Muối và đường đều đắng vì nắng hạn

Hạn hán, muối với diêm dân và đường với nông dân không còn vị mặn vì ngọt mà trở nên đắng nghét.

Muối đắng càng đắng vì được mùa

Sáu tháng đầu năm nay lượng muối tồn trong diêm dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hơn 851.700 tấn (riêng trong diêm dân là 492.700 tấn), tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Diện tích sản xuất muối cả nước là gần 14.800 ha, sản lượng muối 6 tháng đầu năm 2016 đạt 995.460 tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số giảm 0,7% của bộ có vẻ mâu thuẫn với một số nguồn thông tin khác.

Vì so với mọi năm, năm nay nắng nóng kéo dài, diêm dân được mùa muối. Nhiều người dân đang khóc trên đống muối của mình khi giá muối trải bạt còn khoảng từ 600-800 đồng/kg và muối thường từ 400-550 đồng/kg.

Riêng muối ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước ở Bình Định, người làm muối chỉ bán được có 300 đồng/kg.

Chỉ riêng tỉnh Bình Định, theo TTXVN, sản lượng muối ráo thu được tăng 26,84%, tuy diện tích sản xuất giảm 8,9ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Cần Giờ, TPHCM, hiện còn tồn hơn 100.000 tấn muối trong dân. Giá muối Cần Giờ vẫn chỉ bán được 400 đồng/kg so với giá thành bình quân 613 đồng/kg.

Theo huyện Cần Giờ, sản lượng vụ muối năm 2016 khoảng 140.000 tấn, mới tiêu thụ 38.000 tấn, như vậy còn lại trong dân hơn 100.000 tấn muối.

Trong khi diêm dân tồn muối nhưng Việt Nam không thể không nhập muối công nghiệp và muối sạch dùng trong y tế, mỗi năm trên hàng trăm ngàn tấn.

Bài toán sản xuất muối công nghiệp từ nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải.

Vì hiện nay, trừ muối Ninh Thuận đạt hàm lượng NaCl theo tiêu chuẩn muối công nghiệp là 98% và tạp chất tan thấp, nhất là ion SO 4 2- phải dưới 0,70% (muối công nghiệp loại 1, loại thượng hạng phải là 0,30).

Ngoài ra lượng muối sản xuất còn lại, do sản xuất ngắn ngày, không qua rửa, tạp chất tan cao đã đành, tạp chất không tan như bùn, cát, tạp chất hữu cơ,… còn nhiều, hàm lượng NaCl dưới 98%.

Bài toán không giải quyết được là do quy mô sản xuất manh mún không thể đầu tư các dây chuyền gạn rửa đạt suất sinh lợi.

Phương pháp sản xuất thủ công tuy được đánh giá cao bởi một số nước nhập khẩu muối ăn từ Việt Nam như Nhật, Mỹ, nhưng số lượng chỉ có hạn, trong khi thế giới đang kêu gọi giảm ăn muối.

Đối với muối công nghiệp, phương pháp sản xuất thủ công hiện nay là không phù hợp.

Việc tùy thuộc vào thời tiết có độ rủi ro cao. Ẩm độ trong muối thu hoạch ngắn ngày cũng cao.

Một yếu tố khác làm cho hạt muối của diêm dân đắng thêm là lượng muối công nghiệp và y tế nhập về được tuồn ra ngoài bán thành muối ăn cắn vào chiếc bánh muối ăn của diêm dân.

Đường cũng đắng vì đường ngoại

Muối đã đắng, đường cũng không hề ngọt.

Dù mía luôn mất giá do các nhà máy ngốn không hết, lượng đường nhập lậu vẫn là mối ám ảnh đối với đường trong nước, vì lý do là đường ngoại giá thấp hơn đường nội.

Không có nhà buôn nào chọn phương châm “người bán buôn hàng Việt”, khi mà giá đường ngoại thấp hơn đường trong nước.

Đường ngoại nhập lậu hàng năm, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cũng khoảng 200.000-300.000 tấn/năm.

Đó là chưa kể lượng đường chuyển từ Lào về của Hoàng Anh Gia Lai.

Bộ NN&PTNT lấy cớ năm nay hạn hán, cho phép nhập thêm 100.000 tấn đường vì sợ nhu cầu đường trong nước bị hụt.

Bài toán nhập đường này được nhiều nhà buôn hoan nghênh và tranh giành hạn ngạch, vì đường ngoại lời cao.

Ngày 19/7, Hiệp hội Mía đường Việt Nam “la làng” rằng lượng đường tồn kho hiện nay 416.000 tấn, nếu nhập khẩu 100.000 tấn như chủ trương, cộng thêm lượng đường chuyển từ Lào về Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai, khả năng thời gian tới có thể dư thừa 200.000 tấn đường.

Cho đến nay, giá đường trong nước không cạnh tranh nổi với giá đường ngoại là vì năng suất mía trong nước không cao, mặc dầu Việt Nam có một lịch sử trồng mía từ rất lâu đời.

Trần Bích

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/muoi-va-duong-deu-dang-vi-nang-han-d98473.html