Múa rối cạn Ru Nghệ - Nét độc đáo của người Tày

(PL&XH) - Thông thường màn múa rối cạn kéo dài khoảng nửa tiếng. Mở đầu là màn diễn của các nghệ nhân mô phỏng hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như: Cày, cấy, đánh cá... Cuối cùng và cũng là trung tâm của màn rối là biểu diễn Tắc kè leo cây.

Độc đáo múa rối cạn…

Thường thì chúng ta chỉ biết tới nghệ thuật múa rối nước của người Kinh. Tuy vậy, ít ai biết rằng ở làng Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên trước đây vốn được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối cạn. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của dòng chảy lịch sử, nét văn hóa độc đáo ấy của đồng bào dân tộc Tày nơi đây đang dần bị mai một.

Đầu năm 2012, chính quyền cũng như nhân dân địa phương đã nỗ lực trong công cuộc khôi phục và làm sống dậy làng nghề Ru Nghệ truyền thống, góp phần bảo tồn một nét văn hóa độc đáo của đồng bào người Tày.

Tìm về làng Ru Nghệ dưới cái nắng chói chang của tiết trời mùa hè, chúng tôi được các bô lão trong làng kể cho nghe những điều hết sức thú vị về nghệ thuật múa rối cạn Ru Nghệ. Chia sẻ với PV, ông Ma Văn Cười, Trưởng phường múa rối cạn Ru Nghệ cho biết: Đây vốn là một nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở vùng đất này. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống biểu diễn múa rối cạn, tình yêu đối với môn nghệ thuật cổ truyền này đã ăn sâu vào máu thịt của ông từ thuở chăn trâu, cắt cỏ. Nhớ khi xưa, ông từng theo cha mình đặt dấu chân tới nhiều vùng đất khác nhau, mang nghệ thuật múa rối cạn phục vụ nhân dân. Đi tới đâu, đoàn múa rối làng Ru Nghệ cũng được người dân chào đón nồng nhiệt, tình cảm ấm áp.

Thông thường màn múa rối kéo dài khoảng nửa tiếng, mở đầu là màn diễn của các nghệ nhân mô phỏng hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: Cày cấy, đánh cá… Cuối cùng và cũng là trung tâm của màn rối là biểu diễn Tắc kè leo cây. Tích trò kể câu chuyện con Tắc kè, đại diện cho loài vật có khả năng dự báo thời tiết tốt, nên phục vụ rất nhiều cho nghề nông của người dân. Những động tác của các nghệ nhân rất uyển chuyển như: Leo lên, tụt xuống, chạy nhảy vô cùng sinh động và đẹp mắt, mang đến cho người xem sự thích thú.

Múa rối cạn độc đáo là thế, nhưng do sự biến đổi của cuộc sống, nên giờ đây nghề đã bị mai một dần. Những nghệ nhân trong phường múa rối cạn xưa cũng đã phải tạm ngừng hoạt động để trở về với cuộc sống mưu sinh. Trên nét mặt ông Cười, chúng tôi chợt nhận ra một nét buồn khó tả. Không buồn sao được, khi hàng ngày, hàng giờ một nghệ nhân tâm huyết như ông phải chứng kiến đứa con tinh thần của mình đang dần bị hủy hoại và bị lãng quên.

Người dân Ru Nghệ đang chuẩn bị dựng lại tích trò Tắc kè leo cây trong nghệ thuật múa rối cạn.

Bao giờ cho đến ngày xưa…

Trao đổi với PV về công tác phục hồi nghệ thuật múa rối cạn ở làng Ru Nghệ, ông Nguyễn Văn Thụy, cán bộ phòng Văn hóa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Múa rối cạn Ru Nghệ, được xem là một trong những nét văn hóa độc nhất vô nhị của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Định Hóa. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề múa rối cạn đã bị mai một đi rất nhiều.

Trước thực trạng đó, mới đây thực hiện đề án số 579A/ĐA-UBND ngày 27-9-2011 của UBND huyện Định Hóa về Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2011-2015, Phòng Văn hóa huyện đã bắt tay vào nghiên cứu và phục hồi môn nghệ thuật đặc sắc này. Ngày 18-7-2012, Phòng Văn hóa đã kết hợp với nhân dân Ru Nghệ thành lập tổ khôi phục phường rối cạn.

Các thành viên đã tiến hành công việc sưu tầm các lời kể và ý kiến của những nghệ nhân từng hoạt động trong các phường múa rối cạn xưa kia. Từ cơ sở đó, sẽ tiến hành khôi phục lại nghề bằng cách làm lại các con rối, mua đạo cụ và trang phục tới việc đào tạo lớp diễn viên trẻ kế cận, dưới sự giảng dạy của những nghệ nhân đã có kinh nghiệm.

Con rối Pú Cấy nổi tiếng trong nghệ thuật múa rối cạn Ru Nghệ của đồng bào dân tộc Tày.

Trong gần 1 năm trời với nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền lẫn quần chúng nhân dân địa phương, nghệ thuật múa rối cạn Ru Nghệ bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Những buổi giao lưu, biểu diễn giữa các làng được tổ chức thường xuyên và bài bản hơn. Người tới xem và xin học môn nghệ thuật độc đáo này cũng ngày một đông hơn, đủ các độ tuổi, tầng lớp trong xã hội.

Về hướng giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, ông Nguyễn Văn Thụy cho biết, tổ phục hồi sẽ phối hợp chặt chẽ với các phường rối cạn Ru Nghệ, thường xuyên duy trì, tổ chức tập luyện, tổ chức các cuộc biểu diễn liên xã, liên huyện nhằm giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các diễn viên.
Phường rối cạn Ru Nghệ cũng cần tiếp tục sưu tầm, tìm tòi, học hỏi, bổ sung, nâng cao về mọi mặt, đặc biệt là các hoạt động rối cạn mang tính văn hóa, nghệ thuật tổng hợp đậm đà bản sắc dân tộc Tày.

Với những cố gắng trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, chính quyền cùng nhân dân Ru Nghệ đã, đang và sẽ hồi sinh nghệ thuật múa rối cạn Ru Nghệ, vốn từng được xem là một món ăn tinh thần trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày. Hy vọng rồi đây, múa rối cạn sẽ được công chúng ở nhiều nơi đón nhận.

Xuân Thắng - Mai Huyền

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130807101519431p1001c1049/mua-roi-can-ru-nghe-net-doc-dao-cua-nguoi-tay.htm