Mỹ có tung ra gói kích cầu thứ hai?

Mặc dù gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ mới chỉ triển khai được 1/4 thời gian quy định nhưng Quốc hội và các nhà kinh tế hàng đầu nước này đã bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.

Nguyên nhân là do tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 6 tăng trở lại lên 9,5% - mức kỷ lục trong 26 năm qua. Trong 5 tháng triển khai gói kích thích kinh tế, nước Mỹ mất hơn 2 triệu việc làm, trong khi chỉ tạo ra được 150.000 việc làm. Điều này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của Tổng thống Barack Obama khi ký ban hành đạo luật phục hồi kinh tế trị giá 787 tỉ USD hồi tháng 2 rằng chương trình này sẽ giúp giữ lại hoặc tạo ra 600.000 việc làm ngay trong mùa hè 2009 và 3,5 triệu việc làm cho đến cuối năm 2010, qua đó kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay ở mức 8%. Kết quả đáng thất vọng đó đã khiến Phó tổng thống Joe Biden phải thừa nhận trong buổi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ABC hôm 5.7 rằng chính phủ đã “quá lạc quan” và “hiểu sai” về mức độ tồi tệ của nền kinh tế Mỹ. Nó cũng trở thành tâm điểm chỉ trích của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội. Gói kích cầu thứ hai? Câu hỏi đặt ra lúc này là, để giải bài toán thất nghiệp và suy thoái kéo dài, liệu nước Mỹ có cần thêm gói kích cầu thứ hai? Phe Cộng hòa nói không cần, chính phủ nên cắt giảm thêm thuế là đủ. Phe Dân chủ chia rẽ thành hai nhóm, một số nghị sĩ nói nên cân nhắc, trong khi giới lãnh đạo cho rằng nên chờ thêm vài tháng nữa mới kết luận. Chính phủ Mỹ thì cương quyết bác bỏ khả năng có thêm gói kích cầu thứ hai. Hôm 11.7, trong bài diễn văn hằng tuần trên sóng phát thanh, ông Obama khẳng định gói kích cầu hiện nay đã cứu nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cảnh sụp đổ và đang dần hồi phục, đồng thời kêu gọi người dân nước này kiên nhẫn chờ những chính sách phục hồi kinh tế của chính phủ phát huy tác dụng vì gói kích cầu được thiết kế cho hai năm chứ không phải chỉ vài tháng. Một loạt quan chức cấp cao của chính phủ như Chủ tịch Hội đồng kinh tế Nhà Trắng Lawrence Summers, Bộ trưởng Lao động Hilda Solis... cũng lên tiếng trên tờ New York Times rằng gói kích cầu đang đi đúng hướng nhưng hiệu quả chưa như mong đợi vì các bang giải ngân quá chậm. Họ cho biết hiện chỉ có một phần ba số tiền 158 tỉ USD dành cho chi tiêu của chính phủ được sử dụng và khoản giảm thuế để kích cầu mới đạt 43 tỉ trong tổng số 168 tỉ USD theo kế hoạch. Các nhà kinh tế nhận định Tuy nhiên, quan điểm của nhiều nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ hoàn toàn khác với chính phủ. Trong hai bài viết Đó là cuộc khủng hoảng năm 30 và Bẫy kích cầu đăng trên tờ New York Times, giáo sư Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2008, khẳng định gói kích thích kinh tế hiện nay quá nhỏ và cách triển khai không quyết liệt nên chẳng giúp kích cầu hay giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. Theo ông, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang không còn khả năng kích cầu (lãi suất cơ bản hạ về gần 0% từ vài tháng nay) thì việc sớm có thêm một gói kích thích thứ hai là rất cần thiết. Nếu không, chính quyền Obama sẽ lặp lại sai lầm của Tổng thống Frankin Roosevelt năm 1937, tức thực hiện chính sách kích thích kinh tế nửa vời khiến thất nghiệp, thâm hụt ngân sách và lạm phát tăng vọt trở lại sau khi kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục từ cuộc Đại suy thoái. Bà Laura Tyson, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, và tỉ phú Warren Buffett mới đây cũng lên tiếng kêu gọi chính phủ triển khai tiếp gói kích cầu thứ hai vì, như ví von của ông Buffett trên Đài truyền hình ABC hôm 9.7, gói kích thích hiện nay chưa đủ mạnh, mới chỉ “giống như uống một nửa viên Viagra cộng với một đống kẹo”. Thật ra, không phải Chính phủ Mỹ không hiểu rằng quy mô của gói kích cầu hiện nay chưa đủ để vực dậy nền kinh tế nước này. Ngay khi nhậm chức tổng thống, ông Obama đã đề xuất một chương trình kích thích kinh tế lên tới hơn 900 tỉ USD, nhưng sau nhiều lần thương lượng với Quốc hội đã phải rút xuống chỉ còn 787 tỉ. Tuy nhiên, vào lúc này, có một nguyên nhân sâu xa khiến ông Obama dù muốn cũng gần như không thể thực hiện được thêm gói kích cầu nữa là: lấy tiền ở đâu? Hiện tổng số nợ của Mỹ đã là 11.500 tỉ USD và thâm hụt ngân sách năm 2009 dự báo sẽ lên đến 1.840 tỉ USD, mức kỷ lục từ Thế chiến 2 đến nay. Điều này khiến Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc vay thêm tiền nước ngoài. Tờ New York Times cho biết, từ cuối năm 2008 đến nay, Bộ Tài chính Mỹ đã phải tăng lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 2% lên 3,54%, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm qua, để hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc phải trả thêm số lãi khoảng 170 tỉ USD hằng năm. Ngoài ra, chương trình chăm sóc y tế toàn dân mà ông Obama đang đề xuất cũng cần rất nhiều tiền. Về phía các nghị sĩ Dân chủ, sở dĩ họ rất dè dặt khi đánh giá chính sách kích cầu của chính phủ là vì sợ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra. Đối với đề xuất giảm thuế của phe Cộng hòa, nhiều tổ chức đại diện cho quyền lợi của công nhân và người lao động đã khẳng định nó chỉ có lợi cho giới nhà giàu bởi sự bất hợp lý trong chính sách thuế gần như cào bằng hiện nay ở Mỹ. Hơn nữa, việc giảm thuế sẽ khiến ngân sách thêm thâm hụt, dẫn đến hậu quả là các bang sẽ cắt giảm phúc lợi xã hội và các dịch vụ công ích dành cho người nghèo. Tuy nhiên, khả năng người dân Mỹ kiên nhẫn chờ đến khi gói kích cầu phát huy tác dụng như kêu gọi của ông Obama là rất thấp. Kết quả thăm dò dư luận của hãng ABC gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Obama giảm mạnh từ trên 60% xuống còn 55% và số người nghĩ ông Obama có thể cải thiện nền kinh tế và tạo việc làm giảm hơn 19% so với ngày ông nhậm chức. Lê Quang (từ New York)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200931/20090728004559.aspx