Muốn không stress, hãy học cách ăn

Sự thực thì thói quen ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đối với hiệu quả xử lý công việc của chúng ta mỗi ngày. Sức khỏe Gia đình mách bạn vài biện pháp thực dưỡng chống căng thẳng.

1. Ăn sáng đầy đủ ngay cả khi bạn không đói

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người thường xuyên ăn sáng sẽ có cảm giác tốt hơn cả về mặt tinh thần và thể chất so với những người hay bỏ bữa sáng.

Các nhà khoa học Anh thuộc trường Đại học Cardiff thậm chí còn tìm ra rằng, ăn một tô ngũ cốc điểm tâm mỗi sáng có liên quan đến việc làm hạ thấp đáng kể hàm lượng hormone gây stress.

2. Cứ 3-4 giờ ăn một bữa

Ăn ba bữa nhỏ và hai bữa phụ mỗi ngày có thể giúp duy trì lượng đường trong máu và mức năng lượng của bạn cả ngày. Lưu ý từ “bữa nhỏ”. Các bữa ăn quá thịnh soạn thường sẽ cần nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa, chính xác là có thể khiến bạn trở nên lơ mơ trong mọi chuyện.

Với mỗi bữa nhỏ, nên chọn một thực đơn có đủ các thành phần: carbonhydrate (để tạo năng lượng), protein (giúp cơ thể duy trì năng lượng cần thiết), và các chất béo có lợi cho sức khỏe, là loại chất có trong mỡ cá, các loại quả hạch, và dầu ô-liu. Chất béo và protein sẽ làm hài lòng vị giác của bạn, để bạn không phải lao đi tìm chất ngọt chỉ một giờ sau bữa ăn và kết thúc ngay sau đó với lượng đường tăng cao đột ngột trong máu.

3. Bổ sung thêm chất xơ

Chất xơ có tác dụng giảm khả năng hấp thụ thực phẩm có hàm lượng carbonhydrate cao, kìm hãm tốc độ thẩm thấu của những chất này vào mạch máu, khiến cơ thể chỉ nhận được mức năng lượng vừa đủ một cách đều đặn.

Chính vì vậy, khi xem xét thực đơn cho một bữa ăn vừa, nên lựa chọn những loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Trung bình, hàm lượng chất xơ cần thiết cho một người một ngày khoảng từ 25 đến 30 gram.

4. Bổ sung omega-3 cho não

Omega-3 có nhiều trong các loại cá lắm mỡ (như cá ngừ, cá hồi), quả óc chó, và dầu lin (canola oil), là những axit béo cần thiết cho cơ thể. Chúng đóng vai trò qu

an trọng trong việc giữ cho các tế bào não được khỏe mạnh và hệ thần kinh được tỉnh táo. Thêm một tác dụng đáng lưu ý nữa: Omega-3 khuyến khích cơ thể dự trữ các carbonhydrat dưới dạng glycogen - một hình thức dự trữ glucose (đường trong máu) và là hình thức dự trữ năng lượng chính của cơ thể - thay vì dưới dạng chất béo.

5. Duy trì lượng nước đều đặn

Nước chiếm tỉ trọng lớn trong máu và trong các loại dịch khác của cơ thể người. Chỉ cần thiếu nước nhẹ cũng làm cho máu trở nên đặc hơn, buộc tim phải tăng cường hoạt động để bơm máu tới các tế bào và các bộ phận trong cơ thể, gây triệu chứng mệt mỏi.

Dịch cơ thể càng dồi dào càng giúp cho các chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng dễ dàng lưu thông khắp cơ thể. Căn cứ vào tần suất đi tiểu có thể xác định được tình trạng thừa thiếu nước trong cơ thể. Trung bình, một cơ thể đủ nước đi tiểu khoảng 2h một lần, và nước tiểu không có màu hoặc có màu vàng nhạt.

Lưu ý: Bên cạnh việc uống nhiều nước, bạn cũng nên sử dụng thêm các loại thực phẩm tự nhiên có chứa nhiều nước như sữa chua, cải xanh, cà rốt, và các loại nước hoa quả, chẳng hạn như dưa hấu, cam, bưởi.

6. Cảnh giác với việc sử dụng caffeine sau bữa trưa.

Thông thường, dùng một lượng caffeine vừa phải, khoảng 2 đến 3 tách cafe có thể bổ sung thêm cho bạn năng lượng, giúp bạn cảm thấy tỉnh táo trong nhiều giờ sau đó. Tuy nhiên, khi caffeine được dùng với một lượng lớn - vào bất cứ thời điểm nào buổi chiều hoặc buổi tối - chất lượng giấc ngủ đêm đó của bạn sẽ xuống dốc thê thảm, và cả ngày hôm sau mí mắt bạn sẽ trĩu xuống.

Tất cả chúng ta đều quá quen với tình trạng kiệt sức về mặt thể chất, nhưng những căng thẳng thần kinh - như buồn bã, chán nản, lo lắng, tức giận, và rất nhiều triệu chứng stress khác (đặc biệt là những người phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong công việc, và rất có thể còn chất thêm cả những gánh nặng cho cuộc sống) - khiến cho bạn cảm thấy kiệt quệ.

Nhưng cuộc sống thì vẫn cứ tiếp diễn, và những cảm xúc khó khăn thì hoàn toàn không hề miễn nhiễm với bất kì ai, cho dù người đó có là bạn với sẵn một đống những rắc rối chưa được giải quyết. Nhưng nếu bạn biết xử lý chúng một cách thông minh, não và cơ thể của bạn sẽ phục hồi, kéo theo đó là cả sự nhiệt tình, hăng hái, sẵn sàng đương đầu với bất cứ rắc rối nào mà bạn gặp phải.

Theo SKGD

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/muon-khong-stress-hay-hoc-cach-an-89803/