Mức phí tuyến kênh Chợ Gạo không được vượt quá sức chịu đựng của người dân

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Đình Thọ tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Giai đoạn 2) theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng – Phó Trưởng Ban PPP cho biết, Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo tại tỉnh Long An và Tiền Giang được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thi công xây lắp các hạng mục cơ bản, đến nay đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng; Giai đoạn 2 được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo báo cáo của Ban QLDA Đường thủy nội địa (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Giai đoạn 2) có tổng chiều dài 11,6km (từ Km10+250 – Km21+850) với tổng mức đầu tư khoảng 1.387 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm (2016-2018).

Phương tiện thủy tham gia giao thông trên kênh Chợ Gạo (ảnh Phùng Trọng)

Mục tiêu của dự án là nâng cấp, mở rộng chiều sâu luồng chạy tàu, chống xói lở bở từ đó nâng cao ăng lực thông quan kênh; thu hút và thúc đẩy đầu tư công trình hạ tầng đường thủy từ các nguồn ngoài ngân sách, phụ vụ người dân và doanh nghiệp trong vùng và các khu vực lân cận.

Quy mô dự án (giai đoạn 2) đạt tiêu chuẩn kênh cấp II với chiều rộng đáy chạy tàu B=55m, bán kính cong tối thiểu Rmin=300m, độ sâu chạy tàu H=3,1m, độ mở rộng luồng tại đoạn cong B=10m, tĩnh không cầu T=9m.

Về giải pháp kỹ thuật chủ yếu, nạo vét nâng cấp tuyến luồng đảm bảo đội tàu hiện nay cũng như dự báo đến năm 2040 hoạt động an toàn, trong đó loại tàu có chiều rộng lớn nhất là đoàn 2 sà lan 500T ghép đôi hàng ngang; kè thảm đá mái ta luy bờ phía Nam đoạn Chợ Gạo để bảo vệ, bờ phía Bắc kè dạng tường đứng tường góc được đặt trên hệ dầm cọc BTCT; xây dựng đường dân sinh đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại B; dọc tuyến bổ sung xây mới 14 cống thoát nước và 03 cầu BTCT (Bình Phan, Quơn Long và Tân Thuận Bình); lắp đặt hệ thống phao tiêu báo hiệu trên toàn tuyến từ Rạch Lá đến Rạch Hôn.

Về phương thức thu phí, đơn vị tư vấn dự án đề xuất trong 6 tháng đầu sau khi đưa vào vận hành khai thác sẽ không thu phí (giai đoạn thử nghiệm); giai đoạn đầu sau thử nghiệm sẽ thu phí theo phương pháp kết hợp giữa thu phí thủ công và thu phí tự động sử dụng công nghệ (ETC); các năm tiếp theo chủ yếu thu phí sử dụng công nghệ ETC. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 17 năm 10 tháng.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo đơn vị Tư vấn xây dựng phương án tài chính chi tiết, trong đó phân tích, đánh giá mọi tác động liên quan. Mức phí phải phù hợp, không được vượt quá sức chịu đựng của người dân. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại phương án kỹ thuật và các vấn đề liên quan để hoàn thiện báo cáo đầu tư trình Bộ xem xét phê duyệt trước 25/8 để dự án có thể triển khai sớm.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/muc-phi-tuyen-kenh-cho-gao-khong-duoc-vuot-qua-suc-chiu-dung-cua-nguoi-dan/