Mua S-300 và đòn gió của Thổ Nhĩ Kỳ

Bất chấp cái giá phải trả nếu mua S-300, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn phát tín hiệu tích cực về thương vụ này. Vậy đâu là mục đích của Ankara?

Mua S-300

Trang defensenews dẫn nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động cho NATO rằng Ankara đang tính đến khả năng mua hệ thống phòng thủ S-300 và việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) theo đề xuất của Nga.

Hồi tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hủy bỏ hồ sơ dự thầu đối với việc sản xuất các linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD trong gói thầu phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia được nước này công bố vào năm 2009.

Hồ sơ dự thầu để mua linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa 4 tỷ USD được Thổ Nhĩ Kỳ công bố năm 2009 và có kết quả chính tức vào tháng 9/2013. Đơn vị thắng thầu được công bố là Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc CPMIEC.

Hệ thống S-300VM.

Tham gia đấu thầu còn có tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Patriot-3 (PAC 3), Tập đoàn Eurosam của Italia với hệ thống SAMP/T Aster-30 và tập đoàn Rosoboronexport của Nga với hệ thống S-300VM Antey 2500.

Tuy nhiên, sau đó trước sức ép của Mỹ và các thành viên khác trong khối NATO, chính quyền Erdogan đã buộc phải hủy bỏ gói thầu này vào tháng 11/2015 và bắt đầu tái triển khai các thủ tục chào thầu.

Vào thời điểm đó, quan hệ Nga-Thổ đang căng thẳng cực độ, Mỹ và châu Âu hào hứng với quyết định này của chính quyền Erdogan và tràn đầy hy vọng thắng thầu. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi khi quan hệ Mosocw-Ankara đang nồng ấm hơn bao giờ hết.

Với thông tin trên, rất có thể Ankara đã nghiêng về hệ thống phòng không Antey 2500 của Nga. Xét về tính năng, hệ thống phòng không Nga vượt trội các sản phẩm của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, lại kèm thêm nhiều ưu đãi về chuyển giao công nghệ nên chiến thắng là xứng đáng.

S-300 là quân bài

Trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua S-300 và xây dựng hệ thống phòng thủ chung với Nga, hãng tin Reuters dẫn nhận định của một số chuyên gia rằng, có thể đây chỉ là đòn gió của Ankara nhằm tăng sức ép lên NATO, Mỹ trong nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến các khoản viện trợ đến từ Nhà trắng.

Bởi trước đó, Mỹ từ chối tăng khoản viện trợ kinh tế cả gói cho Ankara để đổi lấy quyền tiếp cận các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nếu chiến tranh xảy ra.

Theo nguồn tin này, hồi năm 2013, Mỹ đã thẳng thừng tuyên bố với Thổ Nhĩ Kỳ rằng (khoản viện trợ đó) "là tất cả những gì ông có thể được". Washington đã đề nghị với Ankara một khoản 6 tỷ USD không hoàn lại, và 20 tỷ USD tín dụng thông qua các ngân hàng tư nhân.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đòi hỏi 30 tỷ USD với tỷ lệ không hoàn lại lớn hơn nữa. Số tiền 26 tỷ USD do Mỹ đưa ra hiện đã cao hơn rất nhiều so với kế hoạch 14 tỷ ban đầu.

Trong nước, chính phủ Mỹ đang chịu sức ép lớn về thâm hụt ngân sách, và quốc hội Mỹ không muốn nước này lún sâu thêm vì viện trợ. Nếu thương lượng đổ vỡ, quan hệ hai bên sẽ hết thời mặn mà như trước. Mỹ là đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ, từng hai lần trợ giúp nước này trong khủng hoảng kinh tế, và đang vận động để Ankara được gia nhập EU.

Và trong trường hợp Mỹ chấp thuận viện trợ 30 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số yêu sách khác từ Ankara, thì việc mua S-300 của Nga khó có thể thực hiện được dù mối quan hệ Moscow - Ankara đang ngày càng nồng ấm, thông tấn Anh nhận định.

Clip Nga phóng S-400

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/mua-s-300-va-don-gio-cua-tho-nhi-ky-3320794/