Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở eo biển Malacca

"Eo biển Malacca có địa thế chiến lược. Bắc Kinh luôn bắt đầu với sự hiện diện kinh tế, sau là hải quân, do Trung Quốc sẽ nói rằng họ có trách nhiệm để đảm bảo sự đi lại an toàn của các tàu thương mại của họ".

Việc Trung Quốc đầu tư phát triển một dự án cảng trị giá 43 tỷ RM (14 tỷ USD) ở Malacca (Malaysia) nhằm đuổi kịp Singapore như là cảng lớn nhất trong khu vực, đang làm dấy lên những câu hỏi về sự cần thiết của việc nâng cao năng lực thương mại và liệu sự tham gia tích cực của Trung Quốc có gắn liền với việc kinh doanh hay vì những lợi ích chiến lược của mình ở eo biển Malacca hay không.

Với Trung Quốc, không chỉ có phần lớn hoạt động thương mại đi qua eo biển Malacca mà còn có khoảng 80% nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh. Điều này đã thúc đẩy Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước đây đưa ra "Song đề Malacca" trở thành một vấn đề chiến lược quan trọng từ khoảng năm 2003.

"Eo biển Malacca có yếu tố chiến lược. Bắc Kinh luôn bắt đầu với sự hiện diện kinh tế, sau là hải quân, do Trung Quốc sẽ nói rằng họ có trách nhiệm để đảm bảo sự đi lại an toàn của các tàu thương mại của họ", Tiến sĩ Johan Saravanamuttu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, người nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia nói.

Mô hình Cửa ngõ thương mại Melaka chung giữa Malaysia và Trung Quốc. Ảnh: Melak Gateway

Cửa ngõ thương mại Melaka chung là một phần trong hệ thống hải cảng rộng lớn giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh để tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy vận tải biển và hậu cần dọc theo con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Công ty hải cảng quốc tế Bắc Bộ tại Quảng Tây, Trung Quốc đã sở hữu 40% giá trị cảng Kuantan – nơi giáp với những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và 49% cổ phần khu công nghiệp Kuantan ở Pahang, bang quê hương của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.

Giới chức Malaysia đang nói nhiều về thỏa thuận "Cửa ngõ Melaka" thay đổi cuộc chơi giữa công ty ít được biết đến của Malaysia là KAJ Development và gã khổng lồ năng lượng Powerchina International, vốn sẽ hình thành một dự án thương mại chung với trị giá 30 tỷ RM để cải tạo 3 hòn đảo ngoài khơi bờ biển Malacca. Toàn bộ dự án này sẽ được hoàn thành vào năm 2025, nhưng cảng biển nước sâu tại đây dự kiến sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2019. Chính phủ Malaysia hy vọng sẽ thu hút lượng lớn khoảng 100.000 tàu, thuyền, nhất là của Trung Quốc, đi qua eo biển Malacca hàng năm.

Một số nước công nghiệp đã bày tỏ mối quan ngại sự ảnh hưởng của các hải cảng đang hiện hữu dọc theo eo biển này, đặc biệt trong bối cảnh Singapore mở rộng hải cảng của họ tại đây. Mặc dù chính phủ Malaysia cho biết một cảng mới là cần thiết vì Klang, cảng quan trọng nhất của Kuala Lumpur, sẽ được hoàn thiện vào năm 2020, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy một vấn đề khác. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới do Malaysia đề nghị đã cho thấy một hải cảng mới ở bờ biển phía Tây là không cần thiết, khi các cơ sở hiện tại vẫn chưa hoạt động hết công suất. Cả hai nhà khai thác tại cảng Klang - Westports và MMC - cũng đã đề xuất mở rộng cảng để tăng gấp đôi công suất.

"Bởi vì có vẻ không phù hợp về thỏa thuận Melaka, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu điều này thiên về quân sự hơn là các lợi ích thương mại", một nguồn tin hậu cần nói với The Straits Times.

Sơ đồ các cảng biển chính của Malaysia. Ảnh: Straits Times

Một cựu quản lý cảng lưu ý rằng Trung Quốc đã có nhiều động thái để giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, ví dụ thông qua các dự án cảng-và-đường sắt hay đường ống ở Pakistan, Myanmar và Đông Âu, điều này có nghĩa là "chúng ta không thể khẳng định những cam kết của Bắc Kinh tại đây".

"Nếu Trung Quốc dừng sự hỗ trợ, cảng trên sẽ trở nên vô dụng bởi vì nó không có thị trường nội địa, không giống như Klang và Penang vốn phục vụ một thị trường địa phương lớn. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn chuyển hàng hóa tới Klang bằng đường bộ thay vì các cảng Malacca hoặc Penang hiện nay vì nó hiệu quả hơn".

Các nhà phê bình đã đặt câu hỏi về sự quá phụ thuộc của Malaysia vào Trung Quốc, trong bối cảnh hai bên đã ký kết những thỏa thuận lớn trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Malaysia Najib tới Bắc Kinh cũng như khoản vay khổng lồ trị giá 55 tỷ RM để xây dựng một tuyến đường sắt kết nối cảng Klang và cảng Kuantan ở Pahang cùng khu vực Terengganu và Kelantan.

"Có nghi vấn về sự quá phụ thuộc và các đòn bẩy ngoại giao liên quan nếu Bắc Kinh thể hiện động thái nhiệt tình hơn. Khi nói đến đầu tư, bạn không thể trông đợi nhiều từ Mỹ như từ Trung Quốc. Nếu bạn muốn vượt trội hơn so với Singapore, dự án cảng này sẽ có ý nghĩa, đặc biệt khi nó là hình thức đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Malaysia gặp khó khăn về tài chính", Tiến sĩ Saravanamuttu nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Liow Tiong Lai đã nói với các phóng viên khi trở về từ Bắc Kinh rằng, "với việc kinh tế ngày càng phát triển, chúng ta cần nhiều cảng hơn. Hệ thống cảng đang mang đến sự cạnh tranh hơn đối với các lĩnh vực hải cảng và hậu cần của chúng ta".

Công Thuận (S.T)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/muc-tieu-chien-luoc-cua-trung-quoc-o-eo-bien-malacca-20161117120002903.htm