Mừng cho 3 học sinh và buồn cho con số 24.000 tiến sỹ

Thấy quê nhà thường xuyên bị lũ lụt, 3 em đã cùng nhau sáng chế ra chiếc máy báo lũ tự động. Ý tưởng được hình thành từ đầu năm 2015, và sau hơn 1 năm nghiên cứu, chế tạo, với sự giúp đỡ ...

3 học sinh đó là Hoàng Xuân Bảo (15 tuổi), Phạm Quốc Đạt (14 tuổi) và Lê Thị Thu Hương (14 tuổi). Cả 3 đều là học sinh trường THCS Đặng Dung (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Em Phạm Quốc Đạt, một trong ba em học sinh sáng chế nên “máy báo lũ tự động” đang xem lại tài liệu về mô hình ý nghĩa này

Thấy quê nhà thường xuyên bị lũ lụt, 3 em đã cùng nhau sáng chế ra chiếc máy báo lũ tự động. Ý tưởng được hình thành từ đầu năm 2015, và sau hơn 1 năm nghiên cứu, chế tạo, với sự giúp đỡ của hai thầy giáo trong trường, chiếc máy đã hoàn thành, hoạt động rất tốt, đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế, và được tỉnh chọn gửi ra tham dự cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2016, do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức.

Miền Trung liên miên lũ lụt, không năm nào không lũ, không lụt. Chỉ riêng trong năm 2016 này, đã phải chịu liền 3 đợt lũ lớn. Trận lũ nào cũng gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và cướp đi sinh mạng của hàng chục người.

Trong điều kiện đó, thì việc 3 em học sinh tuổi mới 14, 15, dù mới chỉ nảy sinh ra ý tưởng làm chiếc máy báo lũ tự động thôi, cũng đã rất có ý nghĩa rồi. Thế mà các em còn biến ý tưởng đó thành hiện thực, có thể giúp cho người dân chủ động hơn trong việc phòng chống lũ, hạn chế được thiệt hại, thì ý nghĩa đó lại càng lớn.

Phần bên ngoài của mô hình “Máy báo lũ tự động”

Nhân sự kiện này, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Sao sản phẩm sáng tạo đó lại là của các em, những đứa trẻ ở lứa tuổi còn đang mải mê với việc đánh chắt, đánh bi, mà không phải là sản phẩm của một vị tiến sĩ nào? Không một nước nào trong khối ASEAN nhiều tiến sĩ như nước ta, với tổng số lên tới 24.000 người.

Nhưng hầu hết những máy móc mang lại những tiện ích vô cùng lớn trong đời sống như máy nhổ sắn, máy thái hành, máy cấy, máy đào mương đắp bờ, máy gieo hạt, máy cuộn rơm... cho đến máy bay trực thăng, đều là sản phẩm của những “hai lúa”, trình độ chỉ cấp hai cấp ba, không được nhà nước đầu tư một đồng nào.

Trong khi đó thì lại có rất nhiều công trình mang tên các tiến sĩ nhưng nghiên cứu xong rồi, nghiệm thu xong rồi thì “đút ngăn kéo” vì không dùng được, tiêu tốn của ngân sách hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì thế mà chúng ta có rất ít công trình khoa học có giá trị và bằng sáng chế!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mung-cho-3-hoc-sinh-va-buon-cho-con-so-24000-tien-sy-post181957.html