Mỹ chuyển tên lửa ngoài tầm phòng không đến Hàn Quốc

Không quân Mỹ vừa quyết định triển khai hơn chục quả JASSM đến Hàn Quốc - loại tên lửa không đối đất ngoài tầm phòng không Triều Tiên.

Ngoài tầm với

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ vừa bất ngờ chuyển cho lực lượng này hơn chục quả tên lửa lửa JASSM đến căn cứ không quân Kunsan, cách Seoul khoảng 180km về phía Nam để sẵn sàng cho trường hợp cần thiết.

Mặc dù thông báo về quyết định triển khai tên lửa JASSM nhưng USFK không thông báo cụ thể phiên bản nào được đưa tới bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, đây sẽ là phiên bản mới nhất được tăng tầm của loại tên lửa này.

Căn cứ vào thông tin này cho thấy, gần như chắc chắn phiên bản được triển khai đến căn cứ Kunsan là JASSM-ER. Theo Không quân Mỹ, số tên lửa này sẽ được trang bị cho phi đội F-16 của lực lượng này hiện đang có mặt tại Hàn Quốc.

Tên lửa JASSM tấn công mục tiêu.

Theo Yonhap, JASSM-ER là phiên bản nâng cấp sâu từ loại tên lửa JASSM, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tăng tầm bắn cho tên lửa, do vậy, loại tên lửa mới đã đạt đến tầm bắn xa gấp 2,5 lần (lên tới hơn 960km) so với nguyên bản JASSM ban đầu.

Điều đó có nghĩa là, tên lửa này có thể được phóng từ bên ngoài vùng phòng không của các hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm xa hiện đại nhất hiện nay của Triều Tiên, và có thể sử dụng để chống lại những mục tiêu có giá trị cao về chiến thuật, chiến dịch, cũng như mục tiêu kiên cố hay không thể cơ động trên mặt đất.

JASSM- ER sử dụng nguyên tắc "bắn và quên" và khả năng miễn dịch với các hệ thống gẫy nhiễu hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS để có thể tiếp cận và tấn công tàu chiến đối phương. Một trong những cải tiến quan trọng nhất của tên lửa là khả năng "cập nhập" các dữ liệu về mục tiêu tên lửa mới trong suốt chuyến bay, tăng đáng kể tính linh hoạt khi tấn công tầm xa.

Tên lửa JASSM hoạt động nhờ vào sự dẫn đường của hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống dẫn đường quán tính để tìm ra các mục tiêu quan trọng của đối phương trong suốt hành trình bay. Ở giai đoạn cuối, tên lửa sẽ sử dụng đầu dò hồng ngoại để phát hiện chính xác một mục tiêu cụ thể trước khi lao vào tiêu diệt.

Hiện tại, tên lửa JASSM-ER đã được tích hợp lên loại máy bay ném bom Rockwell B-1B Lancer, F-15E Strike Eagle và F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ. Trong tương lai, vũ khí này còn được trang bị trên oanh tạc cơ B-52H.

Tuy nhiên, máy bay ném bom B-1 mới được Không quân Mỹ xác định là nền tảng tác chiến mạnh mẽ nhất có thể triển khai các tên lửa hành trình tầm xa JASSM-ER, với mỗi máy bay loại này có thể mang 24 tên lửa như vậy.

Triều Tiên phóng thử tên KN-06.

Tên lửa mạnh nhất Triều Tiên

Ngay trước khi Mỹ quyết định triển khai cả tá tên lửa JASSM đến Hàn Quốc, lực lượng phòng không Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm thành công hệ thống phòng không tầm xa nội địa được định danh là KN-06.

Dù hầu hết các thông số về vũ khí này vẫn được Triều Tiên bảo mật, tuy nhiên theo nguồn tin tình báo Hàn Quốc, tên lửa này có tầm bắn ngang ngửa với hệ thống S-300 của Nga hiện nay - khoảng trên 150km.

Và như vậy, tầm bắn của KN-06 tỏ ra khiêm tốn hơn hệ thống S-200 hiện có Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tin rằng, với công nghệ hiện đại, hệ thống KN-06 có thể đánh chặn bất cứ mục tiêu nào khi lọt vào tầm bắn của chúng.

Clip Triều Tiên phóng tên lửa KN-06

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-chuyen-ten-lua-ngoai-tam-phong-khong-den-han-quoc-3338072/