Mùa Vu lan ở chùa Lâm Quang: Nghẹn ngào trước những người phụ nữ chưa bao giờ làm mẹ

Tôi đến thăm chùa Lâm Quang (301 Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM) vào một ngày giữa tháng 7 âm lịch, giữa mùa Vu lan của những người chưa bao giờ... làm mẹ. Tôi lắng nghe nhịp thở ngắt quãng của tuổi xế chiều như đang có điều gì đó nghèn nghẹn trong cõi lòng những người phụ nữ.

Người ta bảo, với phụ nữ được làm mẹ là một thiên chức, “mang nặng, đẻ đau” là niềm hạnh phúc. Bởi thế, “Mẹ” luôn chiếm một vị trí vững chắc trong tâm thức mỗi đứa con, đặc biệt là trong những ngày tháng Bảy, Vu lan báo hiếu. Thế nhưng, với hơn một trăm người phụ nữ ở chùa Lâm Quang, Vu lan có lẽ chính là giây phút họ chạnh lòng nhất, nghẹn ngào nhất, vì họ... chưa một lần được làm mẹ. Đứa con nào rồi sẽ báo hiếu cho những người kém may mắn ấy ?

Tuổi xế chiều an yên của các cụ bà.

Những đứa “con” xã hội đã lấp đầy khoảng xót xa

Những ngày này con hẻm nhỏ dẫn vào chùa Lâm Quang trở nên nhộn nhịp hơn, tấp nập hơn. Phật tử và các mạnh thường quân mang đồ ăn, nhu yếu phẩm và rất nhiều những thứ khác đến tặng chùa nhiều hơn. Chẳng biết có duyên không, lúc tôi đến cũng là lúc nhóm mạnh thường quân ở Q.7, TP.HCM đến thăm các cụ bà. Nó đúng vào dịp Vu lan, dịp những người con tỏ lòng - báo hiếu.

137 cụ bà được nuôi dưỡng dưới mái chùa này chính là 137 phận đời neo đơn, không chồng, không con. Họ chưa bao giờ được bước lên ngôi vị “thiên chức” của người phụ nữ. Bởi thế, mới thấy xót xa và ngấn lệ thay họ trong những đáp đền này. Và, có lẽ những phần quà nhỏ của các mạnh thường quân đến quá đúng lúc để lấp đầy cho khoảng không xót xa ấy.

Tôi thoáng nghe vài tiếng gọi “con”, “con trai”, “con gái” vang lên đâu đó từ những cụ bà, những người phụ nữ chưa bao giờ làm mẹ. Họ gọi ai thế... gọi những đứa con xã hội, gọi tấm lòng “mạnh thường quân”. Tiếng “con” thân mật bắt đầu vang lên nhiều hơn, ấm áp và trọn vẹn hơn. Có tiếng gọi “con” và có tiếng đáp “dạ” dưới mái chùa an yên này, tôi bỗng thấy lòng nhẹ tênh, cái cảm giác xót xa cho những phận đời cô độc như biến mất, vì... ít nhất, họ vẫn đang có được thật nhiều đứa con mà không phải do mình mang nặng, đẻ đau.

Chị Ngô Bích Tuyền (mạnh thường quân Q.7) tâm sự: “Thật ra cuộc sống không ai đủ đầy cả, mình may mắn có cuộc sống thoải mái, sung túc nên chia sẻ là chuyện cần làm. Dù công việc rất bận nhưng mình vẫn thường xuyên đến chùa thăm các cụ, coi như đây là niềm vui, lúc mình thư giãn. Mẹ mình đã mất cách đây vài năm nên mỗi mùa Vu lan có hơi chạnh lòng, nhưng hạnh phúc hơn là mình đến chùa, mình lại được gọi các cụ là mẹ, có được nhiều người mẹ và được gọi là con nên cảm giác nó sướng lắm. Dù cài hoa trắng vẫn ấm lòng”.

Phút chạnh lòng của những người phụ nữ chưa bao giờ được... làm mẹ.

Những đời giông bão nương náu dưới mái chùa

Cụ bà Từ Thị Đức, một thợ may lão luyện đã rời quê nhà Long An cách đây gần 50 năm đến Sài Gòn bươn chải rồi trú lại dưới không biết bao nhiêu gác trọ, nhà thuê và rồi ở cái tuổi 81 cô độc, bà lại về tựa nương dưới mái chùa. Ngót ngét cũng đã 2 mùa Vu lan người đàn bà không chồng, không con, tụng kinh, niệm

Phật ở chùa Lâm Quang. Thế nhưng với bà Đức, bà mang ơn chùa không chỉ đơn giản bởi chùa đã cho bà một mái nhà, một nơi ở, mà lớn hơn cả, nhiều hơn hết là đưa bà trở về bình thường từ một người bại liệt do chứng tai biến mạch máu não cách đây vài năm.

Những người phụ nữ bất hạnh về nương náu dưới mái chùa Lâm Quang.

Phút chạnh lòng của những người phụ nữ chưa bao giờ được... làm mẹ.

Bà Đức tâm sự, cơ duyên và may mắn đã mang bà đến với chùa Lâm Quang. Trong những ngày u sầu ảm đạm nhất trên giường bệnh, bà vô tình biết đến chùa Lâm Quang qua một người bạn cùng nằm viện. Có lúc nước mắt đã trào ra vì cô đơn, vì không ai chăm sóc, vì những người khác con cái ra vào tấp nập... nâng từng cái gối, xoa từng ngón tay. “Cơ duyên với Lâm Quang bắt đầu từ đây. Người bạn kế bên giường bệnh đã giới thiệu bà vào đây. Ngày mới vào bà không thể đi được, gần như phải nằm một chỗ, ăn uống các thứ phải nhờ các sư cô giúp đỡ. Biết ơn Sư phụ nhiều nhất, nhờ có Sư phụ mà bây giờ bà đi đứng bình thường, sáng niệm phật xong còn đi tập thể dục được. Từ ngày vào đây, thuốc thang mọi thứ Sư phụ đều lo cho hết. Nói thật với cháu, bà chưa bao giờ sống vui sướng như lúc này cả !” - bà Đức hé nụ cười đầy an yên.

Bà Phạm Thị Vinh, một cuộc đời giông bão khác từ đất Nghệ An xa xôi, ngược vào Nam cũng tìm về nương náu tại chùa. Người phụ nữ này có vẻ hơi sợ hãi, lo lắng khi cảm nhận được ai đó đến gần, hỏi chuyện. Nói là “cảm nhận” bởi đã 62 năm qua được sinh ra và tồn tại với đời, bà Vinh chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng. Thứ màu đen u tối của căn bệnh mù bẩm sinh đã cuốn theo một cuộc đời với quá nhiều những biến cố.

Nụ cười cho phút ấm lòng trong ngày Vu lan bởi những phần quà từ các "con" xã hội.

Chẳng thể thấy đôi mắt của người phụ nữ ấy buồn hay vui, nhưng gương mặt thì hằn rõ nỗi lòng ngổn ngang, chất chứa của cả một đời người. Không được nhìn thấy màu sắc của cuộc sống, không chồng, không con, thử hỏi còn điều gì vô vị và bất hạnh hơn thế. Nhưng rồi trước cửa Phật, dưới mái chùa, trước cái tình ấm áp của các sư cô nơi đây, người ta lại hằng ngày được chứng kiến những nụ cười thản nhiên của bà trong suốt gần 3 năm qua, kể từ khi bước vào chùa.

Mùa Vu lan này, bà Đức, bà Vinh và hơn một trăm mảnh đời hạnh ngộ, không chồng, không con sẽ lại được các mạnh thường quân, những người con Phật tử của chùa Lâm Quang “báo hiếu” bằng những phần quà, những suất ăn giàu tình yêu thương và san sẻ. “Với người cô độc thế là ấm áp” một cụ bà thốt lên.

Hơn chục năm tồn tại, cửa chùa Lâm Quang đã chào đón biết bao mảnh đời đến nương náu và cũng đã tiễn đưa hơn 300 con người về bên kia thế giới an nghỉ. Chùa đã tổ chức mai táng và lưu giữ lại tro cốt trong một căn phòng riêng dành cho những người an nghỉ tại chùa. Hương vẫn luôn tỏa trong căn phòng ấy, những người nằm xuống vẫn được ở cạnh nhau dưới mái nhà hội ngộ của phụ nữ lẻ bóng nhưng sẽ chẳng còn cô độc

Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, trụ trì chùa tâm sự “Chùa đã được xây dựng cách đây hơn 10 năm và tổ chức chăm lo, nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn, hoàn cảnh khó khăn từ ngày chùa thành lập. Ở chùa hiện có khoảng 30 người, gồm các sư cô và Phật tử đến làm công quả chăm sóc cho 137 cụ bà.

Chùa không phân biệt người nơi nào, chỉ cần có người giới thiệu đến hoặc chính quyền các địa phương gửi tới là chùa nhận hết. Nhưng đặc biệt vì đây là chùa sư nữ nên chỉ nhận nữ, và quan trọng nhất các cụ phải là những người neo đơn, không con, không chồng, không nhà cửa. Phải có xác nhận của địa phương về hoàn cảnh thì chùa mới nhận vì để bảo đảm thuận lợi cũng như dễ dàng quản lý và chăm sóc tốt cho các cụ”.

Sư cô Huệ Tuyến còn cho biết thêm, ở đây các mạnh thường quân và Phật tử thường mang đồ đến quyên góp. Hằng tháng còn có bác sĩ đến khám bệnh cho các cụ, thuốc men thì có đầy đủ đông - tây y kết hợp.

Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/mua-vu-lan-o-chua-lam-quang-nghen-ngao-truoc-nhung-nguoi-phu-nu-chua-bao-gio-lam-me-d44657.html