Mưu đồ quân sự hóa Biển Đông với căn cứ tàu ngầm hạt nhân Hải Nam

Các chuyên gia cho rằng lý do chính để Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông là cung cấp một vành đai bảo vệ cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân tiên tiến của họ ở đảo Hải Nam.

Hình ảnh tàu ngầm 094A của Trung Quốc mới rò rỉ

Chiến lược quân sự ngầm dưới biển của Trung Quốc được giữ kín suốt 2 thập kỷ qua bất ngờ được hé lộ sau phán quyết của Tòa trọng tài phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hôm 12.7, đúng ngày tòa ra phán quyết, một bức ảnh tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất của Trung Quốc đã "rò rỉ" và được đăng trên nhiều trang web quân sự đại lục.

Bức ảnh là hình tàu ngầm lớp Jin loại 094A mở rộng, dẫn tới phỏng đoán rằng nó có thể mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-3 có tầm bắn 12.000km, có thể từ Biển Đông bắn tới Mỹ.

"Tôi tin rằng bức ảnh tàu ngầm 094A mà Mỹ theo dõi chặt chẽ đã được cố ý rò rỉ để cảnh báo Mỹ" - nhà quan sát quân sự Ma Cao Antony Wong Dong nói với tờ SCMP.

Tuần trước Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã nói với Đô đốc Mỹ John Richardson rằng Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về chủ quyền và sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên Biển Đông.

Ông Ngô cũng cảnh báo rằng "hải quân Trung Quốc được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với việc khiêu khích quân sự".

Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải đông đúc nhất thế giới, song Bắc Kinh có lý do khác quan trọng hơn để muốn độc chiếm Biển Đông. Họ coi đây là tuyến đường quan trọng để đem lại cho hạm đội tàu ngầm mở rộng của họ đóng ở căn cứ hải quân Yulin ở Hải Nam con đường tiếp cận không bị hạn chế tới vùng biển Thái Bình Dương.

Biển Hoa Đông chỉ có vài kênh ngầm nhỏ hẹp, có nghĩa là tàu ngầm Trung Quốc có thể bị giám sát dễ sàng. Song Biển Đông với các căn cứ tàu ngầm và tuyến kênh tiếp cận có thể bảo vệ tàu ngầm Trung Quốc đi vào Biển Đông khỏi vệ tinh do thám của Mỹ.

"Cho dù phán quyết trọng tài quốc tế nói gì, Trung Quốc vẫn sẽ thúc đẩy các tham vọng hàng hải của họ trên Biển Đông, bởi họ coi đó là pháo đài cho phép họ mở rộng quân sự" - nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Bắc Kinh nói với tờ SCMP.

"Biển Đông là tuyến dường duy nhất với Trung Quốc để họ làm cho mình trở thành cường quốc hàng hải thực sự".

Khu vực này có nhiều kênh ngầm và eo biển, cho phép hạm đội tàu ngầm Trung Quốc vượt qua các rào cản dãy đảo thứ nhất và thứ hai của Mỹ.

"Đó là lý do tại sao Bắc Kinh thận trọng chọn tập trung vào các căn cứ tàu ngầm và hải quân của họ ở Hải Nam từ nhiều năm trước" - ông Song nói.

Từ trước năm 2000, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân lớn nhất Châu Á ở Yulin, tỉnh Hải Nam.

Song nói, trước đây Mỹ đã cố gắng thành lập hai tuyến đường kiềm chế Trung Quốc trên Biển. Tuyến thứ nhất hình như cái lưỡi câu, chạy từ quần đảo Kuril do Nga kiểm soát xuống phía nam tới Philippines, xuống phía tây vượt qua bờ biển Brunei và Malaysia trước khi cong vào Việt Nam ở Biển Đông. Tuyến thứ hai ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, chạy từ Nhật Bản về phía nam tới phía đông là hầu hết các đảo của Indonesia.

Bắc Kinh tin rằng hai tuyến đường này nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa trong khu vực từng là đồng minh với Liên Xô cũ trong Chiến tranh lạnh.

Sau khi Liên Xô tan rã, quân đội Trung Quốc tin rằng Mỹ hướng sự chú ý tới Bắc Kinh.

Tháng Sáu vừa qua, tạp chí quân sự IHS Jane's đưa tin rằng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc đã đề nghị xây dựng một hệ thống giám sát siêu âm có tên gọi dự án "Vạn lý trường thành dưới nước", gồm một mạng lưới cảm ứng của tàu ngầm và tàu nổi có thể làm suy yếu đáng kể lợi thế chiến tranh dưới nước của tàu ngầm Mỹ, giúp Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông.

Ashley Townshend, nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, nói rằng mạng lưới ngầm và các cơ sở trên Đảo Phú Lâm và các đảo nhân tạo khác nhằm thúc đẩy kiểm sót của hải quân Trung Quốc tên Biển Đông.

"Nếu Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở quân sự của họ trên Biển Đông nhằm bảo vệ tàu ngầm khỏi các mối đe dọa trên không, trên biển, ngầm dưới nước và trong vũ trụ, những mối đe dọa rất lớn, thì họ có thể thành công trong việc biến vùng biển thành pháo đài cho các tàu ngầm hạt nhân của họ" - ông nói.

Ngay cả các chuyên gia hải quân ở đại lục cũng đã công nhận rằng, các đường băng và những cơ sở quốc phòng khác trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa là một phần trong nỗ lực mở rộng sức mạnh của căn cứ hải quân Yulin ra Biển Đông, bao gồm cả kênh Bashi sâu 2.000m.

Tuy nhiên, Biển Đông cũng là tuyến đường quan trọng cho các tàu hải quân của Mỹ từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương - Alexander Neill, nhà nghiên cứu cao cấp của Đối thoại Shangri-La về an ninh Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Châu Á nói.

"Tàu sân bay Mỹ thường xuyên qua lại Biển Đông khi tới Trung Đông hoạt động" - ông nói. "Vì vậy để thách thức tự do hàng hải của tàu sân bay Mỹ và tàu ngầm bảo vệ chúng liên quan tới một số vấn đề an ninh quốc gia quan trọng với Mỹ cũng như các chiến dịch tích cực".

"Việc triển khai tàu ngầm Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa sẽ làm thất bại mục tiêu tàng hình, khiến chúng dễ bị Mỹ phát hiện hơn. vì vậy Trung Quốc đặt một số tên lửa đánh chặn hạt nhân chiến lược trên tàu ngầm. Đó là một sự triển khai đầy mạo hiểm. Việc triển khai tàu ngầm ở Trường Sa cũng có thể được sử dụng như một yêu cầu "tự vệ" của Trung Quốc nhằm đáp lại các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ".

"Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là xây dựng hải quân nước sâu thực sự với tầm với toàn cầu" - Song nói. "Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của họ từ khu vực".

Theo ông, căn cứ hải quân cùng các dự án xây dựng khác ở Trường Sa là những hợp phần trong chiến lược tổng thể lớn hơn nhằm kiểm soát hoàn toàn an ninh trong khu vực "thông qua các biện pháp quân sự truyền thống và phi truyền thống".

Các quan chức quốc phòng Mỹ nói Trung Quốc đã triển khai 2 máy bay chiến đấu J-11 và củng cố hệ thống tên lửa đất đối không của họ trên đảo Phú Lâm, trong khi 4 trong số 8 bệ phóng tên lửa tầm ngắn HQ-9 được triển khai tới khu vực này đã hoạt động.

Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông và là nơi Trung Quốc gọi là 'trung tâm hành chính" của "tỉnh Tam Sa" mà nước này thiết lập trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã xây dựng đường băng ở đây từ đầu những năm 1990, cách căn cứ tàu ngầm Yulin 330km về phía đông nam.

Hải quân Mỹ có 75 tàu ngầm hạt nhân hoạt động năm 2014, bao gồm cả 15 tàu thuộc thiết kế lớp Seawolf hoặc lớp Virginia hiện đại hơn - Hiệp hội hạt nhân thế giới cho biết.

Tuy nhiên Mỹ triển khai chỉ 4 tàu ngầm lớp Los Angeles ở Châu Á - Thái Bình Dương, neo tại căn cứ hải quân Mỹ ở Guam.

Hải quân Trung QUốc hiện có khoảng 70 tàu ngầm, 16 trong số đó là tàu ngầm hạt nhân, phần lớn neo tại Yulin.

"Biển Đông là pháo đài bảo vệ việc tiếp cận của Trung Quốc tới tuyến đường ra Ấn Độ Dương, cũng là đường tiếp dầu của Bắc Kinh, với đảo Phú Lâm là đầu cầu trong sáng kiến Một vành đai Một con đường của ông Tập Cận Bình" - chuyên gia Wong cho biết. "Đó là lý do tại sao nhiều vũ khí tiên tiến như vậy được triển khai ở đó".

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/muu-do-quan-su-hoa-bien-dong-voi-can-cu-tau-ngam-hat-nhan-hai-nam-576036.bld