Muốn chống 'đạo văn' nhưng lại thiếu tiền

Cách thức ngăn chặn 'đạo văn' đối với luận án, luận văn tiến sĩ, thạc sĩ đã được chứng thực với sự hỗ trợ của phần mềm phát hiện sao chép. Tuy nhiên, hiện nay, số trường áp dụng biện pháp này chỉ vỏn vẹn hơn 10 trường đại học trên cả nước.

Cùng với quyết định thu hồi Bằng Thạc sĩ của ông Trần Văn Hải do sao chép luận án của Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Huyền, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng cho phần mềm phát hiện “đạo văn”. Số trường sử dụng phần mềm này trên toàn quốc mới dừng ở con số 13. Nguyên nhân chính không phải do phần mềm không hiệu quả mà vì… chi phí quá cao.

Chống “đạo văn” để đảm bảo đầu ra đúng chất lượng

Chống “đạo văn” để đảm bảo đầu ra đúng chất lượng

Chống “đạo văn”: Chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Sự việc cả một hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ cùng giảng viên hướng dẫn bị xử lý kỷ luật khi để lọt luận văn sao chép tới gần như 100% nội dung của một luận án tiến sĩ cùng bảo vệ tại trường này đã khiến các cán bộ hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh phải giật mình và xem xét lại cách thức làm việc.

“Trường rất muốn áp dụng phần mềm này nhưng với khoản chi lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm để cập nhật dữ liệu của phần mềm này thì nhà trường chưa tìm được nguồn kinh phí”.

TS. Nguyễn Văn Hiền(Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp,trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Khi được hỏi về việc làm thế nào để phát hiện “đạo văn”, một cán bộ lâu năm của trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, phương pháp vẫn được giảng viên này sử dụng là đọc kỹ và tự rà soát, đối chứng với những luận văn, luận án cùng lĩnh vực nghiên cứu được bảo vệ trong vài năm gần nhất.

“Trong đánh giá nhận xét của giảng viên hướng dẫn đối với công trình nghiên cứu của học viên, chúng tôi đều phải xác nhận công trình này không sao chép, không trùng lắp với những nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói mà không có nghiệm chứng bởi bản thân cán bộ cũng không dám đảm bảo nội dung nghiên cứu của học viên có sao chép ở đâu không vì không thể kiểm soát trên diện rộng chỉ bằng cách đọc hay dựa vào hiểu biết trong lĩnh vực chuyên môn của mình”, vị cán bộ này chia sẻ.

Một công cụ được các giảng viên hướng dẫn hay sử dụng nhất hiện nay là đưa tên đề tài nghiên cứu lên Google để tìm kiếm các tài liệu tương tự xem có trùng lắp với nội dung nào không. Thực tế tên đề tài chưa nói lên tất cả. Người hướng dẫn có thể phát hiện “đạo văn” trong quá trình đọc rà tài liệu của học viên. Tuy nhiên, nếu học viên nộp bản mềm thì còn dễ kiểm tra qua Google chứ còn nếu là bản cứng thì rất khó để đối sánh.

Trước thực tế nói trên, việc áp dụng phần mềm chống “đạo văn” được coi là phương pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao đến thời điểm này trường ĐH Sư phạm Hà Nội mới quyết định mua phần mềm chống “đạo văn”, TS. Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, trường rất muốn áp dụng phần mềm này nhưng với khoản chi lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm để cập nhật dữ liệu của phần mềm này thì nhà trường chưa tìm được nguồn kinh phí.

Phần mềm chống “đạo văn”: Không phải là biện pháp toàn diện

Sau việc phát hiện “đạo văn” nghiêm trọng lần này, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đầu tư số tiền lớn để mua bản quyền sử dụng phần mềm Turnitin trang bị tài khoản sử dụng cho tất cả cán bộ trong trường.

“Trước yêu cầu đầu tư chất lượng và định hướng phát triển đối với khối trường sư phạm, trường chúng tôi đã quyết định đầu tư mua phần mềm này dựa trên tham khảo các trường bạn. Hiện nay, mới có khoảng 13 trường đại học cả nước sử dụng phần mềm này nhưng lại không thuộc khối sư phạm nên dữ liệu để đối sánh đối với các luận văn, luận án của trường không nhiều. Do vậy, trường dự kiến phải dành khoảng 1 tháng để cập nhật dữ liệu nội sinh. Từ đó mới có thể đưa phần mềm này vào hoạt động để rà soát tình trạng sao chép của học viên”, TS. Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

“Bộ GD-ĐT chưa yêu cầu bắt buộc triển khai phần mềm chống “đạo văn” trong tất cả các trường đại học. Thực tế cho thấy, để duy trì 30.000 tài khoản sử dụng phần mềm Turnitin, trường ĐH Kinh tế quốc dân phải trả 30 đến 40 USD/tài khoản/năm”.

Ông Nguyễn Huy Bằng (Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Còn tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông cho biết, trường này đã thí điểm phần mềm Turnitin chống “đạo văn” từ năm 2014, mở rộng áp dụng với Viện Đào tạo sau đại học, Viện Đào tạo quốc tế của trường và chính thức đưa vào sử dụng toàn trường từ năm học 2016-2017 với tất cả các đối tượng cử nhân tới thạc sĩ, tiến sĩ.

“Trước đây để chống đạo văn, chúng tôi phải bố trí tới 10 cán bộ giảng viên để đọc, rà soát, đối sánh nội dung nghiên cứu của học viên với tài liệu sẵn có. Việc này khá vất vả, mất thời gian nhưng hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, tình trạng “đạo văn” nếu không phát hiện và xử lý nghiêm thì sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng, mất niềm tin vào uy tín của chính nơi đào tạo. Vì vậy nhà trường quyết định đầu tư bài bản với phần mềm chống “đạo văn” cho hơn 30.000 tài khoản của toàn bộ sinh viên, học viên, cán bộ giảng viên trong trường”, ông Vũ Trọng Nghĩa cho biết.

Trả lời phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT chưa yêu cầu bắt buộc triển khai phần mềm chống “đạo văn” trong tất cả các trường đại học. Thực tế cho thấy, để duy trì 30.000 tài khoản sử dụng phần mềm Turnitin, trường ĐH Kinh tế quốc dân phải trả 30 đến 40 USD/tài khoản/năm. “Việc chống “đạo văn” là rất cấp thiết và cần nhiều biện pháp phòng chống, trong đó có biện pháp áp dụng công nghệ thông tin. Bộ hiện mới chỉ khuyến khích các trường triển khai các biện pháp tích cực, hiệu quả chứ chưa thể bắt buộc triển khai đồng loạt”, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết.

Bên cạnh đó, các trường sử dụng phần mềm này đều cho rằng để việc chống “đạo văn” thực sự hiệu quả thì phần mềm chỉ là một công cụ, người sử dụng mới là quan trọng khi buộc phải đề cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo sản phẩm đầu ra đúng chất lượng trong quá trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.

(Còn tiếp)

Vinh Hương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/muon-chong-dao-van-nhung-lai-thieu-tien/735078.antd