Mưa, lốc xoáy gây thiệt hại tại Bình Phước,Lào Cai

Tại tỉnh Bình Phước, theo thống kê chưa đầy đủ, hai trận mưa kèm theo lốc xoáy xảy ra đầu tháng 5 đã làm ngã rạp, gãy đổ hàng chục nghìn trụ tiêu, làm sập và hư hại nhiều căn nhà tại hai thị xã Bình Long, Đồng Xoài và các huyện Hớn Quản, Phú Riềng...

Đáng lưu ý, ngày 5-5, lốc xoáy kèm theo mưa lớn quét qua hai xã Long Bình và Long Hà của huyện Phú Riềng đã gây thiệt hại cho 52 hộ dân, trong đó có một căn nhà bị sập hoàn toàn; gãy đổ hơn 22 ha điều, 2,5 ha hồ tiêu và sáu ha cao-su.

* Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 9-5, tại xã Long Khánh, huyện Bảo Yên, lốc xoáy kèm mưa lớn, gió giật cấp 10, cấp 11 đã làm 12 nhà dân tốc mái, trong đó có một nhà sập đổ hoàn toàn; mất trắng 0,5 ha lúa; gãy đổ 0,5 ha ngô; khoảng 1.000 cây rừng, cây ăn quả bị gãy, bật gốc; 50 m kênh bê-tông dẫn nước bị phá hủy. Tổng thiệt hại ước khoảng 700 triệu đồng. UBND xã Long Khánh đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng cứu hộ tại chỗ, giúp người dân khắc phục hậu quả.

* Chiều 9-5, UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn xã Phú Hữu vừa xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng với chiều dài khoảng 100 m, ăn sâu vào đất liền có đoạn lên đến 10 m, tạo thành vòng cung lõm với chiều sâu khoảng 15 m; làm bốn căn nhà bị sập xuống kênh Vàm Cỏ Lau, hai căn nhà sập một nửa và hai căn nhà phải di dời khẩn cấp. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Bước đầu địa phương đã hỗ trợ cho các hộ có nhà bị sạt lở một triệu đồng/hộ, địa phương tiếp tục vận động các hộ trong vùng cảnh báo sạt lở di dời khỏi tuyến kênh để tránh bị ảnh hưởng.

* Thủy sản chết bất thường ở một số địa phương

Một số khu vực ven biển thuộc địa bàn xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang xuất hiện tình trạng cá chết bất thường trong ba ngày qua. Chính quyền xã đã nắm bắt tình hình, vận động người dân không vớt cá để ăn hoặc đem bán, đồng thời báo cáo nhanh về huyện, tỉnh để xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Ngày 9-5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thành lập đoàn công tác phối hợp chính quyền huyện Kiên Lương đến các khu vực cá chết ở xã Dương Hòa kiểm tra về tình trạng cá chết, lấy mẫu nước, mẫu cá phân tích, xét nghiệm để xác định nguyên nhân.

* Tại khu vực ven biển xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) cũng xuất hiện tình trạng nghêu nuôi chết bất thường chưa rõ nguyên nhân, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Các ngành chức năng của tỉnh đang phối hợp tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục.

* Gần đây, tôm nuôi công nghiệp, quảng canh ở một số xã của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị chết, nổi trên mặt nước. Hiện các xã, đơn vị liên quan đang tìm hiểu nguyên nhân tôm nuôi bị chết, tổng hợp, đánh giá thiệt hại.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hôm nay (10-5) khu vực Đông Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa và dông vài nơi, trong cơn dông đề phòng khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Ở khu vực nam Biển Đông, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

* Thị trường thịt lợn chuyển biến tích cực

Theo Cục Chăn nuôi, nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, những ngày qua hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể liên quan ở Trung ương và địa phương đều đã có các biện pháp triển khai cụ thể. Nhờ đó, đầu vào của chăn nuôi lợn đã giảm đáng kể, thức ăn chăn nuôi lợn giảm bình quân 200 đồng/kg; lãi suất tín dụng giảm và tiếp tục được cho vay mới. Đáng chú ý, thị trường thịt lợn có những chuyển biến tích cực, giá lợn hơi tăng trung bình từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, giá thịt lợn giảm từ 10 đến 30%...

* Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có gần 2.900 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động; trong đó, có hai cơ sở giết mổ công nghiệp, tám cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 2.885 điểm giết mổ với công suất thực tế ước đạt gần 263 tấn thịt/ngày. Tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm các cấp. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công tác thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Ngày 9-5, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêu hủy hơn 20 tấn phân bón và chất tạo đất các loại. Đây là các loại phân bón kém chất lượng, giả nhãn hàng hóa và không có giá trị sử dụng. Tổng giá trị của lô hàng ước khoảng hơn 300 triệu đồng. Các sản phẩm bị tiêu hủy gồm: phân bón Calcium nitrate boron, NPK 16-16-16 của Công ty CP xuất nhập khẩu Asia; phân u-rê của Công ty TNHH phân bón Kiến Vàng và chất tạo đất Soil của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Song Nam...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32826002-mua-loc-xoay-gay-thiet-hai-tai-nghe-an-dac-lac-binh-phuoc.html