Mượn đất em trai canh tác rồi tự ý đứng tên sổ đỏ

Năm 1975 gia đình tôi phải xung công đất ông bà để lại vào hợp tác xã nông nghiệp. Gia đình tôi được chính quyền cấp lại ba sào rưỡi đất để làm nhà và vườn đất ở khu dân cư (trên 1500m2).

Khoảng trước năm 1977 tôi được vào biên chế nhà nước, phải đi làm xa nhà. Vì điều kiện tôi đi làm công nhân xa nên năm 1983, tôi đưa cả gia đình vào nơi tôi công tác. Mảnh đất và nhà cho gia đình anh tôi mượn canh tác và đóng thuế giúp, khi nào chúng tôi cần lấy thì anh tôi trả ngay.

Nhưng hiện nay tôi nghỉ hưu, gia đình tôi cần lấy thì anh tôi đã tự ý làm sổ đỏ cách đây vài năm trước và không chịu trả lại đất cho gia đình tôi, thậm chí còn thách đố tôi kiện vì đất đã đứng tên sổ đỏ của anh ta rồi.

Xin hỏi luật sư:

1. Việc anh ruột tôi tự ý làm sổ đỏ nhập đất của gia đình tôi vào đất vườn của anh tôi mà không có sự chấp thuận của tôi thì có hợp pháp không? Cơ quan chính quyền cấp sổ đỏ không có chứng minh nguồn gốc mảnh đất mà tự ý cấp sổ đỏ có vi phạm luật không?

2. Tôi có thể kiện ra tòa để lấy lại đất không? Tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Hiện tại chính địa phương và anh em hàng xóm thì vẫn xác nhận đó là mảnh đất của gia đình tôi.

Tôi cho anh mượn đất, khi muốn lấy lại thì anh đã tự đứng tên sổ đỏ đất của tôi (Ảnh minh họa)

Do bạn không trình bày rõ nguồn gốc đất cũng như trong quá trình đó giấy tờ chứng minh bạn giao đất cho anh trai hay không nên chúng tôi tư vấn chung cho bạn như sau. Luật Đất đai 2013 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai phải thông qua hoà giải ở cơ sở, cụ thể:

“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.”

Như vậy, đối với tranh chấp trên, trước tiên hai bên có thể tự hoà giải, nếu không tự hoà giải được thì bạn gửi yêu cầu đề nghị hoà giải đến UBND cấp xã (phường) nơi có đất tranh chấp. Trong thời hạn 45 ngày, Chủ tịch UBND có trách nhiệm tổ chức hoà giải cho các bên.

Trường hợp hoà giải không thành thì lập biên bản hoà giải không thành, có chữ ký của các bên và xác nhận của địa phương về hoà giải không thành.

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;”… (khoản 1 Điều 203 LĐĐ 2013)

Do diện tích đất của gia đình bạn có giấy CNQSDĐ nên sau khi hoà giải ở địa phương không thành, bạn có thể nộp đơn trực tiếp đến Toà án nhân dân nơi có bất động sản để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/muon-dat-em-trai-canh-tac-roi-tu-y-dung-ten-so-do-384389.html