Mùa lũ, lại cắt điện luân phiên

(LĐ) - Do hệ thống giảm sản lượng thủy điện do thiếu nước, một số nguồn nhiệt điện than gặp sự cố chưa hoạt động trở lại và nhiệt điện khí bị thiếu hụt do ngừng sửa chữa giàn nén khí Phú Mỹ, nên thời gian qua, ngành điện đã lại tiết giảm phụ tải do cung không đủ cầu.

Căng như mùa khô Tình trạng thiếu điện đã được EVN xác nhận do trong nửa đầu tháng 9, tổng công suất phát các nguồn điện không đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải điện. Trong tuần từ 10-16.9, công suất khả dụng ngày thấp nhất chỉ đạt 14.700MW, trong khi công suất khả dụng của hệ thống khoảng 15.500-16.000MW. Dù phụ tải điện đã không còn quá căng thẳng như trong mùa nắng nóng vì thời tiết đã dịu mát, theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hiện sản lượng điện trung bình ngày giữa tháng 9 chỉ khoảng 286,6 triệu kWh/ngày, trong đó sản lượng điện tiêu thụ của hệ thống điện miền Bắc giảm mạnh nhất, đạt trung bình 113,7 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, do việc bảo dưỡng Trạm khí Phú Mỹ 2.1 từ ngày 11-14.9 buộc phải ngừng cấp khí cho Nhà máy điện Phú Mỹ từ ngày 11- 12.9 và cấp 50% lượng khí tối đa từ ngày 12-14.9; đồng thời ngừng toàn bộ Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (công suất 740MW) để bảo dưỡng sửa chữa định kỳ đã khiến công suất phát của các nhà máy điện tuabin khí sụt giảm thấp. Để đảm bảo an ninh hệ thống điện, A0 đã phải tiến hành sa thải phụ tải với mức rất lớn, từ 2.430MW đến 3.140MW, khoảng 1/5 công suất khả dụng. Trong lúc này, thì diễn biến thủy văn các hồ thủy điện đặc biệt đáng lo ngại. Hiện lưu lượng nước về hồ Hòa Bình thấp nhất kỷ lục so với trung bình nhiều năm, từ đầu năm đến nay chỉ có duy nhất một đợt lũ về hồ với lưu lượng 4.700m3/s, hụt 18,3 tỉ mét khối nước so với cùng kỳ các năm. Đáng ngại nhất là khu vực miền Trung, lưu lượng nước về hầu hết các hồ thủy điện chính đều sụt giảm nghiêm trọng, trong đó nước về hồ Ialy giảm mạnh nhất (giảm 97,3m3/s); hồ thủy điện Sông Ba Hạ, nước về chỉ đạt 8% so với cùng kỳ 2009. Đặc biệt, nước về các hồ thủy điện miền Nam tiếp tục đạt mức rất thấp, từ 20% (hồ Hàm Thuận và Trị An) đến 36% (hồ Đại Ninh), khiến mực nước hồ chứa chỉ dao động quanh mực nước chết (mực nước hồ chứa Trị An, Hàm Thuận, Đại Ninh chỉ cao hơn mực nước chết lần lượt là 0,4m và 0,2m). Trong khi các hồ vẫn phải tuân thủ lệnh huy động theo yêu cầu của hệ thống với tỉ trọng thủy điện hiện chiếm 39,2% sản lượng điện. Với các nhà máy điện chạy than, tình hình cũng không mấy sáng sủa do một số nhà máy vẫn bị sự cố phải ngừng hoạt động. Cụ thể là nhà máy Hải Phòng (tổ máy 1 - công suất 300MW), Quảng Ninh (tổ máy 1 và 2 - công suất 600MW), Cao Ngạn (tổ máy 1 - 57,5MW), Sơn Động (tổ máy 1 - 110MW). Ngoài ra, một số tổ máy đã tách ra để bảo dưỡng, sửa chữa như Phú Mỹ 3, Phả Lại 1, NĐ Ninh Bình (tổ máy 3 và 4), Uông Bí 1, Hiệp Phước. Tổng công suất các tổ máy phát điện bị sự cố, buộc phải tách ra sửa chữa lên đến 2.242MW, có ngày (11.9), tổng công suất các nguồn điện bị sự cố và tách ra sửa chữa lớn nhất, tới 3.418MW. Tương đương sản lượng điện không cung cấp được từ các nhà máy điện trên ước tính khoảng 43 đến 66,3 triệu kWh/ngày. Chưa có thuốc chữa? Tình trạng thiếu điện kinh niên của ngành điện dường như không có lời giải trong bối cảnh hiện nay. Bởi muốn huy động được nguồn điện theo Quy hoạch điện IV thì khâu chuẩn bị phải được thực hiện từ trước đó 5-7 năm, chưa kể hầu hết các nguồn điện theo quy hoạch đều đang bị chậm tiến độ đi vào hoạt động. Hiện nay, trong cơ cấu nguồn điện, thủy điện từ chỗ chiếm tới trên 50% nguồn phát đã giảm xuống còn 39,2%, tiếp đến là nhiệt điện khí 37%, nhiệt điện than chiếm 13,3%, turbin khí chạy dầu 0,8%, thủy điện nhỏ chiếm 3,4% và điện nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 6,3% tổng sản lượng điện toàn hệ thống. Ngoài ra, còn có nhiệt điện chạy dầu do giá thành cao đã ít được huy động. Như vậy, cơ cấu nguồn điện đã theo hướng giảm dần tỉ trọng thủy điện, tăng tỉ trọng nhiệt điện than, khí và các dạng năng lượng khác. Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, với cơ cấu nguồn điện hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than, khí và thủy điện đều đã được huy động tối đa. Tuy nhiên, tổng sản lượng điện phát của các nhà máy điện than phụ thuộc vào các nguồn điện than hoạt động ổn định. Các nhà máy thủy điện được huy động tối đa theo khả năng phát điện của các tổ máy tương ứng với tình hình thủy văn hồ chứa. Trong cân đối cung cầu điện giai đoạn tới, thủy điện đã khai thác hầu hết các dòng sông, chỉ còn thủy điện Lai Châu là lớn. Các nhà máy nhiệt điện than đang trông thấy sẽ rất khó khăn về nhiên liệu, ngành than cũng dự báo đến năm 2015, VN buộc phải NK than. Các dạng năng lượng khác là khí, là dầu cũng đòi hỏi giá đầu vào cao, bài toán cân đối nhiên liệu để đầu tư các dự án điện xem ra không dễ tìm lời giải và vượt quá khả năng đáp ứng của EVN. Hồng Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/mua-lu-lai-cat-dien-luan-phien/14402