Muốn giỏi giao tiếp, hãy luyện tập từ những điều nhỏ nhặt

(aFamily)- Trong cuộc sống, họ sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì mồm miệng đỡ chân tay như các cụ ta đã từng bảo.

Từ lúc bé, tôi đã được bố mẹ rèn luyện khả năng giao tiếp. Đến khi lớn lên, tôi công nhận kỹ năng giao tiếp vô cùng quan trọng. Hôm nay đọc tâm sự “Tôi chịu thiệt thòi vì "kỹ năng mềm" kém dù chuyên môn giỏi” của chị Bích Hiền. Tôi xin chia sẻ cùng chị vài điều. Có lẽ chị đang thiếu khả năng giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong công việc, đặc biệt là môi trường công sở. Nhiều người nghĩ giao tiếp đơn giản, đơn giản hỏi và trả lời, ai cũng có thể làm được, đâu cần phải học nhưng thực sự nếu nghĩ vậy, sẽ nhầm lẫn và hạ thấp tầm quan trọng của giao tiếp. Ngày còn nhỏ, bố mẹ hay dặn gặp người lớn phải chào, hỏi lễ phép. Đi học về phải chào ông bà, bố mẹ, anh chị… Trong bữa cơm cũng vậy, phải mời người già có tuổi rồi mới đến người trẻ. Tóm lại, bố mẹ muốn con cái phải biết dùng lời nói để thực hiện nghi lễ cũng như làm hài lòng mọi người xung quanh bằng sự linh hoạt trong ngôn ngữ. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu ca dao của các cụ đề cao lời nói song chính là nhắc đến sự giao tiếp. Mỗi người trong một ngày phải tiếp xúc với mọi người trong nhiều hoàn cảnh, giao tiếp với nhau bằng lời nói, ánh mắt, cử chỉ trong đó lời nói vừa để diễn đạt mong muốn của mình vừa để hiểu xem người bên cạnh cần gì. Người giao tiếp giỏi là người phải hoạt ngôn, linh hoạt trong mọi tình huống, có khả năng ứng biến nhanh. Muốn được như vậy, đòi hỏi phải có quá trình giao tiếp nhiều, tiếp xúc với mọi đối đượng và phải tự tin mỗi khi nói chuyện. Có thể những lần đầu còn ngại ngùng, cảm thấy khó nói nên lời nhưng không phải vì thế mà nản, sinh hạn chế giao tiếp. Cũng không phải muốn tăng khả năng giao tiếp mà đi buôn chuyện thật nhiều, ngồi lê đôi mách. Sự linh hoạt trong ngôn ngữ thể hiện ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Xin ví dụ với chị Bích Hiền một vài tình huống sau. -Bạn đến công ty sớm và nhìn thấy trong văn phòng đã có một chị khác đến sớm hơn, thay vì đi về chỗ mình làm việc, bạn có thể nở một nụ cười với người kia song song với một cái gật đầu hay chỉ cần nói một câu đơn giản: “cứ tưởng hôm nay em đạt giải người đến công ty sớm nhất, vậy mà vẫn thua chị”. -Bạn mua một gói xôi, hoặc thức ăn sáng đem đến văn phòng. Chung quanh bạn có thêm một hoặc hai người, thay vì giả lơ ngồi ăn, bạn có thể hỏi “mọi người ăn sáng chưa, ăn xôi với tôi nhé”. Chắc chắn mọi người sẽ rất vui vì lời nói lịch sự đầy xã giao ấy. Họ sẽ không ngần ngại trả lời lại bạn những câu ý nghĩa khác. -Bạn nghe điện thoại với những lời dạ, vâng ạ, không quên một câu cảm ơn dành cho người đang báo cho mình việc gì đó chắc chắn sẽ gây được thiện cảm hơn là cụp máy không một lời chào. … Đó chính là sự muôn mặt của giao tiếp. Với người giao tiếp giỏi, họ ứng phó rất nhanh và như một nghệ thuật được biểu diễn qua ngày này sang ngày khác và ngày càng hoàn thiện. Trong cuộc sống, họ sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì mồm miệng đỡ chân tay như các cụ ta đã từng bảo. Qua những gì chị Hiền kể, tôi thấy chị mất lợi thế trong cuộc đua tới chiếc ghế nóng là do chị không gây dựng được tình cảm từ mọi người dù chị đã làm ở đây lâu năm trong đó khả năng giao tiếp hạn chế là điều cốt lõi gây ra sự thất bại đó. Chị đồng ý với chia sẻ của tôi thì phản hồi lại nhé. Chào chị!

Nguồn aFamily: http://afamily.vn/2756cs0ca37/muon-gioi-giao-tiep-hay-luyen-tap-tu-nhung-dieu-nho-nhat