Mưa lũ chia cắt, tàn phá miền Trung

Dòng nước xiết ở thượng nguồn A Lưới, ngày 3-11.

(Cadn.com.vn) - Mưa lũ diễn biến phức tạp những ngày qua khiến nhiều khu vực bị cô lập, khiến hàng nghìn người dân ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên bị nước lũ bao vây; cuộc sống, đi lại vô cùng khó khăn, cực nhọc.

HƠN 1.350 ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ BỊ CÔ LẬP

Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (H.A Lưới, TT-Huế) A Viết Minh chiều 3-11 cho biết, qua nắm thông tin từ Trường cấp 2, 3 Hương Lâm (H.A Lưới), thì thời điểm này, 100% học sinh của Đông Sơn vẫn chưa thể đến trường sau khi cầu A Sáp bị sập. Trước đó, do mưa lớn trong 3 ngày liên tiếp tại huyện miền núi A Lưới nên ngày 2-11, cầu A Sáp bắt qua sông A Sáp bị gãy khoảng 15m. Đây là cây cầu rẽ từ đường Hồ Chí Minh vào xã Đông Sơn- nơi có 345 hộ dân đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, với hơn 1.350 nhân khẩu sinh sống. Cầu A Sáp bị gãy một nửa nước, giờ nước lũ cũng hạ dần đến bề mặt cầu. Để đảm báo tính mạng an toàn cho người dân, xã Đông Sơn hiện đã cắm biển báo và giăng dây hai bên đầu cầu để cấm người dân đi lại cây cầu này.

Theo ông A Viết Minh, cầu A Sáp lâu nay hàng trăm hộ dân Đông Sơn đi lại mỗi ngày. Tuy nhiên, khi cây cầu này bị gãy, người dân muốn đi ra ngoài xã thì phải đi đường mòn với quãng đường dài gấp khoảng 3 lần. “Đối với các em học sinh đi học xe đạp thì giờ không thể đi bằng con đường này được. Bởi vì đất đá lởm chởm, đường gồ ghề, nhất là trời mưa rất nguy hiểm mà quãng đường lại rất xa. Một số em học sinh cũng rất muốn đi học nhưng do điều kiện đi lại không được nên các em đành tạm nghỉ học”- ông A Viết Minh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Giang - Trưởng thôn Cà Vá cho biết: Từ khi cầu A Sáp bị gãy đổ, nhiều người dân ở xã Đông Sơn không thể đi lại được, việc học hành của con em cũng bị gián đoạn. Một số nông dân muốn đem nông sản ra chợ trung tâm bán cũng đành chịu. Theo ông Giang, hiện, bà con trong thôn đã tạm trữ được gạo, mỳ tôm và một số nhu yếu phẩm khác. Trước đó, UBND H.A Lưới cũng đã cấp phát hàng chục tấn gạo và hàng ngàn thùng mỳ tôm, muối cho một số xã trên địa bàn huyện có nguy cơ bị cô lập.

Trao đổi với P.V chiều 3-11, thầy Lê Văn Hòa- Hiệu trưởng Trường THPT Hương Lâm xác nhận, trong 2 ngày nay, trường không tổ chức dạy vì học sinh rất ít nên chỉ tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Theo thầy Hòa, sau khi có công văn của Sở GD- ĐT tỉnh TT-Huế, từ ngày 1-11, khi trời ở A Lưới mưa to, trường này đã cho các em học sinh nghỉ học. Và, đáng nói. khi cầu A Sáp sập thì học sinh ở xã Đông Sơn hoàn toàn bị cô lập. “Trường có 300 em học sinh thì có khoảng 1/3 là học sinh ở xã Đông Lâm. Hiện, các em chỉ có con đường duy nhất đến trường đó là đường quốc phòng nối với xã Hương Lâm; tuy nhiên con đường này đi lại rất nguy hiểm, có đoạn đập tràn bị đứt gãy nên nhà trường chưa biết khi nào học sinh mới trở lại trường”- thầy Hòa chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Đông Sơn A Viết Minh khẳng định, dự kiến, khoảng 2-3 ngày nữa, khi nước rút dần, chính quyền xã sẽ phối hợp với người dân xã Đông Sơn sử dụng cây cột dựng lại cây cầu tạm bắc qua sông A Sáp để trước mắt tạo điều kiện cho bà con đi lại. Cây cầu tạm này sẽ nằm song song cây cầu A Sáp bị sập. “Còn về lâu dài, xã mong muốn cấp trên xem xét và cho tu sửa hoặc xây mới lại cây cầu A Sáp để giao thông đi lại của người dân được an tâm, cuộc sống bà con được ổn định”- ông Minh mong muốn.

Ông Hồ Xuân Trăng- Bí thư Huyện ủy A Lưới cho biết, tình trạng sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đến sáng 3-11 đã cơ bản thông tuyến. Riêng, một số điểm trên đèo Pê Ke (xã Hồng Thủy) vẫn còn bị sạt lở nhưng các phương tiện vẫn lưu thông được. Trong chiều 3-11, trời mưa ở A Lưới đã giảm dần; tuy nhiên nước ở thượng nguồn vẫn chảy xiết. Theo ông Trăng, đến chiều 3-11, Nhà máy thủy điện A Roàng đóng ở A. Roàng (H. A Lưới) vẫn chưa thể phát điện do rạng sáng 2-11, mưa lớn gây sạt lở ta-luy dương, đất đá tràn vào nhà máy. Hàng chục công nhân cùng lực lượng BĐBP tỉnh TT-Huế và nhiều phương tiện máy móc được điều động, nỗ lực khắc phục trong 2 ngày nay nhưng hiện vẫn chưa xong.

Lực lượng biên phòng giúp Nhà máy thủy điện A Roàng (A Lưới, TT-Huế) khắc phục sạt lở.

NAM TRÀ MY BỊ CHIA CẮT HOÀN TOÀN

Trong đợt mưa lũ những ngày qua, hai huyện miền núi của Quảng Nam là Bắc Trà My và Nam Trà My là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt, giao thông đi lại qua địa bàn H. Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn. Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND H. Nam Trà My nhận định: “Nam Trà My có thể cô lập không chỉ một tuần mà có thể kéo dài hơn nữa”.

Tại H. Nam Trà My, trên tuyến QL40B có đến hơn 10 vị trí sạt lở. Nhiều điểm không chỉ có đất đá đổ xuống đường mà cả đoạn đường bị sụt lún, cuốn trôi. Riêng điểm sạt lở tại khu vực thác 5 tầng (thuộc km95 trên tuyến QL40B) với khoảng 10.000m3 đất đá cùng cây cối ngã đổ gây đứt gẫy hơn 20m nền đường nhựa. Ngoài thiệt hại về giao thông, mưa lũ cũng khiến cho các mạng di động VinaPhone, MobiFone tại đây bị tê liệt; công trình nước sinh hoạt cho khu trung tâm hành chính Tắc Pỏ hư hỏng hoàn toàn; nhiều diện tích hoa màu và công trình thủy lợi của người dân bị cuốn trôi, hoạt động giao thương qua địa phương này bị cô lập hoàn toàn.

Đất đá sạt lở đổ xuống nhà ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 1, Trà Mai, H. Nam Trà My, Quảng Nam).

Sạt lở nghiêm trọng trên QL14B qua địa phận Quảng Nam.

Đặc biệt, một khối lượng đất đá từ đồi núi phía sau nhà đổ ập vào nhà ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 1, Trà Mai, H. Nam Trà My) khiến khu nhà dưới sập đổ hoàn toàn. Rất may lúc này, gia đình ông Hùng đang ở phía sau vườn nên không ai bị ảnh hưởng. Trưa 3-11, khi chúng tôi tiếp cận đến nhà ông Hùng, dù đã được đơn vị thi công đường đưa xe cơ giới đến múc đất ra, tuy nhiên phía trong nhà ông Hùng vẫn còn ngổn ngang đất đá, gạch ngói. “Thời điểm đó, do mưa lớn nên ao cá phía sau vườn bị nước cuốn trôi. Thấy vậy gia đình tập trung ra đó để bắt cá thì bất ngờ quả đồi sát nhà bị sạt lở, hàng chục khối đất đá đổ ập vào nhà dưới. Hậu quả công trình phụ, nhà bếp, nhà vệ sinh và tường nhà trên hư đổ hoàn toàn”- ông Hùng kể lại.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My Hồ cho biết: Tất cả 10 xã trên địa bàn huyện đã xây dựng kho dự trữ gạo cứu đói do T.Ư hỗ trợ và sẵn sàng xuất kho khi có yêu cầu. Đối với 43 thôn của 10 xã đều có kho thóc nhân đạo, 243 khu dân cư đều có kho thóc tình thương đang dự trữ hàng chục tấn lương thực để cứu đói. Hiện tại, hơn 98% diện tích lúa, hoa màu đã được nhân dân thu hoạch và đưa về làng dự trữ. Bên cạnh đó, trước mùa mưa lũ, huyện chỉ đạo các ngành chức năng ký kết với các chủ hộ kinh doanh tại trung tâm huyện dự trữ gạo và nhu yếu phẩm nhằm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tại H. Bắc Trà My, đến chiều ngày 3-11, mưa lũ đã gây xói lở nhiều vị trí nền mặt đường trên tuyến QL40B đoạn qua xã Trà Giác. Cũng tại xã Trà Giác có 2 nhà dân bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 10 nhà có nguy cơ sạt lở, 2 con bò của người dân bị cuốn trôi. Có mặt tiếp cận tại khu vực thôn 5, xã Trà Giác trưa ngày 3-11, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng ghi nhận hiện tượng xói lở kinh hoàng tại đây. Tại hiện trường, chiếc cầu bản có chiều dài khoảng 10 mét bị nước lũ làm đứt gẫy hoàn toàn. Để cho phương tiện xe máy tạm thời lưu thông qua lại, chính quyền địa phương và người dân đóng những thang gỗ tạm bắt qua những đoạn đường xói lở để người dân có thể dắt xe máy qua. Cạnh đó, nước lũ cũng gây sạt lở đất và hiện tượng xói lở lấn sát uy hiếp 4 hộ dân. Anh Nguyễn Hoàng Sa, một hộ dân có nhà bị sạt lở ở khu vực này cho biết: “Nước lũ ập về chiều ngày 1-11 với cường độ rất lớn. Chỉ trong chốc lát, đất đá trong vườn bị nước cuốn trôi theo dòng chảy. Hiện sạt lở đã đến sát nhà bếp, nếu những ngày tới mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nhà tôi có nguy cơ bị lũ cuốn trôi”.

Hải Lan – Trần Tân

Giải cứu thành công tàu Đna 0494 sau 50 giờ gặp nạn

Thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng ĐBP Mỹ Thủy (BĐBP Quảng Trị) phấn khởi cho biết vào 9 giờ 15 ngày 3 – 11, tàu Vùng Cảnh sát biển 2 vượt qua hải trình gian nan, sóng lớn đã đến biển Mỹ Thủy, xã Hải An (H. Hải Lăng) và tiếp cận cứu hộ tàu Đna 0494 do ông Nguyễn Dũng (1964, trú An Hải Tây, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) làm chủ. Như chúng tôi đã thông tin, tàu Đna 0494 dắt xà lan từ Nam Định vào đến vùng biển Hải Khê, H. Hải Lăng thì chết máy, sự cố không khắc phục được, cách bờ gần 4 hải lý. Lúc đó là sáng sớm ngày 1–11, trên tàu có thuyền trưởng Nguyễn Văn Thành và 2 thuyền viên đã nhanh chóng phát tín hiệu cứu hộ. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị và lực lượng BĐBP tìm các biện pháp ứng cứu nhưng thiếu phương tiện có khả năng tiếp cận do sóng cấp 7, cao trên 3m. Trước tình hình này, các thuyền viên trên tàu Đna 0494 cũng đã phải cắt rời xà lan. Đặc biệt vào sáng 2 – 11, tàu đứt neo, trôi dạt, nguy hiểm đến tính mạng thuyền viên.

Kể từ khi tàu gặp nạn, ĐBP Mỹ Thủy và thuyền viên trên tàu giữ liên lạc thường xuyên để nắm tình hình. Lúc tàu đứt neo, tinh thần của anh em trên tàu rơi vào hoang mang, hoảng loạn. Tuy nhiên, được sự động viên của BĐBP cũng như chủ tàu thường trực ở bờ biển Mỹ Thủy, mọi người đã được trấn an. “Sức khỏe của 3 thành viên ổn định”, Thượng tá Thiện cho biết thêm. Khi tàu Cảnh sát biển tiếp cận, tàu gặp nạn đang ở trên vùng biển Mỹ Thủy, xã Hải An, cách bờ gần 3 hải lý. Do luồng lạch tại Mỹ Thủy cạn, tàu Đna 0494 được lai dắt thẳng vào Đà Nẵng. Cũng theo Thượng tá Thiện, chiếc xà lan sau khi bị cắt rời đã dạt sát bờ biển Hải An và đánh hư hại 18 đường ống dẫn nước vào các hồ nuôi thủy sản của bà con ngư dân và doanh nghiệp. Trưa ngày 3–11, lực lượng chức năng đã “họp nóng” ngay tại ĐBP Mỹ Thủy bàn biện pháp khắc phục hậu quả này để người dân sớm ổn định nuôi trồng, sản xuất.

* Tàu cá QNg 94470 TS do anh Nguyễn Tình (1965, quê H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm chủ xuất bến ngày 21-10-2016 tại Đà Nẵng, hành nghề giã cào đôi cùng với tàu cá QNg 94966 TS do anh Phùng Đình Thông (1979, cùng quê H. Đức Phổ) làm thuyền trưởng. Trong quá trình hành nghề, khoảng 19 giờ ngày 1-11, do bất cẩn cộng với thời tiết xấu, 3 ngư dân trên tàu của anh Tình rơi xuống biển mất tích tại vùng biển cách đảo Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) khoảng 15 hải lý về hướng Đông Đông Bắc. 3 ngư dân này gồm: Phạm Long (1976), Nguyễn Minh Tú (1993), Nguyễn Văn Hóa (1993, đều ở Đức Phổ, Quảng Ngãi). Hiện 2 tàu cá nói trên đang tổ chức tìm kiếm, đồng thời liên hệ với cơ quan cứu hộ cứu nạn hàng hải để được hỗ trợ. BĐBP Quảng Ngãi đã chỉ đạo đài canh tìm kiếm cứu nạn của đơn vị và Đồn biên phòng Sa Huỳnh thông báo cho các phương tiện đang hoạt động gần khu vực này để phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm các ngư dân mất tích.

Bảo Hà

Ngập úng và chia cắt ở Bình Định

Mưa lớn kéo dài từ ngày 1 đến 3-11 đã gây ngập úng và chia cắt tại nhiều địa phương của tỉnh Bình Định. Tại TP Quy Nhơn nhiều cây xanh bị ngã đổ; 3 đoạn đường ngập nước trên 1m tại khu vực 6 P. Bùi Thị Xuân. Nước ngập nhà dân tại KV2 P. Nhơn Phú, KV1, 2, 8, 9 P. Trần Quang Diệu, các hộ đang chuẩn bị di dời đến nơi an toàn. Thành phố ngập úng 60 ha lúa mùa. Tại TX An Nhơn, các khu vực bị ngập nước chia cắt là cống Bánh Trén, cống Ba Trang với 211 hộ dân và khu vực An Lợi, xã Nhơn Thành; xóm làng nghề Bầu Đá xã Nhơn Lộc; thôn Nghiễm Hòa, Hoàng Nghi, P. Nhơn Hòa. Sạt lở đê Bờ Mọ khu vực An Lợi 30m. Tại H. Tuy Phước, nước ngập chia cắt 3 thôn trên đường liên xã Phước Nghĩa – Phước Hiệp; nước qua tràn trên đường ĐT 640 ở thôn Kim Tây; chia cắt thôn Kim Đông, Huỳnh Giản xã Phước Hòa, giao thông bị gián đoạn...

Viết Ý

7 người mất tích do mưa lũ tại Phú Yên

Do ảnh hưởng mưa lũ trong những ngày qua, đến ngày 3-11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có 7 người mất tích, đó là các trường hợp: ông Phan Sơn (43 tuổi, trú TX Sông Cầu); ông Hồ Tân (68 tuổi, trú H. Sơn Hòa); chị Trần Thị Vinh (24 tuổi, trú H. Tuy An) và 4 ngư dân ở TP Tuy Hòa chưa xác định được tên, tuổi. Hiện các địa phương đang tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích, cứu dân ở những vùng bị ngập.

Đến 13 giờ 15 ngày 3-11, nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ tại Phú Yên đã tăng lưu lượng xả lũ (kể cả 400 m3 nước chạy máy phát điện) lên 10.400 m3/giây; hồ chứa nước Phú Xuân đã vận hành điều tiết xả lũ 2 cửa tràn với lưu lượng xả 514 m3/giây và hồ chứa nước Đồng Tròn điều tiết xả lũ một cửa tràn với lưu lượng 271 m3/giây... Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, trong 24 giờ tới mực nước các sông tiếp tục dâng, đạt hoặc trên mức báo động 3 từ 2 đến 3 mét.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_157117_mua-lu-chia-ca-t-ta-n-pha-mie-n-trung.aspx