Mưu sinh bên 'con đường' nguy hiểm

Đường sắt nội đô là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay trên địa bàn Thủ đô, tuy nhiên, do cả điều kiện khách quan và chủ quan nên việc di dời vẫn chưa thực hiện...

Đường sắt nội đô là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay trên địa bàn Thủ đô, tuy nhiên, do cả điều kiện khách quan và chủ quan nên việc di dời vẫn chưa thực hiện được khiến cho cuộc sống của rất nhiều người dân và du khách sống trong lo âu, sợ hãi vì chỉ cần xảy ra một sai sót dù nhỏ thì đoàn tàu hàng trăm tấn sẽ là mối họa lớn đối với tính mạng con người và tài sản...

Tuyến đường sắt phía Bắc do Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, đến nay đã tồn tại hơn 100 năm, trong đó rất nhiều đoạn chạy xuyên qua các khu dân cư trung tâm của Hà Nội. Trên tuyến đường sắt chạy qua 3 quận Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội), hàng ngày, các chuyến tàu vẫn nhộn nhịp hối hả vận chuyển hành khách và hàng hóa. Song hành với nó là cuộc mưu sinh của hàng trăm hộ dân sống ven đường sắt bất chấp khói bụi, tiếng ồn và thậm chí là nguy hiểm tính mạng. Phần lớn người dân sinh sống ở khu vực này là công nhân đường sắt ở đây từ 15 - 20 năm về trước, người đến thuê nhà và dân buôn bán.

Người dân sống ở một đoạn đường hay còn gọi là đoạn phố hai bên đường tàu dài khoảng hơn 500m chạy xuyên qua phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội là “xóm đường tàu”, bởi cuộc sống của người dân khu phố diễn ra sát bên đường tàu. Sở dĩ có tên “xóm đường tàu” bởi cuộc sống của người dân khu phố diễn ra bên đường tàu. Nếu ai lần đầu tới đây chắc chắn không khỏi rùng mình khi chứng kiến những chuyến tàu qua lại trong… lòng xóm nhỏ. Không rào chắn, không biển báo nguy hiểm, sinh hoạt thường ngày của người dân có thể thực hiện ngay tại đường ray. Người nhặt rau, người nhóm bếp, trẻ nhỏ hồn nhiên nô nghịch, vui đùa…, khi tàu đến, mọi người tránh sang một bên; tàu đi, họ trở lại vị trí cũ. Nhiều cửa hàng nằm cạnh đường ray thu hút khá đông khách.

Nguy hiểm luôn rình rập người dân sống ở phố đường tàu.

Nhiều hộ gia đình đã sống ở đây hàng chục năm. Nhiều căn nhà vỏn vẹn hơn 20m 2 nên tất cả đồ nhà bếp được gia chủ đưa ra cạnh đường ray, từ vòi nước, bếp lò, nơi đun nấu… Cái khó bó cái khôn, vất vả chật chội là thế, nguy hiểm luôn rình rập nhưng biết đi đâu, chính vì thế, họ vẫn bám trụ ven đường sắt mà sống. Gia đình bà Nguyễn Thị Hương sống ở đây cho biết, biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi sống ở đây lâu rồi, do lâu mà nắm bắt được quy luật nên chúng tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người nơi khác đến chơi để phương tiện gọn vào, riêng đối với trẻ em ở đây thì chúng cũng đã quen rồi và cũng thường xuyên nhắc nhở để tránh nguy hiểm. Mặc dù người dân sống ở đây đã có ý thức phòng tránh nguy hiểm khi sống ở nơi sát với tàu qua lại liên tục nhưng nguy hiểm ở đây luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi đường đi vào các hộ dân ở đây chủ yếu là theo hai vạt đá của đường sắt để đi.

Đường sắt là nơi người dân tụ họp, sinh hoạt, thậm chí phơi phóng, trẻ con lên đường sắt để đi, để chơi. Các chuyến tàu ngày thường rất ít, mỗi buổi sáng chỉ 2 chuyến, ngày thứ 7, chủ nhật thì nhiều hơn, còn tối đến đêm thì hơn 20 chuyến, tàu chạy, hú còi ầm ĩ khiến nhà cửa rung lắc theo, nhưng biết làm sao. Bà Nguyễn Thị Dậu - một người dân sống ở ven đường tàu cho biết, bước chân ra cửa là sợ tàu, phải luôn luôn cảnh giác, nhà rách vách nát không có tiền chữa, cứ ở chui ở rúc thế này, ở đây nhiều người mất ngủ, ồn ẫm rung tường rung đất, cuộc sống bất an lắm, nhất là sợ tàu trượt bánh đổ vào thì chết. Mỗi lúc có tàu đến, người dân lại chạy vào nhà hoặc nép vào sát tường nhà để không bị cuốn vào theo quán tính của tàu. Đồ dùng, xe cộ của gia đình đều phải xếp ngay ngắn và có đủ khoảng cách với đường sắt để bảo đảm tài sản và không gây cản trở tàu khi lưu thông. Cũng theo bà Dậu, mặc dù về đây sống đã hơn 50 năm rồi, nhưng cuộc sống ở đây rất khổ, suốt ngày nơm nớp lo sợ, tàu chạy nhà rung lắc rất sợ nên mong Nhà nước quan tâm cho đến nơi khác để yên tâm hơn, ổn định cuộc sống.

Nhà cửa san sát nhau, chỉ cách đường ray tàu hỏa chưa đầy 2m, hằng ngày, người dân nơi đây vẫn sống và sinh hoạt như được “lập trình” sẵn giữa lòng Thủ đô - nơi mà họ mang cả cuộc sống của mình lên đường sắt. Bên cạnh đó, việc thiếu nước sinh hoạt luôn là vấn đề thường trực, thậm chí họ còn không dám xây nhà vệ sinh vì công tác quy hoạch từ năm 1993 tới nay. Không chỉ có khói bụi và tiếng ồn, một số người đi tàu thiếu ý thức ném chất thải, rác rưởi xuống đường tàu khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Không chỉ lo đối phó với tai nạn đường sắt luôn rình rập, người dân ở phố đường tàu vì cuộc sống phải mưu sinh nên những nhà ở đây cũng được tận dụng để kinh doanh buôn bán, mở cửa hàng lưu niệm như ở mặt con phố bình thường khác. Người dân coi đây là “phố đi bộ”, thậm chí khách nước ngoài hiếu kỳ cũng qua đây rất nhiều và những hình ảnh mưu sinh nơi đây đã được lên báo quốc tế với một nét đẹp nguy hiểm… Bên cạnh những người dân sống lâu năm ở đây còn có những người đến đây thuê nhà trọ để ở và buôn bán quanh đường tàu. Với giá thuê từ 1 - 2 triệu đồng, nhiều căn nhà ở đây được người lao động thuê ở chung, sống bằng nghề buôn ve chai với mức khoảng 100.000 đồng/ngày. Lao động vất vả như vậy nhưng nguy hiểm thì luôn rình rập. Chị Lê Thị Thao - một người buôn ve chai ở đường tàu cho biết, hàng ngày, chúng tôi bày sắt vụn và vỏ lon bia, nước ngọt ra đường tàu phân loại. Biết là nguy hiểm đấy nhưng vẫn phải làm. Trước đây mới đến thì chưa nắm rõ giờ tàu, nay biết thời gian tàu chạy rồi nên cứ bày la liệt nhiều thứ, miễn là thu gọn trước giờ tàu vài phút. Quen với thời gian tàu chạy nhưng cũng có người luôn nơm nớp lo tai nạn, song vì mưu sinh, nhiều người chấp nhận “sống chung với tử thần”. Chị Lê Thị Lanh - công nhân trọ ở “xóm đường tàu” than thở: “Tôi cũng hiểu được sự nguy hiểm rình rập khi ngày nào cũng đối mặt với những chuyến tàu qua lại nhưng vì giá trọ ở đây rẻ nên chuyển đến thuê trọ để tiết kiệm phần nào. Con nhỏ nên mỗi khi tàu chạy qua là phải trông con cẩn thận”.

Theo Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, khoảng cách tối thiểu hành lang an toàn đường sắt là 10 - 15m tính từ đường ray ngoài cùng, nhưng theo quan sát thì ở đây nhà dân chỉ cách 2m.

Năm 2013, TP. Hà Nội đã có quyết định di dời “phố đường tàu” nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn đang mong chờ quyết định đó. Nhiều hộ dân không dám sửa sang nhà cửa, họ đành chấp nhập sống như hiện nay. Người dân ở đây vẫn đang sống trong cảnh chập chờn hy vọng các cấp chính quyền sớm có giải pháp giúp người dân nơi đây có chỗ ở mới để họ được sống trong an toàn.

NGỌC CÁT

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/muu-sinh-ben-con-duong-nguy-hiem-n124196.html