Muốn quản kháng sinh, phải nuôi có điều kiện

Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, muốn hạn chế kháng sinh trên thủy sản, việc nuôi thâm canh cần phải xem là loại hình SX có điều kiện, không phải ai thích thì nuôi.

Ông Phạm Anh Tuấn

Một số ý kiến cho rằng sử dụng kháng sinh trên thủy sản rất khó có tác dụng. Ý kiến của ông thế nào?

Kháng sinh là một phần của cuộc sống, không chỉ thủy sản mà cả trên y tế hay thú y. Vấn đề là sử dụng làm sao cho đúng, để kháng sinh không trở thành con dao hai lưỡi. Thực tế một số bệnh trên cá da trơn hay tôm, kể cả bệnh hoại tử gan tụy trên tôm cũng có thể chữa được bằng kháng sinh rất hiệu quả nếu sử dụng đúng.

Vấn đề hiện nay là quản lí kháng sinh thủy sản thế nào, làm gì để dân không còn phải sử dụng kháng sinh nữa, chứ không phải không quản được thì cấm.

Ở Việt Nam, do tình trạng sử dụng kháng sinh thủy sản vô tội vạ trong thời gian dài nên hiện nay đã xảy ra tình trạng kháng kháng sinh. Do đó để cho chắc ăn, người nuôi thường phải dùng theo kiểu hỏa mù, “hầm bà lằng” một lúc rất nhiều loại.

Do đó, điều cần thiết hiện nay là ngành thú y thủy sản phải tập trung điều tra dịch tễ, xác định được bệnh gì, ở vùng nào thì dùng loại kháng sinh gì cho phù hợp. Bên cạnh đó, người nuôi thủy sản khi bị bệnh cũng cần phải được cơ quan thú y lấy mẫu, xét nghiệm xem đó là bệnh gì để chỉ định dùng loại kháng sinh phù hợp.

Khi phải sử dụng kháng sinh thì chủ nuôi phải được tư vấn là bệnh gì, cần loại kháng sinh gì và sử dụng nó thế nào, liều lượng, cách dùng ra sao, thời điểm nào thì cần phải dùng để không bị tồn dư? Chứ không phải bệnh nào cũng dùng.

Thực tế chúng ta cũng đã nỗ lực kiểm soát vấn nạn sử dụng kháng sinh trên thủy sản nhiều năm qua, nhưng tình hình xem ra vẫn không có nhiều biến chuyển?

Tôi cho rằng để kiểm soát kháng sinh trên thủy sản, không thể đưa ra mệnh lệnh hành chính cực đoan được, mà đầu tiên phải xuất phát từ hệ thống nuôi, để làm sao người nuôi ít có nhu cầu phải sử dụng kháng sinh nhất. Bởi không có bệnh thì họ không việc gì họ phải tìm tới kháng sinh cả.

Vấn đề lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay đó là hạ tầng nuôi chưa đầy đủ điều kiện nhưng vẫn chuyển sang nuôi thâm canh, thậm chí nuôi thâm canh mật độ cao, rủi ro dịch bệnh rất lớn. Thực tế cho thấy áp lực dịch bệnh những năm qua là tập trung phần lớn ở các vùng nuôi thâm canh.

Để cải thiện hạ tầng tại các vùng nuôi, ngoài việc đầu tư, về mặt định hướng vĩ mô của ngành thủy sản theo tôi là không nên khuyến khích phát triển nuôi theo hình thức thâm canh. Chỉ phát triển nuôi thâm canh khi có điều kiện hạ tầng đảm bảo.

Phải xem nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm phải là ngành nuôi có điều kiện. Chứ không phải tôi có cái ao, hôm nay tôi nuôi 5 con tốt, ngày mai tôi nuôi lên 7 con, ngày kia tôi nuôi lên 10 con tùy thích thì dịch bệnh là đúng thôi.

Ông Tuấn cho rằng, nuôi thủy sản phải là SX có điều kiện (Ảnh minh họa)

Hiện chúng ta đang có ưu thế rất lớn về tiềm năng diện tích nuôi thủy sản, nhất là diện tích nuôi tôm - lúa, tôm - rừng. Ở các vùng đó, do đa số hạ tầng nuôi không cho phép thâm canh nên cần phải tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn họ nuôi theo quảng canh cải tiến hoặc bán thâm canh, bởi rủi ro dịch bệnh ít, giá thành thấp, chất lượng tôm rất tốt.

Còn nuôi thâm canh thì phải định hình trở lại là phải có điều kiện, không phải chỗ nào và ai muốn nuôi thâm canh cũng được. Kể cả các vùng đang nuôi thâm canh thì cũng không nên nuôi thâm canh với mật độ quá cao. Khuynh hướng ươm tôm giống đủ độ lớn trước khi thả cũng nên khuyến khích, rất nhiều nơi hiện đã áp dụng và cho hiệu quả rất tốt, nguy cơ dịch bệnh giảm hẳn.

Giả thiết bây giờ chúng ta cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trên thủy sản, thì có được không?

Tất nhiên dân sẽ vẫn nuôi được thôi, nhưng với hiện trạng hiện nay, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Lúc ấy, dù muốn hay không dân sẽ lại phải dùng kháng sinh thôi.

Nhiều ý kiến rất phàn nàn về tình trạng loạn xị các chế phẩm sinh học trong thủy sản. Từng nhiều năm công tác ở Tổng cục Thủy sản, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

Loại chế phẩm xử lí cải tạo môi trường hiện do Tổng cục Thủy sản quản lí, còn chế phẩm phục vụ phòng trừ bệnh thì do Cục Thú y quản lí. Các chế phẩm chứa vi khuẩn làm tốt hơn môi trường nuôi, phân hủy chất độc hại, lấn át vi sinh vật bất lợi, kích thích vi sinh vật có lợi.

Các loại chế phẩm sinh học theo lí thuyết là rất tốt. Nhưng có một thực tế là chúng ta đang không quản lí được chất lượng. Khi các đơn vị đăng ký khảo nghiệm sản phẩm thì rất tốt, nhưng khi đưa ra thị trường tiêu thụ thì có thể lại khác.

Ví dụ họ đăng ký trong 1 mg chế phẩm có 1.000 con vi khuẩn có lợi khi khảo nghiệm đăng ký sản phẩm, nhưng khi đưa ra thương mại trên thị trường thì khó mà biết được chất lượng thực sự thế nào. Tất nhiên là cơ quan chức năng vẫn có hậu kiểm về chất lượng, nhưng với số lượng hàng nghìn loại chế phẩm, cơ quan nhà nước lấy người đâu ra người mà kiểm tra nổi?

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/muon-quan-khang-sinh-phai-nuoi-co-dieu-kien-post170287.html