Murray – thêm một số 1 vĩ đại của ATP

Cuộc chiến cho ngôi số 1 thế giới giữa Djokovic và Murray đã tiếp nối được một truyền thống của ATP rằng đó là cuộc chiến của những người vĩ đại.

Cho tới trước những ngày đáng nhớ nhất của sự nghiệp của mình thì Murray đã từng bước lên ngôi số 2 thế giới từ tháng 10 năm 2009, tức là đã hơn bảy năm kể từ khi Murray lần đầu đứng ở vị trí số 2 cho tới lần đầu đứng ở vị trí số 1.

Đó có lẽ là quãng thời gian dài tiệm cận dài nhất của các số 1 thế giới. Và nó tạo nên sự tranh cãi như đã xảy ra trong quá khứ và là một thời điểm thích hợp để xem lại điều đó, rằng Murray là một số 2 vĩ đại hay chỉ là một chuyên gia thất bại và ít nhiều hưởng lợi từ sự suy yếu của những số 1 mang tính biểu tượng như Federer và Nadal.

Như trong bản tin phát đi của hãng thông tấn AP tối qua, họ đã viết rằng Murray không cần phải thi đấu mà vẫn “cướp” được ngôi số 1 của Djokovic. Đó là một cách đặt vấn đề có hàm ý, bất chấp mọi dự đoán trước khi Milos Raonic tuyên bố bỏ cuộc vì chấn thương đều nghiêng hẳn về một khả năng chiến thắng cho Murray.

Số 2 thất bại?

Andy Murray như đã nói ở trên lần đầu bước lên vị trí số 2 thế giới ở năm 2009. Đó là thời điểm một năm sau khi anh lần đầu lọt vào chung kết một giải Grand Slam (US Open 2008) và có được những danh hiệu Masters 1000 đầu tiên (Cincy Masters và Madrid Open).

Murray và Djokovic

Nhưng cái điệp khúc vào chung kết Grand Slam (rồi thất bại) và tiếp tục đăng quang ở các giải Masters của Murray từng dẫn tới một cuộc đấu võ mồm giữa Murray với Federer mà phần thắng thuộc về huyền thoại Thụy Sĩ. Federer từng công khai và lớn tiếng trong một cuộc họp báo nói về Murray rằng nếu muốn so bì thì hãy quên những trận đấu ba set thắng hai đi để nhìn từ những trận Grand Slam năm set thắng ba – nơi mà tất cả cùng chơi với tất cả sức lực.

Thực tế đúng như thế. Cho tới cuối năm 2010, Murray và Federer đối đầu với nhau cả thảy 14 lần thì Federer chỉ thắng sáu còn Murray thắng tám, nhưng cứ gặp nhau ở những giải đỉnh cao của đỉnh cao như Grand Slam hay World Tour Finals thì Federer hầu như đều thắng (2 World Tour Finals và hai chung kết Grand Slam). Sau trận thua ở chung kết US Open 2008, Murray còn thua thêm trận chung kết Australian Open 2010.

Nó chính là hai trong số bốn trận chung kết Grand Slam của Murray mà anh đều là người thất bại – là những giọt nước tràn ly để thế giới này xếp Murray là chuyên gia về nhì, chuyên gia thất bại.

Nhưng 12 năm qua, với ba số 1 vĩ đại và cũng là những người chắc chắn có tên trong danh sách 5 tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại thì hai trong số đó cũng từng phải đứng ở vị trí số 2 hoặc số 3 trong một thời gian cũng tương đối dài rồi sau đó mới vươn lên vị trí số 1.

Muốn vĩ đại, phải bền bỉ

Đó là Rafael Nadal và Djokovic, những số 1 thế giới gần nhất trước Murray, là điển hình của việc phải đứng ở vị trí số 2 một cách nhẫn nại trước khi bước lên đỉnh cao.

Nadal lên vị trí số 2 từ ngày 25-7-2005 và phải tới ngày 18-8-2008 thì anh mới bước tiếp lên ngôi vị số 1 sau khi thực hiện cuộc lật đổ ngoạn mục trước Federer trong đó có trận thắng hủy diệt ở chung kết Roland Garros và sau đó ba tuần là trận chung kết hay nhất trong lịch sử tennis thế giới ở Wimbledon cùng trong năm 2008.

Djokovic lên ngôi số 3 thế giới từ năm 2007, năm 2010 mới lên vị trí số 2 lần đầu tiên rồi đến tháng 7/2011 mới bắt đầu được tấn phong lên ngôi số 1. Tất nhiên là giữa câu chuyện của thời kỳ số 2 của Nadal, Djokovic có nhiều chỗ khác biệt so với Murray, trong đó rõ ràng nhất là việc họ đều giành được Grand Slam từ khá sớm, ngay trong những trận chung kết đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Andy Murray là chủ nhân của vị trí số 1 thế giới

Nhưng phải đánh giá từng năm một mới thấy thách thức của đua tranh của tennis nam thật khốc liệt: 2009 là năm bước ngoặt của Federer, năm 2010 là năm vĩ đại nhất của Nadal, và 2011 là năm lịch sử của Djokovic. Rồi năm 2012 thì cả Nadal và Djokovic không còn duy trì được phong độ cao nhất và một Murray trên đường hoàn thiện lập tức tận dụng cơ hội để giành Grand Slam đầu tiên.

Murray không “chạy” đi đâu quá xa và quá lâu ngoài Top 5 là một sự bền bỉ đáng khâm phục trên một đấu trường mà anh phải đối đầu đồng thời với ba tay vợt xuất sắc bậc nhất lịch sử như thế.

Ở đấu trường ấy, có biết bao tài năng trẻ được xếp ở tầm kiệt xuất, hầu hết đều giành được Grand Slam trẻ mà cuối cùng họ cũng chưa thể một lần được nếm trải vinh quang ở Grand Slam như Tsonga, Monfils, Gasquet, Berdych, Ferrer, Nalbadian, Davydenko…

Hay Hewitt và Roddick, những người đã từng giành ngôi số 1 thế giới, đã từng giành Grand Slam ở trước kỷ nguyên của Federer – Nadal – Djokovic thì cũng thất bại trong việc lập lại những thành tích ấy trong những năm tiếp theo.

Andy Murray luôn nỗ lực bền bỉ

Còn nhớ là Roddick sau trận chung kết đầy cảm xúc, chơi hay hơn Federer ở Wimbledon 2009 mà vẫn thua nên đã thối chí và sau đó gác vợt. Nhưng Murray sau bốn trận chung kết Grand Slam đầu tiên đều thất bại thì anh tiếp tục nỗ lực và tìm giải pháp để rồi chiến thắng ở US Open 2012.

Như thế cũng đã là một sự nghiệp trọn vẹn!

Thực ra, cả sự nghiệp của Murray đã là một chuỗi những nỗ lực ghê gớm và cả những bước đi mang tính đột phá.

Nếu tính từ người thày đầu tiên – bà Judi Murray, mẹ của anh mà không kể những HLV ở các học viện thì Murray có cả thảy 11 HLV chính thức khác nhau, trong đó có những HLV tài năng như Leon Smith cho tới Ivan Lendl.

Bước đi đột phá của Murray là trong khi Greg Rusedski bắt đầu trở thành biểu tượng của quần vợt Vương quốc Anh những năm 90 với lối đánh giao bóng lên lưới trên những mặt sân cỏ và sân cứng trượt nhanh thì năm mới 15 tuổi (1992), Murray được gửi sang học viện Sanchez ở Tây Ban Nha để tập trên mặt sân đất nện.

Đó là quyết định của bà Murray, người lúc ấy chỉ kiếm được mỗi năm 25 ngàn bảng Anh từ việc đi dạy tennis ở Anh nhưng chấp nhận vay mượn để trả 35 ngàn bảng mỗi năm cho con trai được đón đầu một xu thế mới của quần vợt thế giới với lối đánh bền bỉ hơn từ cuối sân.

Không coi đó là một sự đầu tư (thực tế là đến năm 1995, Murray với những khoản tiền thưởng của mình đã trả hết mọi nợ nần) nhưng Murray rõ ràng là có tiềm năng để trở thành một trong những tay vợt xuất sắc: Vô địch US Open trẻ, hai lần vô địch giải Orange Bowl (điều chỉ có vài người làm được).

Và Ivan Lendl có lẽ cũng đã nhìn ra rằng Murray là người duy nhất có thể thách thức Federer – Nadal – Djokovic nên ông mới nhận lời làm HLV cho anh cách nay 4 năm rồi trong năm nay chấp nhận dẹp cái học viện tennis ở Mỹ của ông để nhận lời tái hợp.

Ivan Lendl trong một năm qua nhận được rất nhiều những lời đề nghị khác nhau, từ của USTA cho tới Grigor Dimitrov, Tomas Berdych… nhưng ông chỉ chọn Murray. Ở lần trở lại này có những thành công của Murray có Lendl ở bên như Wimbledon 2016 nhưng có những giai đoạn Lendl không có mặt như giao ước, trong đó có cột mốc vĩ đại của một sự nghiệp tennis – bước lên ngôi số 1 – một thành tích xứng đáng.

Murray trong năm 2016 đã giành được bảy danh hiệu và có thể giành được thêm hai danh hiệu nữa nếu thắng Isner ở Paris và đăng quang ở World Tour Finals – nơi anh chưa từng vào chung kết.

Nhưng ngay cả khi không thể giành những kết quả trọn vẹn thì Murray vẫn có thể duy trì được vị trí số 1 của mình ít nhất cho tới mùa Hè 2017 nhờ vào việc phải bảo vệ một số lượng ít hơn điểm số so với số 2 Djokovic: 4725 điểm từ nay cho tới hết Roland Garros 2017 (kể cả điểm từ Davis Cup) so với 7860 điểm tương ứng của Djokovic.

Murray xứng đáng với việc đứng ở vị trí dành cho người xuất sắc nhất thế giới nhiều hơn một tuần hay một tháng như thế.

Xem lại trận đấu của Murray và Berdych (tứ kết Paris Masters)

Phạm Tấn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/murray-them-mot-so-1-vi-dai-cua-atp-c9a465097.html