Mỹ đã bị Nga và Trung Quốc lợi dụng như thế nào?

Chính phủ Mỹ và lực lượng quân đội của họ luôn hành động theo những nguyên tắc và luật pháp cố định để giảm bớt khả năng xảy ra chiến tranh, song điều này cũng khiến hành động của Mỹ dễ bị đoán trước.

Trong quá khứ, Mỹ đã ký kết nhiều thỏa thuận quy tắc ứng xử với nhiều nước trên thế giới, ví dụ như thỏa thuận INCSEA vào năm 1972 giữa Mỹ và Liên Xô để giảm bớt các cuộc đối đầu trên biển hoặc Quy tắc Ứng xử cho những Chạm trán Ngoài ý muốn Trên biển (CUES) được 21 quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc ký kết. Tuy nhiên, chính việc tuân thủ những ràng buộc như vậy khiến hành động của Mỹ trở nên dễ đoán đối với nhiều nước.

Mỹ đang quá dễ đoán trước Nga và Trung Quốc.

Cả Nga và Trung Quốc đều có những chiến lược giống nhau để đối phó với phương Tây. Từ năm 2008 đến nay Trung Quốc đã dùng hàng loạt tàu cá và tàu cảnh sát biển để thách thức Mỹ và nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của động thái này đó là tránh một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ mà vẫn có thể có những hành động xâm lấn trái phép tại nhiều vùng biển. Trong khi đó, Nga bị phương Tây cáo buộc đưa lực lượng đặc nhiệm vào bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine, giành kiểm soát khu vực và mở rộng lãnh thổ trái phép, điều mà Nga đã nhiều lần phủ nhận.

Có thể thấy rằng, Nga và Trung Quốc hiểu rõ họ có thể làm được gì để không khiến Mỹ và các nước đồng minh đáp trả bằng vũ lực. Một trong những nguyên nhân đó là bởi, kể từ sau chiến dịch Bão cát Sa mạc vào năm 1991, Lầu Năm Góc đã liệt kê một số kinh nghiệm thu được và đúc kết lại thành một học thuyết quân sự riêng, trong đó ghi rằng các hoạt động quân sự của Mỹ cần diễn ra theo những giai đoạn nhất định, từ lúc hiểm họa bắt đầu, cho đến triển khai quân, khẳng định sức mạnh quân sự và giành chiến thắng.

Dần dần các nước nhận ra rằng, quân đội Mỹ và các quan chức cấp cao của nước này thích những cuộc chiến “sạch” và thực hiện những chiến dịch mang tính quyết định nhằm cho thấy sức mạnh quân sự vượt trội của mình với các nước khác. Đông thời, người Mỹ cũng tự dựng cho mình một rào cản pháp lý vô hình. Nếu vượt rào, họ sẽ đối đầu với Mỹ, còn nếu không thì Mỹ sẽ không làm gì được. Và vì lẽ đó, Nga và Trung Quốc đã có những bước thử nghiệm dựa trên cách hiểu của họ đối với học thuyết của Mỹ, và đạt được hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.

Trong vòng 8 năm qua, Trung Quốc đã thách thức quân đội Mỹ ở châu Á bằng các tàu cá và tàu chiến hạng nhẹ phục vụ mục đích dân sự, trong khi Nga khẳng định ảnh hưởng địa chính trị của mình ở Đông Âu mặc cho sự hiện diện của Mỹ tại đây. Hiện tại Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông và có lúc đã xâm phạm vùng đặc khu kinh tế của các nước trong khu vực, trong đó có những đồng minh của Mỹ, mà Mỹ không thể đáp trả bằng những biện pháp quân sự.

Mỹ cần có những biện pháp khó đoán hơn.

Giáo sư Jerry Hendrix, một chuyên gia quân sự có uy tín người Mỹ, viết trên tạp chí National Interest rằng để thay đổi tình trạng này, Mỹ phải có những biện pháp khó đoán hơn. Bộ Quốc phòng Mỹ không nên quá phụ thuộc vào những “giai đoạn” mà nên linh động thay đổi chúng hơn. Thay vì thực hiện quân sự tuần tự theo các giai đoạn, họ nên thay đổi thứ tự thực hiện, hoặc đưa ra những lựa chọn khác nhau để đối mặt với những hiểm họa khác nhau.

Ông Hendrix kết luận: “Trong vòng 70 năm kể từ khi Thế chiến II kết thúc, quân đội Mỹ đã đóng vai trò gìn giữ an ninh cho các nước đồng minh và đối tác trên khắp thế giới. Toàn thế giới phải tin tưởng Mỹ, nhưng chúng ta không được để họ biết trước Mỹ sẽ làm gì. Đã đến lúc để áp dụng những chiến lược khó lường hơn”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nga-va-trung-quoc-da-tan-dung-su-cung-nhac-cua-my-nhu-the-nao-post210912.info