Mụn cóc và cách chữa trị

Mụn cóc thường xuất hiện nhiều ở bàn chân, bàn tay. Quá trình hình thành mụn cóc có thể kéo dài nhiều tháng, do vậy nó thường không được phát hiện sớm cũng như không được điều trị kịp thời.

Mụn cóc thường xuất hiện ở trẻ em do sự hiếu động và không tự vệ sinh sạch sẽ, nhất là thói quen đi chân đất, cắn móng tay, nghịch bẩn và làm chân tay bị trầy xước. Với người lớn cũng có thể bị mụn cóc nếu vi khuẩn này có môi trường thuận lợi. Ngoài ra, chúng còn xuất hiện ở bộ phận sinh dục nữ hoặc những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Dấu hiệu của các loại mụn cóc

Mụn cóc có nhiều hình dạng và kích cỡ, chúng có thể là một vết sưng với bề mặt thô, cũng có thể là bề mặt phẳng mịn. Mụn cóc thường không gây đau. Nhưng nếu nó ở vị trí như ngón tay, lòng bàn chân, lòng bàn tay thì sẽ khiến bệnh nhân bị đau, vì những khu vực này thường xuyên va chạm và chịu áp lực của cơ thể.

- Mụn cóc thông thường: thô, màu xám nâu, phát triển thành hình mái vòm, xuất hiện thường xuyên nhất trên bàn tay hoặc bất kỳ vùng nào trên cơ thể.

- Mụn cóc Mosaic: gồm nhiều mụn cóc nhỏ mọc thành chum ở lòng bàn chân, gót chân.

- Mụn cóc ở bộ phận sinh dục: có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục, xung quanh hậu môn, trong trực tràng, âm đạo, hoặc ở cổ tử cung. Mụn cóc sinh dục có thể gây ra những thay đổi tế bào làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, trực tràng, hậu môn.

- Mụn cóc phẳng: thường được tìm thấy trên mặt, cánh tay, chân. Chúng rất nhỏ, có đỉnh phẳng, và có thể có màu hồng, nâu nhạt, hoặc vàng nhạt.

Đường lây lan của mụn cóc

- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người bệnh (sờ, cọ xát, cầm nắm…), dùng chung vật dụng với người có mụn cóc như khăn lau, giày dép, quần áo. Phải mất 2-3 tháng người bị lây bệnh mới thấy xuất hiện mụn cóc.

- Từ vài mụn cóc lớn ban đầu, chúng lây lan sang những vùng da lân cận hay những vùng da do tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi, cầm nắm) và tạo ra nhiều “mụn cóc con” nhỏ li ti. Những mụn con này sẽ phát triển rồi tiếp tục lây lan theo cấp số nhân!

Phương pháp trị mụn cóc

Không phải tất cả các mụn cóc cần được điều trị. Chúng thường tự biến mất trong vòng vài tháng hoặc nhiều năm. Điều này có thể là bởi vì, qua thời gian, hệ thống miễn dịch có thể để tiêu diệt những u nhú gây mụn.

Khi nào cần gặp bác sĩ để điều trị

- Bệnh nhân cảm thấy đau đớn.

- Mụn cóc phát triển nhanh hoặc lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc cho người khác.

Mục tiêu điều trị là để tiêu diệt hoặc loại bỏ các mụn cóc mà không tạo mô sẹo. Mụn cóc được xử lý như thế nào phụ thuộc vào loại mụn cóc, vị trí, triệu chứng.

Nhiều người điều trị mụn cóc bằng cách sử dụng một sản phẩm không cần kê toa như axit sacicylic hoặc phương pháp áp lạnh.

Các phương pháp điều trị

- Dùng acid salicylic

Thuốc sẽ làm tiêu hủy, bong tróc các tế bào sừng cùng với virus ở mụn cóc. Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần mới có thể làm mụn biến mất hoàn toàn.

- Áp lạnh

Phương pháp áp lạnh thường được sử dụng nếu điều trị tại nhà không thành công. Quy trình này sử dụng một chất lỏng lạnh để đóng băng mụn cóc. Phương pháp này có nguy cơ để lại sẹo nhỏ.

- Đốt điện

Áp dụng cho các mụn cóc dưới 1cm hay ở vị trí khó tiểu phẫu. Mụn cóc sẽ được giải phẫu lấy đi bằng dòng điện cao tần. Ưu điểm: tiến hành nhanh chóng, đơn giản, có thể khoét sâu lấy hết nhân mụn cóc. Tuy nhiên thời gian lành vết thương lâu hơn (tiểu phẫu), chăm sóc vết thương phải kỹ lưỡng hơn, dễ bị nhiễm trùng.

- Tiểu phẫu (gây tê tại chỗ)

Áp dụng cho mụn có kích thước dưới 2cm và ở vị trí bằng phẳng (gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân…). Ưu điểm là thời gian lành vết thương nhanh hơn đốt điện, chăm sóc vết thương sau mổ dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng hơn nhưng chi phí cao hơn, dễ tái phát.

Tiêm Bleomycin tại chỗ hoặc tiêm Interferon trong trường hợp mụn cóc khó điều trị.

Những lưu ý:

- Nên điều trị mụn cóc sớm khi mới phát hiện để tránh tình trạng lây nhiễm virus từ mụn mẹ sang mụn con.

- Bệnh nhân cần theo dõi hàng ngày ngay cả những vị trí tổn thương cũ để đề phòng tái phát. Điều trị lại (chấm acid, nito, đốt điện, tiểu phẫu…) càng nhanh càng tốt những tổn thương “tái phát” trước khi virus kịp lây nhiễm ra những vùng da xung quanh.

- Chọn giày dép thích hợp, vừa vặn, không chật hay rộng quá. Giữ chân luôn khô ráo và thay tất thường xuyên. Dùng các miếng đế lót, đệm lót (trong giày dép) ở vị trí có các mụn cóc để giảm đau hay khó chịu. Ngoài ra, có thể dùng đá bọt nhám khi tắm chà lên bề mặt mụn để giảm bớt kích thước và độ sần sùi.

- Điều trị mụn cóc không phải lúc nào cũng thành công. Ngay cả sau khi mụn cóc co lại hoặc biến mất, mụn cóc có thể trở lại hoặc lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Điều này là do hầu hết các phương pháp điều trị chỉ tiêu diệt các mụn cóc và không giết virus gây ra mụn cóc.

Theo Thế giới Gia đình

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Suc-khoe/Mun-coc-va-cach-chua-tri/15487.dep