Muốn khởi nghiệp mạnh, phải đổi mới giáo dục

Với chương trình khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đang đeo đuổi, “khởi nghiệp” không chỉ là khởi sự một dự án kinh doanh mà còn được hiểu là trang bị kiến thức thực tiễn cho sinh viên để họ tìm việc làm ở doanh nghiệp.

Khởi nghiệp muốn mạnh, phải đổi mới nền giáo dục. Trong ảnh là ông Nguyễn Văn Mỹ (bìa trái) trình bày về đề tài khởi nghiệp với một số đại biểu ở Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Khởi nghiệp đâu chỉ để “làm chủ”

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Mỹ Lan, người đồng hành với các chương trình giảng dạy và tư vấn khởi nghiệp cho các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), định nghĩa khởi nghiệp đơn giản là khởi đầu sự nghiệp, kiểu như “một người ra trường nhưng không muốn đi làm cho người khác mà muốn tự làm chủ công việc và khởi đầu sự nghiệp đó”. Còn khởi nghiệp theo kiểu của Silicon Valley thì phải dựa trên nền tảng công nghệ, phải có “công nghệ độc” hoặc có cách phục vụ mới... “do đó, khởi nghiệp là hành trình tạo ra cách phục vụ khác, hoặc tạo ra những sản phẩm mới, mà không ai bắt buộc mình phải tạo ra”, ông nói.

Còn theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, khi “lâm sự” mà không có kiến thức, kỹ năng, không được huấn luyện, dẫn dắt thì rất dễ thất bại.

Ông Dũng cho biết đối tượng mà chương trình khởi nghiệp của VCCI Cần Thơ nhắm đến là sinh viên. Trong đó, có người mong muốn khi ra trường sẽ tự khởi nghiệp nhưng họ lúng túng không biết phải làm sao; cũng có người chỉ muốn xin được việc làm ở một tổ chức nào đó và họ cần được giúp đỡ. “Khảo sát của chúng tôi cho thấy sinh viên ra trường rất thiếu kỹ năng làm việc, những hiểu biết của họ về môi trường kinh doanh thực tế cũng thiếu nhiều”, ông nói.

Do vậy, VCCI Cần Thơ thực hiện chương trình khởi nghiệp theo hai hướng. Trước hết là giúp sinh viên trang bị những kiến thức mà họ còn thiếu trong điều kiện đào tạo của nhà trường, giúp họ thích ứng dễ dàng hơn với môi trường kinh doanh. Đối với những sinh viên muốn có việc làm, chương trình sẽ giúp họ tìm việc bằng cách mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến các chương trình đào tạo thích ứng cho sinh viên. Hoặc doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cũng có thể trực tiếp tham gia, đưa ra các chương trình huấn luyện, sau đó sẽ tuyển dụng.

Đối với những sinh viên ham muốn khởi nghiệp và có tố chất, chương trình sẽ có bước sàng lọc, tuyển chọn để đào tạo nhiều hơn về khởi nghiệp. “Chúng tôi mời giới chuyên gia, các nhà kinh doanh đến để chia sẻ về môi trường đầu tư, kinh doanh... Những người trẻ muốn khởi nghiệp thấy được những cơ hội và họ sẽ lập đề án dưới sự hỗ trợ của chúng tôi và chúng tôi sẽ kết nối với các cơ sở thí nghiệm để hoàn thành sản phẩm khởi nghiệp”. Ông Dũng cho biết những cơ sở thí nghiệm có thể là trường đại học, hoặc tùy trường hợp mà có thể tìm đến xí nghiệp A, xí nghiệp B hay các vườn ươm công nghệ. Mục tiêu là tạo ra thế hệ doanh nhân mới cho khu vực để 10-20 năm tới, ĐBSCL có thế mạnh của mình.

Theo ông Dũng, điểm quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở ĐBSCL, đó là một môi trường mà mọi người có thể tham gia, có sự kết nối trong hoạt động giảng dạy, huấn luyện... “Đó chính là sự khác biệt với các chương trình khởi nghiệp khác hiện nay”, ông nhấn mạnh.

“Nếu từ nhỏ đến lớn, con người luôn được dạy đặt những câu hỏi để làm điều tốt hơn cho xã hội thì rồi đến một ngày sẽ có những con người khởi nghiệp mạnh mẽ. Cái đó rất là quan trọng”.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Mỹ Lan

Nền tảng giáo dục phải đổi mới

Trong khi đó, ông Mỹ của tập đoàn Mỹ Lan cho rằng khởi nghiệp cần phải có năm nguyên tố của khởi nghiệp, gồm con người, ý tưởng, mô hình kinh doanh, thời điểm và vốn. Nhưng vấn đề quan trọng, theo ông Mỹ, muốn có những con người khởi nghiệp mạnh mẽ, thành công thì phải bắt đầu từ cái cơ bản là giáo dục, và bằng một quá trình giáo dục con người ngay từ thuở nhỏ. “Hiện nay, chúng ta bị “vướng” vấn đề giáo dục và đào tạo, do đó, rất thiếu con người khởi nghiệp”, ông nhận định.

Giải thích về nhận định này, ông Mỹ cho rằng nền giáo dục Việt Nam chỉ dạy học sinh trả lời câu hỏi chứ không khuyến khích học sinh đặt câu hỏi. Và ngay cả câu trả lời, học sinh cũng được dạy trả lời theo ý người khác muốn chứ không bằng suy nghĩ của mình. “Cuối cùng là học sinh học để đối phó, trưởng thành trong thụ động, từ tư duy đến hành động. Như vậy thì rất khó khởi nghiệp”, ông Mỹ đặt vấn đề.

Theo ông Mỹ, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tốt là điều cần thiết, nhưng vẫn phải để cho học sinh đặt câu hỏi - tại sao Việt Nam không có kỷ luật, tại sao người Việt hay vượt đèn đỏ, tại sao trong các cơ quan, ban ngành xảy ra tiêu cực... “Nếu từ nhỏ đến lớn, con người luôn được dạy đặt những câu hỏi để làm điều tốt hơn cho xã hội thì rồi đến một ngày sẽ có những con người khởi nghiệp mạnh mẽ. Cái đó rất là quan trọng”, ông Mỹ khẳng định.

Ông Mỹ cũng cho rằng vấn đề khởi nghiệp để trở thành doanh nhân - doanh nghiệp thì phải để tầng lớp doanh nhân - doanh nghiệp dẫn dắt. Ông đưa ra nhận xét: “Tôi thấy Đồng Tháp họ rất hay. Họ mời doanh nghiệp, doanh nhân đến giúp về khởi nghiệp và ông chủ tịch tỉnh chỉ đứng ở phía sau hỗ trợ thúc đẩy phong trào. Đó là cách rất hay so với các tỉnh khác”.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/151932/muon-khoi-nghiep-manh-phai-doi-moi-giao-duc.html/