Mùa thu Hà Nội

Khó có thể miêu tả gì về mùa thu Hà Nội mà người khác chưa miêu tả. Nói về hoa sữa? Nói rồi. Dùng từ đẹp, hay đặc biệt? Dùng rồi. So sánh mùa thu Hà Nội với một người phụ nữ? So sánh rồi.

Nhiều sự so sánh quá. Lúc đầu tôi định bỏ qua, viết về sao Việt rực rỡ trên thảm đỏ liên hoan phim (“Thật thú vị khi Ngọc Oanh xuất hiện với chiếc váy đỏ!”). Nhưng thật khó khi bỏ qua mùa thu Hà Nội. Thành thật mà nói, tôi không bỏ qua được. Lần đầu tiên tôi sang Hà Nội là tháng 10 năm 2002, vào mùa thu tuyệt đẹp. Tôi tưởng thời tiết của Hà Nội là vậy. Tháng 10, tháng 5, tháng nào cũng thế, mùa nào cũng vậy. Tôi đã ngây thơ. Và như một tình yêu có trong tuổi ngây thơ, cảm giác của tôi dành cho mùa thu Hà Nội lúc ấy đã khai thác nhiều vàng trong trái tim tôi, vàng để lại chất lượng không bằng, khai thác thì vất vả. Có một tác giả tên Nabakov. Tác giả tên Nabakov có tiểu thuyết tên Lolita. Tiểu thuyết tên Lolita có nhân vật chính tên Humbert Humbert, ở tuổi trung niên nhưng phải lòng với một cháu gái 12 tuổi. Là Lolita. Tiểu thuyết được xem là “tác phẩm kinh điển và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong nền văn chương thế kỷ 20” (wiki), được hai lần dựng lại thành phim Hollywood. Humbert Humbert khi còn nhỏ đã yêu một cô bạn gái tên Annabel Leigh. Annabel Leigh khi còn nhỏ rất tuyệt vời. Rồi Annabel đã mất. Trong tiểu thuyết Nabakov không nói rõ, nhưng độc giả có thể hiểu gián tiếp rằng một phần nguyên nhân Humbert Humbert bị ám ảnh với cháu Lolita là vì cái chết đột ngột của Annabel Leigh mấy chục năm trước. Một tình yêu ghi rất sâu vào tim lúc tim còn mềm. Khi tình yêu đó bị xóa mất Humbert Humbert nhất quyết phải ghi lại, cả đời chỉ muốn ghi lại thôi, mà phải dùng đúng loại “bút chì màu” đã dùng để ghi vào lần đầu. Vậy là thêm một sự so sánh. Người ta đã so sánh mùa thu Hà Nội với nhiều thứ khác nhau nhưng tôi chắc chắn rằng chưa ai so sánh mùa thu Hà Nội với Annabel Leigh cháu gái làm ông Humbert Humbert mất bình tĩnh khi gặp cháu Lolita nhiều năm về sau. Có lẽ đó là ví dụ độc đáo về sức mạnh của ấn tượng đầu tiên. Nhưng chọn ví dụ nhẹ nhàng thường không ra chất vấn đề; qua nhân vật Humbert Humbert các bạn có thể hiểu mùa thu Hà Nội năm 2002 có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của tôi. Bây giờ tôi đang ngồi ở quán cà-phê nhìn ra đường Triệu Việt Vương, chất lượng ánh sáng giống hệt tháng 10 năm 2002, bóng mát dưới hàng cây hai bên đường cũng giống. Tôi đang nhớ lại cảm giác những ngày đầu tiên ở Hà Nội. Nhớ lại rất rõ. Và thấy lạ. Đối với một số người, điều làm họ nhớ lại quá khứ là mùi – về quê nhìn lại nhà cũ thấy bình thường, nhưng vào nhà cũ ngửi lại mùi cũ là các kỷ niệm ngày xưa tràn vào đầu óc rồi lại tràn ra theo hình thức là nước mắt. Tôi thì khác. Điều làm tôi nhớ lại quá khứ nhất là chất lượng ánh sáng. Ánh sáng màu gì, đến từ phía nào, bị không khí uốn cong ra sao…đến với mùa thu Triệu Việt Vương năm 2010 tôi rất nhớ cảm giác của tôi vào mùa thu Lò Rèn năm 2002 (buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội tôi ở khách sạn trên đường Lò Rèn). Ánh sáng trên đường, ánh sáng trên bức tường gạch. Ánh sáng thuộc loại “nhìn là thấy nhưng chụp là mất”…Tôi yêu mùa thu Hà Nội ở góc đường Triệu Việt Vương này. Tôi nói tôi yêu. Thật sự là tôi đang nhớ về mùa thu Lò Rèn qua hình ảnh mùa thu Triệu Việt Vương. Tôi hay làm thế. Có khi năm 2011 tôi sẽ viết bài ngồi ở café trên phố Lò Đúc – tuy nhiên những tính từ viết tặng phố Lò Đúc vẫn chỉ là dành cho phố Lò Rèn. Yêu Lò Đúc qua Lò Rèn. Nhưng tôi sẽ không quay về đường Lò Rèn viết bài. Lò Rèn có một kỷ niệm rất đẹp với tôi. Hà Nội đang thay đổi. Tôi sợ quay về Lò Rèn kỷ niệm ấy sẽ hỏng. Với tôi, Lò Rèn đã mất. Joe

Nguồn Dân Trí: http://dantri.com.vn/c135/s702-431849/mua-thu-ha-noi.htm