Mưa, lũ gây nhiều thiệt hại ở Quảng Ngãi, Bình Định

Mưa to đến rất to đã gây nhập lụt nhiều khu dân cư và gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Hiện chính quyền và lực lượng chức năng địa phương đang chỉ đạo công tác hỗ trợ nhân dân.

Nước sông Vệ vẫn rất cao. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Mộ Đức, Đức Phổ có mưa to đến rất to.

Mưa lớn đã khiến mực nước sông Vệ và sông Trà Câu lên trên mức báo động 3; sông Trà Bồng và sông Trà Khúc trên mức báo động 2. Mực nước các sông lên cao đã gây ngập lụt cục bộ ở một số khu dân cư vũng trũng thuộc huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa nằm ven sông Vệ.

Tại huyện Tư Nghĩa có 135 hộ dân ở xã Nghĩa Mỹ, thị trấn Sông Vệ bị ngập. Huyện Nghĩa Hành có 325 hộ dân bị ngập.

Về nông nghiệp, hơn 2 ha lúa mới gieo sạ bị nước cuốn trôi; 462,8 ha rau màu bị thiệt hại; 250 ha cây trồng bị hư hỏng. Ngoài ra, 2 đập thủy lợi, 15.950 m kênh bị hư hỏng; 15.000m đường giao thông nông thôn bị sạt lở… Đến thời điểm này (ngày 1/12), mưa lũ đã làm 1 người dân (ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) mất tích.

Hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các huyện, thành phố, đặc biệt các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ tiếp tục thực hiện phương án di dời, sơ tán dân; chủ động theo dõi chặt chẽ việc xả lũ hồ chứa nước Núi Ngang (huyện Ba Tơ) có khả năng gây ảnh hưởng đến các khu vực dân cư vùng hạ du; thông báo thường xuyên đến các khu vực dân cư vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng để người dân biết, chủ động phòng chống.

Lực lượng chức năng huyện Hoài Ân đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Bình Định

Tại Bình Định, ngày 1/12, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to trên diện rộng, nhất là khu vực đầu nguồn. Lũ trên các sông xuất hiện ở mức từ báo động 1 đến dưới báo động 3.

Ở huyện An Lão, mưa lũ đã làm 300 hộ dân vùng trũng thấp, ven sông suối bị ngập từ 1-1,5 m. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị đất đá từ trên núi đổ xuống, gây ách tắc giao thông…

Mưa to đến rất to trên địa bàn huyện Hoài Ân đã làm 5 xã cánh Bắc bị ngập sâu, giao thông ở các địa phương này bị chia cắt hoàn toàn. Theo tổng hợp đến chiều ngày 1/12, toàn huyện có 2.352 nhà bị ngập; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đường xá bị hư hỏng, sạt lở.

Tại huyện Hoài Nhơn, nhiều khu vực ở các xã khu Đông bị ngập trong nước lũ; ở các xã Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Sơn có 4.576 hộ dân bị nước lũ cô lập. Mưa lớn gây lũ cũng làm cho 450 nhà dân ở huyện Phù Cát bị ngập nước; đường giao thông, kênh mương sạt lở; 3.446 ha lúa sạ và 505 ha ớt đã bị ngập úng…

Còn tại TP. Quy Nhơn, từ trưa 1/12, lũ trên sông Hà Thanh đổ về gây ngập lụt các khu dân cư ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu (TP. Quy Nhơn). Các tuyến đường bê tông nông thôn bị ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1 m.

Trước tình hình mưa lũ lớn, ngày 1/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã đi kiểm tra việc ứng phó mưa lũ tại huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Hoài Ân.

Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo Sở NN&PTNT tiến hành điều tiết hồ Định Bình xuống sông Côn khoảng 900 m3/giây qua cửa tràn và 3 giờ điều tiết 1 lần, đồng thời cử lực lượng túc trực tại hồ 24/24 giờ để theo dõi lượng mưa, lưu lượng nước đến, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh sau đó chủ trì cuộc họp yêu cầu các doanh nghiệp có công trình thủy điện bỏ kinh phí để đầu tư nâng cấp tuyến đường nói trên như đã cam kết. Các địa phương nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình có người bị chết, bị thương do mưa lũ; đồng thời, triển khai cấp bách và đồng bộ các biện pháp ứng phó với mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Lưu Nguyên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/mua-lu-gay-nhieu-thiet-hai-o-quang-ngai-binh-dinh/293133.vgp