Muốn bảo lãnh để không tạm giam, phải đặt tiền?

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Tuy nhiên, BLTTHS hiện hành lại không có quy định người bảo lĩnh phải đặt tiền, do đó dù đã có quy định nhưng trên thực tế lại không phát huy nhiều tác dụng.

Ảnh minh họa

Đủ điều kiện mới được bảo lĩnh

Cũng theo BLTTHS, cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. .. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan…

Như vậy, BLTTHS không hề quy định người bảo lĩnh phải đặt tiền (mà chỉ cần làm giấy cam đoan). Vì thiếu những quy định ràng buộc về vật chất cũng như trách nhiệm vì vậy nhiều người sau khi nhận bảo lĩnh đã để bị can, bị cáo gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án nhưng việc xem xét trách nhiệm của họ rất khó khăn, thậm chí là không xử lý được.

TS. Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC, đề nghị cần sửa đổi quy định nêu trên của BLTTHS theo hướng quy định người bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải đặt một khoản tiền; bảo lĩnh phải bằng tiền hoặc giấy tờ bảo đảm có giá trị thanh toán bằng tiền (không quy định bảo lĩnh bằng tín chấp hoặc bằng đồ vật). Có đơn xin bảo lĩnh của người nhận bảo lĩnh, có sự đồng ý của người được bảo lĩnh là bị can, bị cáo. Người nhận bảo lĩnh là người thân thích của bị can, bị cáo, Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Hoa, cần quy định điều kiện đối với người nhận bảo lĩnh: Là cá nhân có phẩm chất chính trị tốt, không liên quan đến vụ án; có khả năng thực hiện những trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh; có thu nhập ổn định và cư trú cùng địa phương với bị can, bị cáo được bảo lĩnh để bảo đảm giám sát. Có quy định trách nhiệm người nhận bảo lĩnh trong việc thực hiện các nghĩa vụ cam đoan; bổ sung quy định trách nhiệm người được bảo lĩnh và các trường hợp hạn chế bảo lĩnh…

Theo pháp luật tố tụng hình sự một số nước thì biện pháp bảo lĩnh chỉ áp dụng đối với cá nhân, để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của các cơ quan tiến hành tố tụng đúng thời gian quy định và không cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án.

Người nhận bảo lĩnh phải đặt một khoản tiền; nếu vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì số tiền đã đặt bị sung công quỹ Nhà nước, người nhận bảo lĩnh có thể còn bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng tình với quan điểm này, theo LS Nguyễn Thị Minh Châu- Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Châu và cộng sự -thì ngoài quy định người bảo lĩnh phải đặt một khoản tiền, cũng cần quy định rõ mức tiền phải đặt là bao nhiêu.

Có thể lấy mức lương tối thiểu để làm căn cứ, nếu như người bảo lĩnh vi phạm thì số tiền này sẽ bị tịch thu xung quỹ nhà nước, đồng thời quy định rõ trường hợp bị can, bị cáo không đến theo triệu tập, hay bỏ trốn khỏi nơi cư trú thì người nhận bảo lĩnh cũng phải chịu trách nhiệm.

Đặt tiền cũng chưa phát huy tác dụng

Tương tự như bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam (Điều 93BLTTHS). Tuy nhiên hiện nay quy định này cũng chưa phát huy tác dụng trên thực tế, bởi lẽ luật không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đặt tiền, mức tiền …

Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vướng mắc nhất trong thực hiện quy định nói trên là chưa rõ áp dụng với loại tội nào, ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng hay chỉ là cho tội ít nghiêm trọng; hay được áp dụng cho tất cả các tội, chỉ trừ một số tội như xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; tội về ma túy thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, luật cũng chưa quy định tình trạng tài sản như thế nào thì được đặt tiền, vài chục triệu đồng hay lớn hơn?. Thời hạn đặt tiền trong bao lâu thì phải trả lại… Chính vì hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan tố tụng đặc biệt e dè khi áp dụng biện pháp này.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/tuphap/xaydungpl/201207/Muon-bao-lanh-de-khong-tam-giam-phai-dat-tien-2069262/