Mưu sinh với nghề rọc lá chuối

Rong ruổi khắp nhà vườn, lấy công làm lời, những người rọc lá chuối ngày ngày vẫn cứ tất bật với công việc để kịp giao hàng. Những bó lá chuối ngày ngày vẫn là người bạn đồng hành cùng họ.

Rong ruổi khắp nhà vườn, lấy công làm lời, những người rọc lá chuối ngày ngày vẫn cứ tất bật với công việc để kịp giao hàng. Những bó lá chuối ngày ngày vẫn là người bạn đồng hành cùng họ trên khắp nẻo đường mưu sinh, nhờ nó mà có những người nuôi con ăn học thành tài.

Rọc lá chuối để bó lại thành từng bó

LẤY CÔNG LÀM LỜI

Ngày nay, khi túi ni-lông được sử dụng rộng rãi, kéo theo đó là các vấn đề liên quan đến môi trường thì việc sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường mà cụ thể là lá chuối đang mang lại những lợi ích thiết thực. Chắc có lẽ, với những lợi ích trên cùng nét truyền thống từ lâu đời mà nghề rọc lá chuối để mưu sinh vẫn còn “đất sống” cho đến ngày nay.

Những cơn mưa ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn góp phần tạo nên sự tươi mới cho những vườn cây. Mùa mưa làm cho chuối ra lá nhiều hơn, hứa hẹn một mùa bội thu đối với những người làm nghề rọc lá chuối.

Chúng tôi theo chân cô Nguyễn Thị Kim Hoa (ấp 5, xã Trung An, TP. Mỹ Tho) đi rọc lá chuối. Đã 60 tuổi nhưng ngày nào cô Hoa cũng rong ruổi khắp các nhà vườn trong và ngoài tỉnh để rọc lá chuối. Trong bộ đồ dính đầy nhựa chuối, thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt in hằn dấu vết của thời gian, cô nhanh chóng len lỏi vào khu vườn để rọc lá chuối. Do đã lớn tuổi nên đi cùng với cô còn có người cháu để phụ giúp những việc nặng nhọc.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoa đang rọc lá chuối ra để bó lại.

Với 30 năm trong nghề, ngày nào cô Hoa cũng đi rọc lá chuối từ lúc sáng sớm đến chiều tối mới về tới nhà, chủ yếu lấy công làm lời. Sau khi cắt những tàu lá chuối xuống khỏi thân, cô thu gom chúng thành đống rồi dùng dao để rọc lấy phần lá và sắp xếp ngay ngắn.

Dường như rào cản của tuổi tác, do bị ong đốt ngày hôm trước khiến cho cô không còn nhanh nhẹn như trước. Hôm trước, khi đi rọc lá chuối ở Bến Tre, cô Hoa không may bị bầy ong vò vẽ đốt 4 mũi, dẫu đau nhức và bị hành đến phát sốt nhưng cô vẫn cố gắng làm việc để kịp giao hàng.

Cô Hoa bày tỏ: “Làm nghề này vất vả lắm, nắng mưa gì cũng phải làm để có lá giao cho người ta; khi đi làm bị ong đốt, hay kiến, muỗi cắn là thường xuyên. Trước đây, có 1 lần trong lúc đang rọc lá chuối cô bị rắn lục cắn phải nhập viện”.

Sau khi rọc hết những tàu lá chuối vừa cắt, cô Hoa cùng người cháu của mình nhanh chóng bó lá lại thành từng bó rồi chất lên xe di chuyển đến một vườn khác. Khi đến nơi, mặc cho trời mưa lất phất họ vẫn tiếp tục công việc của mình.

Cầm trên tay tàu lá chuối, cô Hoa không giấu được trăn trở: “Lá chuối sau khi rọc xong đem bỏ mối cho các cơ sở gói bánh, làm giò chả… Bây giờ túi ni-lông trở nên thông dụng, ngay cả những người làm nem, giò chả cũng dùng loại túi này, dần dần ít người dùng lá chuối.

Hiện nay, thu nhập từ việc rọc lá chuối cũng không còn nhiều như trước do diện tích chuối bị thu hẹp, vả lại cũng có nhiều người làm hơn. Lá chuối mua ở các nhà vườn 30.000 đồng/100 tàu, về bỏ mối giá 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày cô thu nhập khoảng 100.000 đồng”.

CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ

Đối với những người làm nghề rọc lá chuối, công việc dẫu có vất vả, cực nhọc, chủ yếu lấy công làm lời nhưng họ vẫn gắn bó với nghề để mưu sinh, có những người nhờ đi rọc lá chuối rồi nuôi con ăn học thành tài.

Bỏ mối lá chuối cho các cơ sở sản xuất bánh, làm nem, giò chả…

Trong suốt 30 năm gắn bó với nghề rọc lá chuối, dẫu gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng niềm an ủi lớn nhất đối với cô Hoa chính là khi nhìn thấy những người con ăn học thành tài và có việc làm ổn định. Nhà có 4 người con, trong đó đã có 3 người được học hành tới nơi tới chốn.

Người con trai lớn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ và hiện đang làm giám sát công trình cho một công ty ở huyện Tân Phước. 2 cô con gái lần lượt tốt nghiệp các Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, Cao đẳng Nghề Cơ giới và Thủy lợi Đồng Nai, hiện tại đã có việc làm ổn định.

Cô Hoa tâm niệm: “Cái nghề rọc lá chuối là nghề chính của cô từ trước tới nay giúp cô lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Đời mình đã vất vả, ít được học hành thì phải cố gắng lo cho các con được ăn học để sau này có cái nghề nuôi thân. Nhìn thấy các con ăn học thành tài, có việc làm ổn định cô rất mãn nguyện”.

Cô Nguyễn Thị Quang (ấp Bình Thuận, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành) có 20 năm trong nghề rọc lá chuối. Lá chuối sau khi rọc xong được cô mang đi bỏ mối tại chợ Vĩnh Kim, dùng để lót trái cây và một số ít dùng để gói bánh. Do dùng để lót trái cây nên lá chuối có giá rất rẻ, chỉ khoảng 1.500 đồng/kg.

Công việc có phần vất vả, thêm vào đó là lá chuối được bán với giá rẻ nhưng ngày ngày cô Quang vẫn cần mẫn với cái nghề “lượm bạc cắc” này để lo cho gia đình. Sự cần cù lao động không ngại gian khó của cô Quang đã được đền đáp xứng đáng khi 2 người con bước vào giảng đường đại học.

Người con trai thứ tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, đứa con gái út tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Đại học Hồng Bàng. Cả 2 đã ra trường và có việc làm ổn định tại TP. Hồ Chí Minh.

Cô Quang bày tỏ: “Lúc cô chú mới ra ở riêng cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cố gắng làm lụng để lo cho các con và gia đình. Cái nghề rọc lá chuối đến với cô như một cái duyên và gắn bó cho đến bây giờ. Các con của cô bây giờ đã ra trường và có nghề nghiệp ổn định, bậc làm cha mẹ cũng cảm thấy yên lòng”.

Trời đã chuyển dần về chiều, sau một ngày rong ruổi khắp các nhà vườn, cuối cùng cô Hoa cũng mua được một xe đầy lá chuối. Trên khuôn mặt đã thấm mệt, nhễ nhại mồ hôi, cô Hoa nhanh chóng lên xe mang lá chuối đi bỏ mối. Trên đường đi, cô dẫn chúng tôi băng qua từng con hẻm, những cung đường ngoằn ngoèo, càng làm cho chúng tôi thấu hiểu hơn nỗi nhọc nhằn của nghề rọc lá chuối.

Theo baoapbac.vn

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/muu-sinh-voi-nghe-roc-la-chuoi-256325.html