Mùa 'quay' châu chấu: Vất vả của bố mẹ, kỷ niệm khó quên của tuổi thơ

Theo chân những người 'thợ săn' ở huyện Ứng Hòa trong một buổi đi quay châu chấu, mới thấy người dân Hà Nội còn có những thú vui rất đỗi dân giã.

TIN LIÊN QUAN

Người Hà Nội xuýt xoa trước cái lạnh đầu mùa

Loạt ảnh nói lên cảm xúc của người Hà Nội trong ngày hôm ...

Người Hà Nội và những ngày hè chỉ thở thôi cũng nóng

Người Hà Nội mang tivi ra đường xem EURO

Vào mùa gặt, người dân các vùng ngoại thành Hà Nội lại rộn ràng với đủ đồ nghề để đi bắt thứ đặc sản của đồng ruộng. Hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng có 1 tuổi thơ đuổi bắt cào cào, châu chấu mỗi mùa gặt lúa.

Công việc 'quay' châu chấu bắt đầu từ 16h hàng ngày. Trước tiên hai người thợ săn sẽ cầm hai đầu sợi dây thừng dài khoảng vài chục mét đi từ đầu ruộng đến cuối ruộng để lùa châu chấu trên cả cánh đồng bay tập trung vào một khoảnh ruộng nhỏ và rậm để dễ bắt.

Những túi nilon buộc trên sợi dây khi di chuyển sẽ tạo tiếng động làm lũ châu chấu hoảng sợ và bay theo ý muốn của người săn. Dây túi lùa đến đâu, châu chấu bay như mưa đến đấy.

Đây là một là một con châu chấu cái trưởng thành, các thợ săn lành nghề cho biết đi bắt chấu cũng như đi câu cá, hôm nào may mắn thì bắt được nhiều chấu cái. Châu chấu cái thường to, béo, ngậy và bán được giá hơn so với châu chấu đực, là những con rất nhỏ.

Đồ nghề của cánh 'thợ săn' châu chấu gồm một bộ đèn chiếu sáng được gắn lên đầu, một sợi dây thừng dài vài chục mét, trên dây thừng buộc các túi nilon cách nhau 20 -30cm, một chiếc vợt được thửa riêng, chất liệu nilon, dài gần 2 mét. Để 'quay' châu chấu, ít nhất phải có hai người trở lên.

Cánh thợ săn cũng chia sẻ, đi săn châu chấu cũng phải hiểu về tập tính của chúng. Tập tính của châu chấu là ban ngày thì thường đậu ở đoạn dưới của những gốc rạ và ban đêm châu chấu sẽ leo dần lên ngọn của gốc rạ hoặc ngọn cỏ, lúc này nếu bị đánh động châu chấu sẽ bay rất chậm và thấp.

Vì thế, sau khi đã lùa xong toàn bộ châu chấu, những người thợ săn phải ngồi chờ cho đến khi mặt trời lặn, vì lúc trời tối châu chấu sẽ bay rất chậm và không bay cao, lúc này họ mới dùng những chiếc vợt nilon to rồi cứ thế quét trên khắp khoảnh ruộng.

Việc 'quay' châu chấu tốn rất nhiều sức, vì vậy người thợ săn thường xúc liên tục hết một vạt cỏ là nghỉ lấy sức và thu hoạch sản phẩm chuyển vào bao tải để chuẩn bị cho lần 'quay' tiếp theo.

Những vất vả của họ nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình

Khi thấy bao châu chấu đã hòm hòm, các thợ săn mới trở về nhà sau một buổi thu hoạch, trời cũng đã tối đen.

Ngay sau khi kết thúc buổi 'quay' châu chấu, những người thợ săn chuyển ngay về bán cho thương lái với giá từ 60 đến 80 ngàn đồng/kg.

Xã Lê Thanh (Mỹ Đức) có rất nhiều người làm nghề cấu châu chấu thuê, có những nhà làm thương lái châu chấu có cả chục người làm trong nhà. Công việc của họ là vặt hết cánh của châu chấu.

Trung bình một người cấu được khoảng 5 - 6kg châu chấu/đêm, số tiền kiếm được chỉ từ 30 – 40 ngàn đồng/người.

Một thợ săn châu chấu cho biết, trung bình mỗi buổi anh có thể bắt được từ 8 -10kg châu chấu.

Loài côn trùng gây hại cho lúa này vô tình hoặc hữu ý lại trở thành món đặc sản với mùi vị thơm ngon giòn ngậy, ăn rất vui miệng. Nó cũng gắn với tuổi thơ của rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê, gắn cuộc sống với đồng ruộng.

Công việc của bố mẹ, ông bà vất vả là vậy cũng bởi muốn cho con cháu có tiền ăn học. Mùa châu chấu: Mùa vất vả của bố mẹ nhưng cũng là mùa đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ.

Theo Ánh Ngọc/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/song/ron-rang-mua-quay-chau-chau-cua-nguoi-dan-ngoai-thanh-ha-noi.html