Muốn vui thì trước hết phải no!

Ban giám đốc vừa có thông báo đề nghị anh chị em tham gia giải phong trào thể thao toàn công ty, yêu cầu mỗi chuyền, mỗi xưởng đều phải có người cho xôm tụ. Đọc cái thông báo mà tôi thấy ngao ngán: “Ăn chưa no, vui sao nổi”.

Đời sống của CNLĐ hiện nay đa số còn khó khăn vì mức lương thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Nhiều người bảo tôi coi miếng ăn to, coi đồng tiền to như bánh xe bò, lúc nào cũng tiền tiền, lương lương, ăn uống cho no… Trời Phật ơi, không ăn thì làm sao có sức để làm việc! Ai dè bỉu tôi, tôi đều bảo như thế! Không chỉ tôi mà cả cái xóm trọ của tôi đều là công nhân trực tiếp sản xuất, giờ làm nhiều hơn giờ nghỉ, đã thế còn bao nhiêu là nỗi lo. Cơm áo gạo tiền cho mình thôi đã mệt, đằng này còn chuyện đi học của các con, gia đình hai bên…, mà tiền lương công nhân thì èo uột.

Mỗi lần lên lương là chắc có chuyện, không đình công thì cũng lãn công vài ngày. Lãnh đạo Cty kì kèo từng chút một, hoặc có một đội “quân sư” tư vấn làm sao cho mức lương tăng thấp nhất mà vẫn… đúng luật! Tức là trước khi tăng lương, công ty sẽ cắt giảm phụ cấp đưa vào lương cơ bản để nâng lương cơ bản lên, công nhân tưởng thế là may vì tăng ca sẽ tính dựa vào lương cơ bản nên thu nhập có tăng thêm được chút đỉnh. Thế nhưng hỡi ôi, khi đến kỳ tăng lương, ban giám đốc lại có thông báo là “vì lương cơ bản của Cty đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên Cty không tăng nữa. Việc này là đúng quy định pháp luật”. Thế là đình công, lãn công cả chục ngày, mệt mỏi vô cùng…

Trình độ có hạn nên tôi chấp nhận xin đi làm công nhân, lao động tay chân, khi đi làm thì cố gắng hết sức, tăng ca không nề hà, phân công tôi việc gì tôi cũng làm… chỉ mong tiền lương đủ sống. Thế nhưng, mỗi lần Chính phủ có nghị định điều chỉnh lương, nhìn cái cách điều chỉnh của Cty với đủ chiêu trò, tôi thấy nản vô cùng. Thế nên, mỗi khi Cty thông báo về các chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao tôi đều chẳng tha thiết, “ăn chưa no, vui sao nổi”.

Tôi nhớ có một lần, tôi nghe một chị cán bộ công đoàn bảo, “không thể bắt công nhân nhảy múa, ca hát với một cái bụng đói”. Tôi thấy chị ấy nói chí lý, hợp tình, hợp lẽ mà đúng tâm tư, nguyện vọng của anh chị em CN chúng tôi. Mỗi giải thi đấu, phong trào văn nghệ cũng tốn cả trăm triệu bạc chứ không ít mà chúng tôi chẳng vui vẻ gì! Vui vẻ ca hát sao được khi con mình ở nhà cơm chưa no, chồng phải tất bật đi chạy xe ôm để kiếm thêm, gạo ở nhà thì hết… Rơi vào hoàn cảnh đó, không ai có thể hồn nhiên ca hát được!

Đi làm, tôi chỉ mong ban giám đốc, các đoàn thể bớt những hoạt động phong trào, hình thức mà hãy chú ý đến nhu cầu thực của công nhân chúng tôi, đó là tiền lương, thu nhập và nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Khi lương chúng tôi đủ sống, cơm đủ no thì chúng tôi sẽ tự khắc tìm đến những chương trình vui chơi, bổ ích. Chứ còn bây giờ, nói thật tôi phải về nhà, tranh thủ thời gian may thêm tại nhà để kiếm tiền nuôi con, không bánh bóng gì được!

Mỹ Liên (công nhân KCX Tân Thuận, TP.HCM)

Hồng Hà ghi

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-viec-lam/muon-vui-thi-truoc-het-phai-no-594436.bld