Mùa thi năm nay, sẽ có thêm bao nhiêu 'hot boy' và 'hot girl' vào đề thi?

Năm học 2015-2016 đang dần khép lại với các cuộc thi liên tục ở những bậc học khác nhau. Để kiểm tra và đánh giá năng lực học sinh, bài thi là một yếu tố quan trọng. Không thể phủ nhận, thời gian qua đã có rất nhiều chuyển động tích cực trong việc ra đề thi.

Ca sĩ Sơn Tùng- MTP bỗng dưng trở thành cảm hứng cho giáo viên ra đề thi

Thế nhưng, tính sáng tạo của các đề thi chỉ thấy rõ nhất ở vấn đề thời sự.

Không chỉ ở những môn khoa học xã hội mà ở những môn khoa học tự nhiên, các đề thi cũng tỏ ra rất hứng thú khi cài cắm vài thông tin đang nóng bỏng ngoài cuộc đời. Tất nhiên, những trường hợp đầu tiên đã được dư luận công khai ủng hộ. Và có lẽ vì vậy, rất nhiều giáo viên xem xu hướng ấy như một trào lưu để theo đuổi.

Chẳng có gì để thấy, những tên tuổi đang được chú ý trên sàn diễn liên tục được đưa vào đề thi như Bà Tưng, Ngọc Trinh, Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm…

Thậm chí, vài nỗi hưng phấn như “Hậu duệ mặt trời” hoặc “Soái ca” cũng xuất hiện trong đề thi. Phải chăng, khi chạm đến những yếu tố có vẻ ăn khách ấy, thì học sinh sẽ làm bài tốt hơn? Chưa có một khảo sát nào chứng minh được kết quả. Trước mắt, chỉ có thể thẳng thắn nói với nhau, cách ra đề này không có gì đáng khuyến khích để bùng nổ trong trường học.

Hậu duệ mặt trời cũng xuất hiện trong đề thi

Thử mở lại hai đề thi gần đây ở Hải Dương và Hải Phòng, nhiều bậc phụ huynh sẽ có chút ái ngại.

Ví dụ một, “Để so sánh độ "hot" của hai thần tượng là ca sĩ Sơn Tùng M-TP và Lệ Rơi trong ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" (ở đây là đánh giá chất lượng giọng của hai ca sĩ) thì theo bạn, ta chủ yếu dựa vào: A. Biên độ; B. Âm sắc; C. Độ to; D. Độ cao".

Ví dụ hai, "Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng - MTP đã bị sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng : A. SO2 , B. Cl2 , C. H2S , D. O3 ".

Ơ hay, tại sao phải cứ nhét Sơn Tùng -MTP và Lệ Rơi vào đề thi như thế này nhỉ? Ở góc độ khác, những học sinh không mấy hứng thú với loại thần tượng tương tự, bỗng hình thành tâm lý hoang mang trước đề thi.

Hiện tượng “hot boy” hay “hot girl” không phải giá trị bền vững trong xã hội. Đưa “hot boy” và “hot girl” vào đề thi cũng không phải cách làm mang tính chuẩn mực sư phạm.

Tiêu chí “độc” và “lạ” trong đề thi không thể chỉ trông cậy vào “hot boy” hay “hot girl” mà phải dựa vào tầm nhìn và thái độ của mỗi giáo viên khi thực sự muốn nắm bắt nghiêm túc đầy đủ thành quả dạy học.

Ngọc Trinh và Bà Tưng cùng xuất hiện trong một đề thi Văn

Nói về quê hương năm tấn Thái Bình, thì bài hát nổi tiếng nhất là “Nắng ấm quê anh” của Vĩnh An, chứ không thể là ca khúc tự biên tự diễn “Thái Bình mồ hôi rơi” của Sơn Tùng - MTP.

Vậy mà, với môn Văn dành cho học sinh lớp 9 ở Trường THPT Diêm Điền (huyện Thái Thụy, Thái Bình) lại ra đề: "Trong bài hát “Thái Bình mồ hôi rơi” của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP có câu hát: "Chạy theo đam mê con sợ quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ…”. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi ra từ trong câu hát". Đây rõ ràng là kiểu đua đòi chạy theo trào lưu của chính giáo viên, chứ không phải của học sinh.

Mùa thi năm nay, sẽ có thêm bao nhiêu “hot boy” và “hot girl” vào đề thi nữa? Câu hỏi ấy không còn mang tính cổ súy, mà là một nỗi băn khoăn.

Tại sao đề thi Văn không liên hệ với những nhân vật trong môn Sử cùng bậc học, như một cách tương hỗ? Hay giáo viên Văn ngoài giờ lên lớp chỉ theo dõi các cuộc thi tìm kiếm ca sĩ thần tượng trên tivi, chứ không hề trau dồi thêm bất cứ lĩnh vực nào khác? Hãy cẩn trọng khi kích hoạt những yếu tố “hot boy” hay “hot girl”, vì không ai lường được hệ lụy từ loại thần tượng như vậy.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/mua-thi-nam-nay-se-co-them-bao-nhieu-hot-boy-va-hot-girl-vao-de-thi-post164504.html