Muốn tránh ung thư, hãy kiểm soát cân nặng

Béo phì ảnh hưởng đến một số cơ chế bên trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ bị một số loại ung thư, các nhà nghiên cứu gần đây phát biểu trên trang Healthline.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2014 trên thế giới có hơn 1,9 tỉ người trên 18 tuổi bị thừa cân, trong số đó có 600 triệu người bị béo phì. Năm 2013, có 42 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị béo phì. Nguyên nhân chính gây ra thừa cân và béo phì là do sự mất cân đối giữa lượng calo nạp vào và lượng calo tiêu thụ, và đôi khi do tính chất công việc đòi hỏi phải ngồi một chỗ, ít vận động.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh hoặc hội chứng nguy hiểm bao gồm: tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường loại 2, bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm khớp hoặc các vấn đề liên quan đến xương khớp, chứng rối loạn hô hấp khi ngủ hoặc các vấn đề rối loạn về hô hấp khác, bệnh mất trí, giảm tuổi thọ và thậm chí ung thư.

Theo các chuyên gia, nguy cơ mắc phải các bệnh này tăng theo hướng tỷ lệ thuận với chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI). BMI của một người được tính bằng cân nặng (kilogram) chia cho bình phương chiều cao của người đó (m). Một người được gọi là thừa cân khi có chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 25. Nếu BMI từ 30 trở lên thì béo phì.

Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ cho biết béo phì có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh ung thư ở các vùng như: cuống họng, tụy, đại trực tràng, nội mạc tử cung, vùng ngực sau mãn kinh, thận, túi mật, ung thư máu ác tính.

Hiện đã có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận rằng duy trì chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh có thể mang lại hiệu quả trong phòng ngừa các loại ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, thận, cổ họng.

Ngoài ra, một nghiên cứu về ung thư mới đây cũng cho thấy sự phát triển và lây lan của đa u tủy tăng lên khi chỉ số BMI của một người tăng lên. Khoảng 10% tất cả các bệnh ung thư máu là đa u tủy.

Katie DeCicco-Skinner, giáo sư sinh học tại Đại học Mỹ và là tác giả nghiên cứu, cho biết dù chỉ số BMI không thể giúp các bác sĩ phát hiện ra ung thư, nhưng nó có thể giúp bác sĩ vạch ra hướng điều trị tốt hơn cho bệnh nhân ung thư bị thừa cân và béo phì.

Theo Healthline, chính các tế bào mỡ từ những người thừa cân, béo phì là lý do khiến ung thư tiến triển nhanh hơn so với các tế bào chất béo từ những người có cân nặng bình thường.

GS Skinner nói rằng nhiều nghiên cứu dịch tễ học còn chỉ ra những người béo phì có nhiều khả năng phát triển đa u tủy cũng như có vòng đời rút ngắn nhiều hơn so với những người có trọng lượng cân đối.

Trong nghiên cứu của mình, DeCicco-Skinner cùng các cộng sự của bà phát hiện khi các tế bào chất béo phát triển lớn hơn, chúng sẽ chứa thêm lipid và tiết ra các protein liên quan đến bệnh ung thư. Không chỉ được liên kết với nguy cơ phát triển một số loại ung thư, béo phì còn khiến việc điều trị ung thư trở nên khó khăn hơn cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong ở những người có bệnh ung thư. Do đó, để hạn chế nguy cơ ung thư, cần theo dõi cân nặng thường xuyên. Và mặc dù giảm cân không phải là một điều trị thay thế cho bệnh ung thư, nhưng có thể giúp cải thiện tỷ lệ chữa bệnh ung thư thành công.

Ngọc Khuê

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/muon-tranh-ung-thu-hay-kiem-soat-can-nang-754328.html