Muộn còn hơn không

Thông tin lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định sẽ hỏi ý kiến người dân trước khi xây trạm thu phí khiến dư luận vừa vui vừa buồn.

Vui vì ý kiến người dân được tôn trọng nhưng buồn bởi trạm thu phí "không được hỏi ý kiến người dân" đã mọc lên khắp đất nước.

Có lẽ ít quốc gia nào có nhiều trạm thu phí và tốc độ xây trạm thu phí nhanh như ở nước ta. Trong vòng chưa đến 20 năm, chỉ riêng tuyến quốc lộ đã có 96 trạm, chưa kể hàng trăm trạm khác ở các tuyến đường cấp tỉnh. Nghiệt ngã hơn là hầu hết các trạm này đều mọc lên ở những vị trí đắc địa bởi người lưu thông không còn đường nào tránh được, phải mua vé qua trạm. Thậm chí, không đi vẫn phải đóng phí, dẫn đến phản ứng gay gắt như tại trạm thu phí Bến Thủy 1 (Nghệ An) trong thời gian qua.

Chỉ riêng khu vực kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã có đến mấy chục trạm thu phí. Từ TP HCM đi các hướng sẽ không đường nào thoát trạm thu phí.

Chúng ta thường than vãn giá cả hàng hóa tăng cao, doanh nghiệp khó khăn, người dân cực khổ... nhưng một trong những phương thức kiếm tiền nhanh và hiệu quả nhất là làm đường, lập trạm thu phí vẫn dễ dàng được thông qua cho một số doanh nghiệp thực hiện. Chi phí tăng cao thì hiển nhiên người tiêu thụ cuối cùng, chính là người dân, phải gánh chịu.

Một ký cà chua ở Đà Lạt chỉ 1.000 đồng nhưng khi về đến TP HCM đã tăng lên gấp 10 lần. Ngoài sự nhẫn tâm của các đầu nậu trung gian, chúng ta cũng không thể bỏ qua "vai trò đắc lực" của chi phí dọc đường mà cụ thể là 4 đến 5 trạm thu phí trên tuyến đường này.

Trạm thu phí bán dịch vụ nhưng người dân - người mua dịch vụ - không có quyền lựa chọn. Những con đường độc đạo, huyết mạch vốn được xây dựng từ tiền thuế của người dân thì nay đã cho doanh nghiệp sửa chữa, làm mới và ngang nhiên đặt trạm thu phí. Chính phủ có chủ trương không đặt trạm thu phí cách nhau dưới 70 km. Thực tế thì sao? Ở những vùng kinh tế phát triển, chỉ vài chục km đã có trạm thu phí, thậm chí như ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), có nơi các trạm thu phí cách nhau chưa đến 10 km. Tận thu như thế thì sức dân nào chịu nổi!.

Chúng ta hoan nghênh chủ trương hợp tác để nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông. Nhưng trong câu chuyện này đã có không ít nơi, không ít doanh nghiệp biến nó thành cơ hội trục lợi, đẩy người dân vào thế yếu, không có sự lựa chọn. Chúng ta cũng hy vọng rằng sau lời nói trên của lãnh đạo Bộ GTVT, chuyện trạm thu phí sẽ được chấn chỉnh và người dân có quyền từ chối những trạm thu phí chỉ muốn canh me vắt tiền của họ. Tuy muộn nhưng còn hơn không.

Phạm Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/muon-con-hon-khong-20170628224937416.htm