Mục tiêu sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020

Theo Đề án sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và mang tính quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Đồng thời, các doanh nghiệp này cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp cần được kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế; được tăng tính chủ động gắn với tinh thần trách nhiệm.

Hoạt động của doanh nghiệp phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Cũng theo Đề án, doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/muc-tieu-sap-xep-doi-moi-tai-co-cau-dnnn-giai-doan-20162020-post215662.info