Mượt mà điệu hò Đồng Tháp

Những năm gần đây, hò Đồng Tháp với giai điệu du dương, mượt mà ngân lên trên nhiều sân khấu, trong các buổi giao lưu, đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc với các bạn trẻ và người tham dự. Với sự kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhất là nhạc sĩ Cao Văn Lý, hò Đồng Tháp đã 'hồi sinh' và có thể khẳng định hò Đồng Tháp là Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc.

Văn hóa và Phát triển

Tiết mục Tổ khúc hò gồm hò huê tình, hò cấy, hò Đồng Tháp tại Liên hoan dân ca Việt Nam 2015 - khu vực Nam Bộ. Ảnh: HỮU NGHĨA

Tiết mục Tổ khúc hò gồm hò huê tình, hò cấy, hò Đồng Tháp tại Liên hoan dân ca Việt Nam 2015 - khu vực Nam Bộ. Ảnh: HỮU NGHĨA

Gắn duyên với những câu hò

Một trong những người góp phần quan trọng giúp hò Đồng Tháp được “hồi sinh”, chính là nhạc sĩ Cao Văn Lý (tên thật là Cao Minh Đẳng), nguyên là giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc thuộc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Long Châu Sa (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Cha ông là nghệ nhân nhạc lễ Cao Văn Chuỗi và mẹ cũng là một nghệ nhân dân ca. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Cao Văn Lý đã bộc lộ nhiều năng khiếu và nghệ thuật, nhất là về âm nhạc. Cũng vì vậy, những bản đờn ca tài tử réo rắt của người cha, những điệu lý, câu hò du dương của mẹ từng đưa ông vào giấc ngủ ngọt ngào thuở bé, đã theo ông trong suốt quãng đời niên thiếu.

Năm 1948, ông bắt đầu tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương ở lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; sau đó, chuyển về Đội văn nghệ tuyên truyền lưu động tỉnh Long Châu Sa. Cuối năm 1951, Đội văn nghệ tuyên truyền lưu động được “nâng cấp” thành Đoàn văn công Ngũ Yến. Nhạc sĩ Cao Văn Lý nhớ lại: “Trong đoàn văn công hồi đó, có rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ có tiếng, uy tín như bác Ba Du, ông Tám Danh, ông Ba Nha, ông Năm Bá, ông Ba Bằng… Họ vừa là những diễn viên, vừa là những nghệ nhân đàn cò, đàn kìm, đàn độc huyền, đàn tranh nổi tiếng lúc bấy giờ. Bên cạnh đó là các soạn giả cải lương, kịch nói như: Phi Vân, Thanh Nha…”.

Năm 1954, cùng các đồng đội, chiến sĩ văn công Cao Văn Lý lên đường tập kết ra miền bắc, theo học tại Học viện Âm nhạc Hà Nội. Năm năm sau đó, ông được cử sang học tiếp tại Viện Âm nhạc quốc gia Trai-cốp-xki của Liên Xô trước đây. Ông kể: “Trong thời gian ở miền bắc, tình cờ được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy cất giọng ngân nga điệu hò, tôi mới ngớ người ra bởi không ngờ ở quê hương Đồng Tháp mình lại có một điệu hò độc đáo như vậy. Cái cảm giác vừa ngỡ ngàng vừa xúc động ấy như đã in sâu vào trong tâm hồn tôi mãi cho tới bây giờ…”.

Khi về giảng dạy ở Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã góp phần không nhỏ làm cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà càng thêm phong phú qua sự xuất hiện nhiều điệu lý mới, như lý qua cầu, lý Mỹ hưng, lý chim xanh, lý bông trang…

“Điều gì đã khiến nhạc sĩ gắn bó với hò Đồng Tháp?”. Nghe tôi hỏi, nhạc sĩ Cao Văn Lý cười tươi, trả lời: “Có thể nói như là duyên số vậy”. Im lặng một hồi như để nhớ lại, nhạc sĩ kể tiếp: “Cũng một lần tình cờ, trong buổi họp mặt đồng hương Đồng Tháp tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyện về hò Đồng Tháp vô tình được khơi lại. Lúc đó ký ức khi nghe nghệ sĩ Kim Nhụy ngân nga điệu hò Đồng Tháp ngày nào ở Thủ đô Hà Nội trong tôi như bừng dậy… Tôi bắt đầu quan tâm, lại được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp ủng hộ… thế là dự án “Sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp” ra đời và được triển khai thực hiện…”.

Nhạc sĩ Cao Văn Lý (người đứng) với các nghệ nhân trong chuyến đi sưu tầm hò Đồng Tháp.

Ròng rã hơn ba năm, nhạc sĩ Cao Văn Lý đã đi đến tận các khóm, ấp của 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp để sưu tầm, biên soạn. Cuối cùng, hò Đồng Tháp được phục dựng như ngày hôm nay.

Xứng đáng là di sản quốc gia

Hò... ơi... ơ... Em tới đây kiếm anh như thân cò trắng bay cao.

Còn thân em đâu khác thể vì sao trên trờ... i...

Hò... ơi... ơ... Thân anh như tấm da trời... ớ mình ơi...

Bốn mùa sương lạnh... anh không rời vì sao... ơi... ơ...

Những câu hò trữ tình, mượt mà như thế đã ra đời từ đầu thế kỷ 19 bởi sự giao thoa nhiều dòng văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất miền tây như: Kinh, Chăm, Khmer, Hoa… và đã phát triển cực thịnh, trở thành điệu hò nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ 20. Năm 1954, người mang điệu hò Đồng Tháp cùng tập kết ra bắc là nghệ sĩ Kim Nhụy, nhưng người đã giúp cho người dân ở 67 quốc gia trên thế giới biết đến hò Đồng Tháp chính là GS, TS Trần Văn Khê, qua những chuyến thuyết giảng về dân ca Việt Nam, trong đó có hò Đồng Tháp.

Theo nhạc sĩ Cao Văn Lý, hò Đồng Tháp nổi tiếng nhờ sự biểu cảm, lôi cuốn, âm điệu buông lơi, khoan nhặt, lúc trầm, lúc bổng… Đặc biệt, hò Đồng Tháp có những đặc trưng riêng mà không điệu hò nào ở Nam Bộ có được là thể hiện một cách sâu lắng tâm tư, tình cảm của con người.

Đồng Tháp, vùng đất sen hồng thơ mộng và lãng tử. Đất và người Đồng Tháp chân chất, mạnh mẽ, khẳng khái, nhưng “thuần khiết như hồn sen”. Với điều kiện tự nhiên là vùng đất ngập nước và bề dày lịch sử văn hóa truyền thống rất đỗi nhân văn. Nơi đây đã sản sinh ra hàng trăm điệu lý, câu hò sâu lắng, mênh mang, thấm đậm tình đất, tình người.

Cùng với câu hò, điệu lý, và các làn điệu dân ca đặc trưng của các tỉnh khác trong nước, hò Đồng Tháp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ và đều khắp, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa, văn nghệ của người dân. Trải qua bao thăng trầm, hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa của người dân Nam Bộ nói chung, người Đồng Tháp nói riêng.

Đạo diễn Trần Thắng Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, mỗi bài hò thường chia thành ba phần khá rõ: từ tầm trung đến thấp nhất, từ tầm cao đến tầm trung, từ tầm thấp nhất đến tầm cao… nối với nhau chặt chẽ. Đặc trưng nhất của hò Đồng Tháp là chỉ hò một mình, không có hình thức đối đáp. Đó là tâm tình, là tự sự của con người về tình duyên; về số phận; những buồn, vui cuộc đời. Cũng có khi bài hò nhằm mục đích phê phán; để lên án những cái ác, cái xấu… Do phản ánh mọi mặt của đời sống cho nên nội dung của hò Đồng Tháp vô cùng phong phú. Sau này, hò Đồng Tháp còn có những điệu hò của các mẹ, các chị tiếp tế lương thực nuôi quân trong kháng chiến chống thực dân Pháp… Cũng theo đạo diễn Trần Thắng Vinh, hò Đồng Tháp có ba thể loại: hò cấy, hò huê tình và hò khoan. Cái hay của hò Đồng Tháp là gắn với công việc hằng ngày của người dân. Từ một đứa trẻ lên 5 cho đến một cụ già 70 đến 80 tuổi đều có thể hát, hò. Họ có thể vừa đi cấy, đi cày vừa hát. Hay trong những đêm trăng, trẻ em vui chơi ở sân đình làng cũng đem điệu hò ra hát với nhau.

Nhiều năm qua, cùng với phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh, hò Đồng Tháp cũng được “hồi sinh” qua các hội thi sáng tác, liên hoan, biểu diễn và tổ chức giao lưu khắp các địa phương... Qua đó, đã phát hiện nhiều nghệ sĩ, diễn viên giỏi cung cấp cho các sân khấu chuyên nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Cuối năm 2014, UBND tỉnh đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận hò Đồng Tháp là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Hò Đồng Tháp ra đời trên cái nền vững chắc của dòng âm nhạc dân gian và trở thành một bộ phận của nền âm nhạc truyền thống của dân tộc. Vì thế, việc tìm ra những phương thức, mô hình và giải pháp hoạt động có hiệu quả để vừa bảo tồn, vừa phát huy và khai thác bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc là một việc làm cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay.

Trước đây, trong tỉnh Đồng Tháp, số người biết hò đúng điệu hò Đồng Tháp không nhiều. Nguyên nhân là do môi trường diễn xướng đã thay đổi, trong khi hò Đồng Tháp chỉ tồn tại ở dạng truyền nghề, chủ yếu giới hạn trong quy mô gia đình, hiếm có người được đào tạo chính quy, có trường lớp, bài bản cho nên sự mai một của hò Đồng Tháp trước áp lực của nhiều loại hình nghệ thuật khác là điều không tránh khỏi.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Trần Thắng Vinh, từ năm 1992 nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang cùng các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu điệu hò Đồng Tháp. Nhưng phải đến năm 2010, khi tỉnh Đồng Tháp hoàn thành công trình khoa học “Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi điệu hò Đồng Tháp” do nhạc sĩ Cao Văn Lý và bà Nguyễn Kim Cúc thực hiện, lúc đó Sở mới có điều kiện để tổ chức mở nhiều lớp tập huấn hò Đồng Tháp ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sau các lớp tập huấn này, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 300 người có thể hò và viết lời mới cho hò Đồng Tháp, mang lại sức sống cho điệu hò xưa.

Đầu năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Giới thiệu hò Đồng Tháp”. Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí hào hứng, sôi nổi bởi phần trò chuyện, minh họa của nhạc sĩ Cao Văn Lý và các tiết mục biểu diễn của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ quê hương Đồng Tháp... đem đến cho người xem thêm nhiều cảm nhận về sự độc đáo của một điệu hò mang đặc trưng vùng đất Đồng Tháp Mười.

Ai về Đồng Tháp quê tôi,

Chiều nghe cúm núm trao lời yêu thương.

Cánh cò giăng lẫn trong sương,

Gió đồng quyện lấy mùi hương đồng bằng...

Cuối tháng 11-2015 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp tiếp tục mở lớp tập huấn và sáng tác lời mới hò Đồng Tháp cho các học viên trẻ trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là sinh viên ngành sư phạm âm nhạc và cán bộ ngành văn hóa. Những học viên này sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong việc tiếp tục duy trì, phổ biến, nhân rộng và giúp cho hò Đồng Tháp ngày càng vang xa.

Bài và ảnh: NHỰT TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/28228702-muot-ma-dieu-ho-dong-thap.html