Mùa mía

Tháng mười khi những con chim ngói bay về sà xuống cánh đồng đã gặt vãn, ấy cũng là lúc làng tôi vào mùa thu hoạch mía.

Ảnh minh họa.

Khi màn sương còn giăng đầy, trắng đục cả làng quê, mọi người đã lục tục kéo nhau ra đồng để chặt mía, đem về kho hợp tác xã. Mùa thu hoạch mía, người lớn “vui một” nhưng lớp trẻ con bọn tôi “vui mười”. Bởi nỗi khát khao được một khúc mía ngọt từ tay người lớn dành cho, bọn tôi đã được ấp ủ từ lâu. Dẫu biết mía là “sản phẩm chung của tập thể”, nhưng vì lòng thương con trẻ, nên các cô, các bác cũng xin phép bác bảo vệ đồng “dấm dúi” cho chúng tôi vài ba cây, không quên dặn dò “Nhớ dành vài “lóng” cho em nhỏ ở nhà”. Mùa mía, một số gia đình cũng dắt trâu, dắt bò ra đứng đầu bờ, để “thưởng công” cho chúng sau một năm cày bừa vất vả, bằng những chiếc lá mía còn sót lại ở đỉnh ngọn. Mía quê tôi hàng năm thường phải trải qua hai trận lũ ngâm (trận lũ tiểu mãn tháng năm, trận lũ to tháng tám). Thế nhưng cứ đến tháng mười, những cánh đồng mía vẫn thi nhau trổ cờ lau rất đúng dịp. Tùy theo sự thích ứng của mía với đất, hợp tác xã tôi khoanh vùng thâm canh mía, bằng hai thứ giống khác nhau. Mỗi lần chặt mía xong, dân hối hả thu dọn mía trên đồng. Rồi người thì bỏ vào xe cải tiến đẩy, người lại vác mía lên vai đưa về nhà kho hợp tác xã. Tại đây ban quản lý hợp tác xã đưa toàn bộ số lượng mía thu hoạch mỗi ngày lên bàn cân, ghi chép cẩn thận để chuẩn bị kế hoạch “ép che”. Làng tôi lúc đó có hai con trâu béo kéo cày khỏe, được Hợp tác xã “điều động” phục vụ cho công việc “kéo che”. Công điểm dành cho những người “chủ trâu”, được tính gấp ba lần so với công kéo cày tại ruộng. Mỗi ngày, mỗi con trâu chỉ “kéo che” đúng bốn tiếng đồng hồ, luân phiên nhau cả sáng và chiều. Cứ sau mỗi tiếng đồng hồ được “chủ che “cho nghỉ giải lao mười phút, nhưng con nào con nấy miệng sùi bọt mép. Một nhóm đàn ông gồm ba người, phục vụ cho công việc “ép mía”. Người đưa mía vào miệng che, người ôm bã mía ra sân phơi, người điều khiển trâu kéo và kiểm soát nước mía chảy theo lòng máng. Mỗi thân cây mía cho vào “miệng che” để “che ăn”, đã được rửa nước suối sạch sẽ, rồi nghiền đi nghiền lại bốn đến năm lượt. Khi cả kho mía trở thành “núi bã mía” khô không khốc, đó cũng là lúc trâu và người mới được “xả hơi”. Tôi nhớ mãi những buổi chiều cùng lũ bạn xuống xem mấy ông làm nhiệm vụ “chưng mật” mía. Chiếc lò chưng mật được dựng lên bằng nguyên liệu bùn và rơm, hai cái miệng lò to như cái nong thóc, đủ đặt khít hai chiếc chảo gang khổng lồ. Lửa trong lò đỏ rừng rực. Nước mía tươi dần dần ngả màu vàng cánh kiến. Lửa càng đỏ, chảo mật càng tạo “sóng đào” dập dờn cùng lửa. Mùi mật bay ra thơm lừng. Người nấu mật cầm trên tay một chiếc que, phía đầu que đính một chiếc bao to làm bằng vải màn. Đấy là công cụ “vớt bọt đất”, của người “sắc mật” truyền thống. Để “sắc” được những giọt mật vàng tinh chất như thế, ông chủ nhiệm phải huy động các gia đình đóng góp hàng chục gánh củi. Mùa mía ai cũng vui, vì các gia đình trong làng ai cũng được chia phần. Mật chưng cất xong, trống hợp tác xã lại nổi lên hối hả, rộn ràng. Người xách hũ sành, người xách chai lọ... đến tại sân kho để nhận phần. Có mật mía tháng mười, gia đình nào mang mật mía về cũng nấu ăn thỏa sức một bữa, bằng sản phẩm bánh sắn ngào, bánh khoai ngào... Sau đó để dành để làm nấu chè cúng ông bà tổ tiên trong dịp Tết. Nhiều vùng quê tôi giờ đã không còn trồng mía. Lác đác vài xóm còn trồng, nhưng mùa mía đã không còn chút nào người và cảnh ngày xưa...

Phan Thế Cải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mua-mia-617364.bld