Mỹ chưa rời đi, TQ đã tranh thủ lấp khoảng trống ở Trung Đông

Mặc dù thể hiện không bằng lòng với chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, song theo giới quan sát, Trung Quốc đang “bắt chước” cách Mỹ tiếp cận khu vực này.

The Diplomat (Nhật Bản) dẫn bài phân tích của chuyên gia chính trị Massoud Hayoun cho biết, từ sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đề ra những chính sách cấm cửa, trục xuất người Hồi giáo tới Mỹ. Điều này đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc.

“Nhiều doanh nhân Arab đang tìm kiếm cơ hội từ phía Bắc Kinh, họ hy vọng ở phía Đông sẽ mang lại tương lai tốt đẹp cho mình”, ông Massoud cho hay.

Chủ tịch Trung Quốc và Quốc vương Saudi Arabia. Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ với Saudi Arabia thành đối tác chiến lược toàn diện.

Chính sách đối ngoại của Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump dự báo là sẽ “xây dựng những bức tường” để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp và cấm tất cả những người Hồi giáo tại Mỹ.

Ngược lại, Trung Quốc đang thể hiện nỗ lực “chào mời” những người hàng xóm đến từ Trung Á và Trung Đông khi xây dựng các tòa nhà trọc trời, khách sạn, nhà thờ Hồi giáo và các địa điểm văn hóa để thu hút họ.

Diplomat bình luận, Trung Quốc đã thể hiện ý nguyện của mình một cách rõ ràng. Từ lâu nước này đã có tham vọng thay thế “ngôi vị” thống trị toàn cầu của Washington.

Sau vụ khủng bố 11/9, làn sóng phản đối, chống người Hồi giáo lan rộng trên toàn thế giới thì Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất mở cửa chào đón doanh nghiệp Trung Đông đầu tư. Mọi “nước cờ” Bắc Kinh hành động đều thể hiện sự tính toán sâu sắc.

Chuyên gia Massoud Hayoun chỉ rõ, Saudi Arabia và nhiều quốc gia Trung Đông từ lâu trở thành nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên cho Bắc Kinh. Đặc biệt từ khi hai cường quốc Mỹ, Nga tập trung vào chiến trường Syria, Trung Quốc càng có thêm những bước đi nhằm tăng cường vị thế, ảnh hưởng tại khu vực.

Rồi cho tới chuyến công du đầu năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 3 quốc gia vùng Trung Đông – Bắc Phi là Saudi Arabia, Ai Cập và Iran khi mà giá dầu thô đang ở mức thấp cực điểm, ít ai nghĩ rằng chuyến công du của ông Tập Cận Bình chỉ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Tại mỗi điểm dừng chân, chính quyền Trung Quốc không chỉ tạo thêm những cơ hội hợp tác về thương mại - đầu tư, mà còn góp phần thúc đẩy chính sách đối ngoại của Trung Quốc với nhiều lợi ích và hướng tiếp cận mới mẻ.

Cũng vào cuối tháng trước, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chống khủng bố chung đầu tiên với Saudi Arabia tại thành phố Trùng Khánh. Theo chuyên gia chính trị Massoud Hayoun, Trung Quốc đã thực hiện “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa thắt chặt quan hệ với quốc gia này lại vừa làm “yên lòng” khu vực bất ổn phía nam của vùng Tân Cương, nơi có đông người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc dường như “hứa hẹn” rất nhiều đối với các nước Trung Đông thông qua các hợp tác kinh tế như sáng kiến Một vành đai, một con đường (được hình thành từ hai bộ phận gồm: vành đai kinh tế con đường Tơ lụa trên đất liền, được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á từ bờ biển Thái Bình Dương tới biển Baltic, và con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI) nhằm mở rộng ảnh hưởng chiến lược và phát triển thương mại ở khắp châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng thể hiện nỗ lực của khi khi tham gia vào cuộc xung đột Palestine – Israel với vai trò là người “môi giới” đàm phán hòa bình. Bắc Kinh cũng góp mặt trong việc giải quyết xung đột của Syria. Tuy sự tham gia chưa tạo dấu ấn, nhưng cho phép Bắc Kinh khẳng định vai trò trọng tài ngoại giao tại khu vực Trung Đông.

Trong khi nhiều nước Trung Đông đang có những "hiềm khích" với Mỹ, coi Washington là mối đe dọa an ninh trong tương lai gần. Và khi chính quyền mới của Mỹ đã bày tỏ ý định muốn thu hẹp sự hiện diện tại Trung Đông, thì những bước đi của Trung Quốc tại đây bước đầu đã có kết quả.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/my-chua-roi-di-tq-da-tranh-thu-lap-khoang-trong-o-trung-dong-a308059.html