Mỹ cấp vũ khí sát thương, Ukraine sẽ thôi ngậm trái đắng?

Vũ khí sát thương Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể đã cũ và sẽ mất tiền.

Ngày 25/7, Điện Kremlin đã bình luận về khả năng Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ cản trở những nỗ lực mang lại hòa bình và làm leo thang căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này.

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng mọi hành động làm leo thang căng thẳng và làm trầm trọng hơn nữa tình hình vốn đã phức tạp sẽ chỉ càng khiến chúng ta khó tiến tới thời điểm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine" - người phát ngôn Điện Kremlin nói.

Tổng thống Ukraine gặp quân nhân tại khu vực Donetsk tháng 6/2017

Từng đề cập tới vấn đề Mỹ cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nga Frants Klintsevich nhắc tới vấn đề căn cơ cho việc này là ranh giới giữa vũ khí sát thương và vũ khí phòng thủ đôi lúc không rõ ràng.

Ông Klintsevich cho rằng Thuật ngữ “vũ khí phòng thủ” ngày nay chỉ mang ý nghĩa tương đối và Tổng thống Poroshenko đã rất "khôn khéo" khi yêu cầu Washington cung cấp vũ khí phòng thủ chứ không phải vũ khí sát thương.

"Lập trường của Nga rõ ràng và vững chắc, đó là chúng tôi kiên quyết phản đối việc cung cấp vũ khí cho quốc gia đang trong cuộc nội chiến này" - ông Klintsevich khẳng định.

Mới đây, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Ukraine Kurt Volker phát biểu trên kênh truyền hình BBC của Anh cho biết Washington đang tích cực xem xét lại việc có nên cung cấp vũ khí để hỗ trợ quân đội Ukraine chống lại các tay súng đòi độc lập tại miền Đông hay không.

Ông Kurt Volker nhìn nhận lực lượng chính phủ Ukraine có thể thay đổi cách tiếp cận của Moscow và không nghĩ động thái gửi vũ khí cho lực lượng tại Kiev là hành động khiêu khích.

Bởi "các loại vũ khí phòng vệ sẽ giúp Ukraine tự bảo vệ mình và việc điều xe tăng đến sẽ thật sự có ích" để ngăn Nga đe dọa Ukraine.

"Tôi không suy đoán về việc chúng tôi sẽ đi xa đến đâu trong vấn đề này. Đó là vấn đề cần phải thảo luận thêm để đi đến quyết định cuối cùng. Tuy nhiên tôi nghĩ tranh cãi về việc gửi vũ khí có thể khiêu khích Nga hoặc khiến Ukraine trở nên táo bạo hơn chỉ khiến kế hoạch chậm tiến triển hơn" - ông Volker nhận định.

Ukraine sẽ lại nếm trái đắng?

Đây không phải là một vấn đề mới được đề cập như là một biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Marc Thornberry trước đó đã tiết lộ, một dự luật về ngân sách năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bao gồm điều khoản về hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có hỗ trợ vũ khí sát thương.

Ông Thornberry nói: "Chắc chắn (Mỹ) sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine và khuyến nghị chính phủ cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương. Như vậy, người dân Ukraine có thể tự vệ trước sự xâm lược đang nhằm vào họ từ phía Đông".

Nếu gói viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev của Mỹ được thực hiện, bất chấp cảnh báo của các bên liên quan, liệu tình hình ở Ukraine sẽ được cải thiện?

Vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã nhiều lần nhắc nhở về gói viện trợ quân sự mới với Mỹ. Bởi Mỹ hứa cố gắng giải quyết vấn đề trang bị vũ khí phòng vệ cho Ukraine trước khi kết thúc năm tài chính kéo dài đến tháng 10/2017.

"Chúng ta đang mong đợi chuyến thăm của Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Ukraine trong thời gian tới đây. Và hy vọng thỏa thuận sẽ được ký trong chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa này. Tôi nhấn mạnh không có điều gì có thể cản trở quá trình cung cấp vũ khí phòng vệ cho Ukraine, bao gồm vũ khí sát thương", Tổng thống Poroshenko cho biết.

Việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể đã trọn vẹn nằm trong kế hoạch. Nhưng, theo những thông tin đã công bố trước đó, gói viện trợ của Mỹ đồng ý cung cấp cho Ukraine là khoảng 150 triệu USD. Đây không phải là con số ấn tượng với ngân sách Mỹ nhưng với ngân sách quốc phòng Ukraine có ý nghĩa đặc biệt.

Số tiền 150 triệu USD được dùng cho cả việc "huấn luyện đào tạo, cung cấp trang thiết bị, vũ khí sát thương, công tác hậu cần và tình báo và để "hỗ trợ công tác tình báo cho quân đội và an ninh quốc gia Ukraine".

Trong số này, tháng 5/2017, Kiev nhận được lô tên lửa chống tăng Javelin từ Mỹ đầu tiên. Nhưng đây là loại tên lửa chống tăng đắt đỏ thuộc hàng bậc nhất thế giới với giá 80.000 USD cho một quả tên lửa.

Như vậy, số vũ khí sát thương (nếu có) còn lại trong gói viện trợ của Mỹ, có thể chỉ còn lại những thế hệ cũ.

Điều này khiến gói viện trợ mà Ukraine thường xuyên mong ngóng chịu chung số phận như những gói viện trợ trước đây được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dành cho Ukraine.

Đa phần những thiết bị quân sự được Mỹ viện trợ không còn sử dụng được hoặc đã quá "date" rất lâu như xe Humvee, UAV. Các quan chức quốc phòng Ukraine đã từng nhiều lần thất vọng vì những gói viện trợ tưởng như rất hoành tráng nhưng thực chất lại không thể sử dụng được.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump dù đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Ukraine và còn nhiều lần lên tiếng về các biện pháp mới cần đạt được để giành lại hòa bình ở quốc gia Đông Âu này, nhưng sự can thiệp của Mỹ có thể đến mức nào khi quan điểm của ông Trump là tập trung vào giá trị của Mỹ trước hết?

"Make American Great Again" không chỉ mang lại chiến thắng cho ông Trump mà còn mang tới niềm tin của người dân Mỹ nhưng trước mắt, những nước thường xuyên được Mỹ viện trợ -như Ukraine -sẽ càng khó để có được những điều mong muốn.

Ukraine đã nhận được tiền, thiết bị quân sự cũ của Mỹ. Kiev cũng có thể được dùng vũ khí mới của Mỹ như họ mong muốn nhưng đó là khi, Ukraine phải tự bỏ tiền!

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-cap-vu-khi-sat-thuong-ukraine-se-thoi-ngam-trai-dang-3339896/