Mưa, lũ, lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Đó là nội dung cảnh báo đáng chú ý trong bản tin phát lúc 2g30 ngày 15-10 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương. Theo đó, dự báo trong 6 giờ tới, ở Quảng Bình và Hà Tĩnh tiếp tục có mưa rất to với tổng lượng mưa khoảng 50-150mm, có nơi trên 150mm.

Sáng nay 15-10, lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 9,4m, trên BĐ3 2,9m, tương đương lũ lịch sử năm 2007; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 3,6m, trên BĐ3 0,9m, tương đương lũ lịch sử năm 1979.

Đến trưa nay 15-10, mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ lên mức 16,5m, trên BĐ3 3,0m, tương đương lũ lịch sử năm 2010; tại Hòa Duyệt: 11,0m, trên BĐ3 0,5m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 13,0m, ở mức BĐ3; Sông Gianh tại Mai Hóa ở mức 9,2m, trên BĐ3 2,7m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức 3,4m, trên BĐ3 0,7m; Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 3,4m, dưới BĐ2 0,6m.

Trước đó, trong hai ngày 13 và 14/10, trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung đã có mưa to đến rất to, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, giao thông bị ách tắc, nhiều nơi bị cô lập.

Ở Quảng Bình, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300 mm, một số nơi lớn hơn 300 mm như: Minh Hóa 317mm, Trường Sơn 358mm, Mai Hóa 443mm. Nước trên các sông lên rất nhanh. Trên sông Gianh tại Mai Hóa tối 14/10, có khả năng đạt 6 m, dưới BĐIII

Hiện các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12 A, tỉnh lộ 2… nước lũ đã dâng cao gây chia cắt cục bộ một số nơi. Tại Km 912+500 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn qua xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, nước lũ đã ngập và chia cắt hơn 3km, toàn bộ các phương tiện đều không thể lưu thông.

3 bản đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa và toàn bộ xã Tân Hóa đã bị chia cắt, cô lập do những tuyến đường vào xã ngập sâu. Ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, ở thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa) trong lúc đi chăn bò đã bị nước lũ cuối trôi, hiện các cơ quan chức năng ở Minh Hóa đang tổ chức lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân.

Đường sắt Bắc - Nam bị cô lập do mưa ngập tại Quảng Bình (Ảnh: Thiện Lương)

Tại các xã Sen Thủy (Lệ Thủy), Võ Ninh (Quảng Ninh), Vạn Trạch (Bố Trạch) vào sáng 14/10 đã xảy ra lốc xoáy làm 3 người bị thương nhẹ, làm tốc mái trường mầm non Võ Ninh và gần 50 nhà dân. Lốc xoáy cũng đã làm 4 cột điện bị đổ, nhiều tài sản của dân như tủ lạnh, ti vi... hư hỏng nặng, nhiều diện tích hoa màu và cây cối bị gãy đổ, hư hại.

Tại trung tâm thành phố Đồng Hới, mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường nội thành như Hữu Nghị, Trần Quang Khải, Lý Thường Kiệt... khiến giao thông tê liệt. Nhiều xe máy và ô tô đã bị chết máy giữa đường, phải gọi xe cứu hộ.

Cho đến cuối ngày 14/10, ở Quảng Bình trời vẫn tiếp tục mưa to, nước các sông đang lên và có khả năng gây ra lũ lớn.

Quảng Trị: Lốc xoáy làm tốc mái gần 200 ngôi nhà

Sáng 14/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các địa phương tại tỉnh Quảng Trị xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc xoáy. Gần 200 ngôi nhà ở 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng bị tốc mái. Mưa lớn trên diện rộng suốt từ đêm 13 đến sáng 14/10 đã gây ngập úng cục bộ nhiều nơi trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh. Tại huyện Đắkrông, có đến 10 điểm sạt lở trên Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh, tuy không gây ách tắc giao thông nhưng rất nguy hiểm cho người đi lại.

Mưa lớn đã làm nhiều cầu tràn tuyến đường Tà Rụt-AVao, cầu tràn Ba Lòng, cầu tràn Ba Nang và đoạn qua thủy điện Đắkrông 1, Đắkrông 3 bị ngập cục bộ. Một ngôi nhà ở xã Ba Nang bị vùi lấp do sạt lở, 3 ngôi nhà khác ngập từ 0,5-1 m. Tại huyện Hướng Hóa, tuyến đường vùng Lìa có một số điểm bị ngập. Nước sông Sêpôn đang lên, nếu mưa kéo dài đến tối 14 sẽ khiến nhiều tuyến đường vào vùng Lìa bị tắc, những nhà dân dọc sông Sêpôn có khả năng bị ngập nên huyện đang lên phương án di dời.

Theo Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Nguyễn Thị Triều Thương, có 80 nhà bị tốc mái ở các xã Triệu Đại, Triệu Phước, Triệu Lăng, trong đó có 20 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Ba người bị thương đã được đưa đi sơ cứu, trong đó có một người bị ngói rơi trúng mặt. Một số trường học ở xã Triệu Hòa bị hư hỏng. Cây cao su ở 2 xã Triệu Thượng, Triệu Ái bị gãy đổ khá nhiều, hệ thống cột điện, cột viễn thông bị xiêu vẹo, bị mất điện cục bộ. Một số tàu thuyền nhỏ được ngư dân đưa vào bờ, nhưng gió lớn làm hư hỏng 5 tàu.

Huyện Hải Lăng, nơi lốc xoáy quét qua trên diện tích rộng có khoảng 100 ngôi nhà bị tốc mái; một số diện tích trồng ném và trồng cỏ chăn nuôi là sinh kế của bà con vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa đang bị ngập nặng. Tại huyện Vĩnh Linh, lốc xoáy xảy ra ở 3 xã Vĩnh Thái, Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp khiến 15 nhà ở của người dân bị tốc mái, hư hại. 70 ha diện tích cây hàng năm bị hư hại, đổ gãy. Lốc xoáy cũng gây ảnh hưởng đến 20ha cây hồ tiêu của người dân.

Đường Hồ Chí Minh tiếp tục ngập sâu (Ảnh: Thiện Lương).

TT-Huế: Hai người chết và mất tích, gần 100 nhà dân hư hại

Trận áp thấp nhiệt đới gây mưa to, gió lớn quét qua tỉnh TT-Huế vào đêm 13 rạng sáng 14/10 đã gây thiệt hại nặng nề về người, cùng nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình cây xanh đường phố, đê kè sông.

Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh TT-Huế tính đến chiều tối 14/10, toàn tỉnh có gần 100 ngôi nhà dân bị sập và tốc mái do áp thấp, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền. Gió mạnh, mưa lớn còn làm 1 người chết và 1 người mất tích. Cả 2 nạn nhân đều trú tại các xã ven biển huyện Phú Vang.

Sạt lở tại 11 vị trí, đường sắt Bắc - Nam tê liệt

Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho hay, tính đến 19 giờ ngày 14/10, do mưa lớn trên diện rộng, tổng số điểm sạt lở của đường sắt qua địa bàn Quảng Bình đã tăng lên 11 điểm, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc Nam. Các điểm sạt lở nằm giữa ga Ngọc Lâm và La Khê. Hệ thống ray trong ga Đồng Hới cũng bị ngập hoàn toàn. Tính đến tối 14/10, có 10 đoàn tàu khách và 12 đoàn tàu hàng đang trên hành trình phải dừng lại ở các ga. Các đoàn tàu chạy thông tuyến Bắc – Nam tại Hà Nội và TP HCM đều bị hoãn.

Quảng Bình ngập sâu, 3 người chết và mất tích, nhiều người bị thương

Đến tối 14/10, tỉnh Quảng Bình có thêm hai người chết trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Lãnh đạo xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh xác nhận vào khoảng 15 giờ ngày 14/10, tại hồ chứa thôn Trúc Ly (xã Võ Ninh) bà Nguyễn Thị Lài, sinh năm 1969 cùng chồng là ông Trần Công Tuần chèo thuyền đi thả lưới.

Đêm 14/10, Quảng Bình mưa lớn vẫn tiếp diễn, nhiều người bị thương, giao thông gặp khó khăn, các đoạn đường trong thành phố Đồng Hới vẫn ngập sâu. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi khác của bà con bị mưa lớn cuốn trôi. Các bản làng như Rục (huyện Minh Hóa), Cờ Đỏ, Chăm Pu, Aki, Cà Ròng... địa bàn Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) bị chia tách, cô lập hoàn toàn.

Nước đầu nguồn dâng cao làm ngập hàng nghìn ngôi nhà của dân; trong đó có hơn 200 nhà ở xã Cao Quảng và xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), 45 nhà ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), hơn 20 nhà ở các xã Phù Hóa, Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch); thị trấn Ba Đồn có 600 ngôi nhà bị ngập từ 0,8-2m, 100 nhà tại thôn Biểu Lệ và xã Quảng Minh bị cô lập hoàn toàn.

Tại Quảng Trị, tính đến 20 giờ 30 phút ngày 14/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đã có trên 450 nhà dân bị tốc mái và nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp, lâm nghiệp bị đổ ngã, vật nuôi bị chết...

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lốc xoáy khiến hơn 450 nhà dân tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, thị xã Quảng Trị... bị tốc mái, trong đó, có 55 nhà bị tốc mái nặng và đổ sập, còn lại hư hỏng một phần. Hiện do mưa lớn kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên các con sông như: Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải... đang lên nhanh, đạt đỉnh.

Thu Hương(T/h)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/thoi-tiet/mua-lu-loc-xoay-gay-thiet-hai-nang-ne-o-mien-trung-d101453.html