Mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại trên 7.000 tỷ đồng

Ngày 2-12, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ với 18 tỉnh, thành phố ven biển miền Trung, từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Theo báo cáo tại Hội nghị, từ giữa tháng 10-2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng, trong đó đặc biệt là hai đợt mưa lũ vào tháng 10 và đầu tháng 11-2016, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động phối hợp, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hai đợt mưa lũ vừa qua đã làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại,... Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng.

Khắc phục hậu quả trận mưa lũ tháng 10-2016 tại miền Trung. Ảnh: P.V

Trước tình hình thiên tai đặc biệt là bão, mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các cấp, ngành và người dân cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão, mưa lũ để giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Phó Thủ tướng chỉ rõ, trước mắt cần tập trung ứng phó với mưa lũ đang diễn ra tại một số tỉnh miền Trung, có giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra (chú trọng hỗ trợ kịp thời các hộ dân có người bị chết, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ); tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích. Sau vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, các địa phương tiếp tục huy động các lực lượng khôi phục các công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục nhà cửa, sản xuất sớm ổn định đời sống.

* Ngày 2-12, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận đã có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa 24 giờ (tính từ 1 giờ ngày 1-12 đến 1 giờ ngày 2-12) phổ biến 50-80mm; riêng Quảng Nam đến Bình Định có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm. Tình trạng ngập lụt tại các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Minh Long (Quảng Ngãi); An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định) giảm dần. Đề phòng lũ trên các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định.

Phó Thủ tướng lưu ý về lâu dài, cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và cộng đồng; phổ biến kinh nghiệm phòng chống lũ theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đảm bảo đúng kế hoạch được phê duyệt.

Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương sớm đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, phòng hộ; có kế hoạch cụ thể cho việc trồng mới, khoanh nuôi, phát triển và bảo vệ rừng. Hạn chế tối đa việc đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chủ động rà soát lại các công trình, có giải pháp di dân, bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư một cách hợp lý tại khu vực nguy hiểm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề về lũ bão nhằm phòng tránh và ứng phó hiệu quả với bão, mưa lũ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cần xem xét, bổ sung trạm đo mưa, xây dựng các trạm đo mưa cộng đồng, trạm cứu hộ ở các tỉnh miền Trung (đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ), đầu tư phương tiện, trang thiết bị phù hợp với thực tế địa phương, củng cố lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn để xử lý các tình huống phức tạp và chủ động sơ tán dân khi có lũ lớn. Triển khai các giải pháp ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, bao gồm: mở rộng mặt cắt tiêu thoát lũ tại các hệ thống kênh tiêu, cầu, cống không đủ khẩu độ; xử lý chống sạt lở cửa sông ven biển tại các khu đông dân cư, khu kinh tế; phòng, chống sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực miền núi; triển khai chương trình nâng cấp đê điều, hồ đập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

B.Thùy – T.Trung

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_158594_mua-lu-o-mie-n-trung-gay-thie-t-ha-i-tren-7000-ty-.aspx