AMD) đều đã nhượng quyền công nghệ sản xuất chip cho các đối tác Trung Quốc có liên hệ với quân đội của quốc gia này. GlobalFoundries, một công ty có trụ sở tại California, đã hợp tác với chính quyền địa phương ở Trung Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 10 tỉ đô la Mỹ.

Ngay trong một lĩnh vực mới và phát triển nhanh là điện toán đám mây, luật của Trung Quốc đòi hỏi các công ty nước ngoài phải liên doanh với đối tác trong nước nhưng chỉ được giữ cổ phần thiểu số. Các tập đoàn đa quốc gia bị cấm cung cấp dịch vụ dưới tên thương hiệu của mình. Ngay cả Microsoft và Amazon - hai công ty thống trị dịch vụ điện toán đám mây tại Mỹ - cũng phải hợp tác với công ty Trung Quốc trong khi người khổng lồ về thương mại điện tử của Trung Quốc là Alibaba thì ngược lại, đang vận hành hai trung tâm dữ liệu lớn ở Mỹ mà không cần phải hợp tác với đối tác địa phương.

Một quy định khác yêu cầu dữ liệu về hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng Trung Quốc phải được lưu trữ tại Trung Quốc. Vì thế, Apple và Amazon gần đây đã phải thành lập các trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc với các đối tác nội địa để lưu trữ thông tin khách hàng tại quốc gia này.

Các công ty công nghệ Mỹ nhận thấy họ sẽ ở vị trí bất lợi nghiêm trọng tại Trung Quốc trừ khi họ đồng ý hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc có mối quan hệ với chính quyền quốc gia này. Đã có mối lo rằng qua việc hợp tác với Trung Quốc, các công ty Mỹ đang đào huyệt tự chôn mình, cũng như giao cho đối thủ những công nghệ thiết yếu mà Mỹ phải dựa vào để phát triển các chương trình quân sự, công nghiệp không gian và quốc phòng.

Bất lợi nghiêng về phía Mỹ

Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi phải có hành động thương mại đang nhận được sự ủng hộ của hai đảng lớn của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden của bang Oregon - người đứng đầu đảng Dân chủ trong Ủy ban Tài chính của Thượng viện, nơi giải quyết các vấn đề thương mại - đã gặp ông Lighthizer hôm thứ Tư tuần trước và đưa cho ông một lá thư ủng hộ việc đối phó với các chính sách của Trung Quốc. “Chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ của Trung Quốc là một trong những thách thức chính mà các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Mỹ phải đối mặt. Bên cạnh đó, họ còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Wyden viết.

Trung Quốc lại có những lợi thế riêng theo quy định thương mại quốc tế. Bắc Kinh có thể nhanh chóng yêu cầu trọng tài mang tính ràng buộc và có nhiều cơ hội chiến thắng. Nếu Trung Quốc giành chiến thắng trong vụ kiện W.T.O, quốc gia này sẽ có quyền hạn chế hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tương đương với mức độ mà Mỹ hạn chế hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc luôn xuất khẩu sang Mỹ cao gấp 4 lần Mỹ xuất khẩu ngược lại nên nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ không có nhiều tác dụng. Mặc dù vậy, Trung Quốc lại có thể phạt các công ty Mỹ như Apple và Starbucks, hai tập đoàn có hoạt động sản xuất và kinh doanh rất lớn ở Trung Quốc mà lại có số lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ rất nhỏ.

“Tôi nghĩ các nhà đàm phán của Mỹ về cơ bản đã mắc sai lầm lớn”, Nicholas R. Lardy, một chuyên gia thương mại lâu năm tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói. “Họ không nghĩ rằng Trung Quốc vô cùng quan trọng”.

Trúc Diễm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163469/my-dau-dau-voi-trung-quoc-ve-so-huu-tri-tue.html