Muối ơi, chát quá

Để mặc 4 tấn muối chưa bán được nằm trơ ngoài đồng, ông Nguyễn Văn Vĩnh (Quy Nhơn) quyết tâm lên Gia Lai làm thuê kiếm sống. Ông không còn đủ kiên nhẫn khi đã chấp nhận bán 500 - 600 đồng/kg, lỗ 250-300 đồng/kg, mà vẫn không có người mua.

Thừa cứ thừa, thiếu vẫn thiếu

Nông dân làm ra muối không ai mua. Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn cấp hạn ngạch cho nhập khẩu 102.000 tấn muối trong năm 2012.

Theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm, Thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng muối trong nước sản xuất ra cộng với tồn kho từ năm trước ước đạt 1,52 triệu tấn trong năm 2012. Như vậy, so với nhu cầu tiêu thụ là 1,45 triệu tấn thì cung sẽ vượt cầu 70.000 tấn.

Vậy tại sao vẫn phải nhập khẩu muối? Chất lượng muối trong nước kém. Đó là câu cửa miệng của hầu hết những người có thẩm quyền khi giải thích việc thừa muối mà vẫn nhập thêm.

Trong buổi đối thoại trực tuyến đầu năm 2012, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết nhập khẩu muối là việc buộc phải làm vì lượng muối sản xuất trong nước dù nhiều nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt bình thường. Theo ông, muối trong nước có tạp chất cao, hàm lượng hóa chất chưa thể đáp ứng cho các ngành công nghiệp, y tế, hóa chất.

Hiện nay, muối công nghiệp chỉ chiếm 17% tổng sản lượng muối cả nước, tập trung ở 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Do muối ở đây chất lượng tốt, điều kiện vận chuyển thuận lợi nên không chỉ doanh nghiệp hóa chất mà các doanh nghiệp chế biến cũng vào đây tranh mua. Chính vì phải chen chân như vậy, nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án nhập khẩu muối. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất doanh nghiệp xin nhập khẩu muối.

Mớ bòng bong, ai gỡ?

Vụ việc Tổng Công ty Hóa chất Cơ bản Miền Nam bán 23.000 tấn muối nhập khẩu ra thị trường càng khiến cho sự việc trở nên phức tạp hơn. Trước đó, công ty này được phép nhập khẩu muối phục vụ trong công nghiệp với mức thuế ưu đãi nhưng sau đó lại bán ra thị trường để làm muối ăn. Nói như ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, đây là một bài học xương máu cho ngành muối.

Thực tế, muối công nghiệp vẫn có thể chế biến thành muối ăn. Hiện nay, nhiều cơ sở đóng gói muối tinh, muối i-ốt phục vụ tiêu dùng đã mua muối công nghiệp về xay, đóng gói.

Sản lượng muối công nghiệp sản xuất năm nay ước đạt 280.000 - 300.000 tấn, trong đó nhu cầu của các doanh nghiệp hóa chất, y tế vào khoảng 222.000 tấn. Như vậy, lượng muối công nghiệp trong nước vẫn đủ để phục vụ. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất đã đầu tư công nghệ, dây chuyền rửa muối nên muối phục vụ cho sản xuất công nghiệp không còn khan hiếm.

Tuy nhiên, xét về bài toán kinh doanh, nhập khẩu muối xem ra vẫn có lợi hơn với một số doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các đồng muối lớn nhưng không có cảng biển nên muối chủ yếu được vận chuyển theo đường sắt hoặc đường bộ. Nếu doanh nghiệp vận chuyển theo 2 đường này thì giá 1 tấn muối là 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, 1 tấn muối nhập khẩu từ Ấn Độ giá chỉ có 1,2 triệu đồng.

Ngành muối vốn được xem là một ngành kinh tế trọng điểm trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều địa phương nằm trong 20 tỉnh đang sản xuất muối được quy vào diện chiến lược phát triển đến năm 2020 đã bỏ không làm muối nữa. Đây đang là một vấn đề báo động đối với ngành muối. Nếu không sớm tìm được lối ra, ngành muối sẽ tạo ra những khó khăn cho các ngành khác.

Giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát từng cho biết, ngành muối sẽ đẩy mạnh đầu tư vào một số khu công nghiệp để sản xuất muối phục vụ ngành hóa chất và làm muối chất lượng cao. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ không phải nhập mà sẽ xuất khẩu muối. Tuy nhiên, để làm được việc này chắc cũng chưa phải là chuyện ngày một ngày hai.

60% sản lượng muối hiện nay được sản xuất trên những đồng muối phân tán, điều kiện vận chuyển kém khiến muối luôn lâm vào cảnh chỗ thiếu, nơi thừa. Thêm vào đó, việc sản xuất muối chủ yếu là thủ công, đầu tư cho công nghệ chế biến còn hạn chế.

Những người nông dân làm muối như ông Nguyễn Văn Vĩnh vẫn phải đợi chờ.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11793