Mùa lễ hội đầu xuân: Vẫn còn nhiều “sạn”

Mỗi độ xuân về, người dân khắp nơi lại nô nức đi du xuân, trẩy hội, cầu may, cầu an. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, mùa lễ hội năm nay vẫn tồn tại nhiều "hạt sạn” như tình trạng cờ bạc trá hình, ăn xin, lừa đảo, chặt chém diễn ra tràn lan khiến du khách vô cùng bức xúc.

Đánh cờ ăn tiền thu hút sự tham gia của khá nhiều người

Ảnh: Hoàng Long

Cờ bạc trá hình

Đầu xuân này, đến các lễ hội, bên cạnh những hoạt động văn hóa nghệ thuật, tâm linh thì các trò chơi "cờ bạc trá hình” núp bóng dưới dạng "trò chơi có thưởng” vẫn lộng hành khắp nơi. Tại các hội đền Cổ Loa, Lễ hội đền Gióng (Hà Nội)… đập vào mắt du khách là những nhóm chơi cờ bạc đỏ đen với đủ hình thức. Hầu hết nhóm này là nhóm cờ bạc bịp, chúng hỗ trợ nhau lôi kéo, cò mồi để moi tiền du khách. Mới đây nhất, tại Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), mặc dù trước khi khai hội, Ban tổ chức lễ hội đã tuyên bố mạnh tay dẹp bỏ tệ nạn đỏ đen, nghiêm cấm việc hát quan họ xin tiền. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Các gian hàng cờ bạc trá hình như bắn súng trúng thưởng, phi tiêu trúng thưởng, ném bóng, lăn bóng, giải cờ thế ăn tiền… vẫn mọc lên như nấm. Thậm trí, ngay phía đối diện Huyện ủy huyện Tiên Du (trong khu vực lễ hội) các gian hàng trò chơi trúng thưởng dựng lên công khai, các chủ gian hàng không ngừng dùng loa phóng thanh cổ vũ, hò hét kêu gọi du khách tham gia trò chơi để lấy phần thưởng gây náo động cả khu vực. Các trò chơi "đỏ đen” này thu hút rất động người tham gia nhưng hầu hết ai tham gia cũng bị "cháy túi”. Các bàn cờ thế cũng được bàn ra nhan nhản, để câu tiền du khách…

Muôn kiểu lừa đảo, chặt chém du khách

Từ ngày khai hội 15-2, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) thu hút hàng triệu du khách đến du xuân, trẩy hội. Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều du khách bị các hàng quán, dịch vụ "chặt chém” không thương tiếc. nhiều người chỉ ăn một bát bún bò cũng phải trả tới 60.000 đồng/bát. Một quả trứng vịt lộn giá 15.000 đồng, chai C2 giá 25.000 đồng. Giá gửi xe, chèo đò, cáp treo cũng bị đội ngũ cò mồi nâng lên gấp đôi, gấp ba. Ngoài ra, tại đây các loại động vật hoang dã như hươu, nai, hoẵng, nhím… được giết mổ tại chỗ, bày bán công khai với giá trên trời. Tại hội Lim, tình trạng chặt chém cũng sôi động không kém, Anh Nguyễn Văn Toàn (thị xã Từ Sơn) bức xúc: "Do chủ quan không hỏi giá, mình vào quán chỉ uống hai lon bò húc, bình thường chỉ 12000 đồng/lon nhưng khi thanh toán chủ quán hét 50.000 đồng/2 lon, đành ngậm ngùi móc ví không cãi được câu nào…”. Cùng chung sự bức xúc, chị Loan, trú tại Long Biên, Hà Nội phản ánh: "Hai mẹ con ăn hai bát bún bò trong khu vực lễ hội, có ngon lành gì đâu, chỉ lèo phèo vài miếng thịt bò mỏng dính, toàn nước, vậy mà giá 100.000 đồng. Thắc mắc thì chủ quán quát: Ở đây nó vậy”.

Có lẽ dịch vụ hốt bạc dễ dàng nhất là dịch vụ trông xe máy và ô tô. Các điểm trông tại các lễ hội tự ý nâng giá vé lên gấp hàng chục lần so với số tiền in trên giá vé khiến du khách choáng váng.

Ăn xin lộng hành

Quần thể di tích Phủ Dầy (tỉnh Nam Định) hàng ngày tiếp đón một lượng du khách rất lớn. Tuy nhiên, tại đây có tới hàng trăm đệ tử "cái bang” hành nghề. Thậm chí, nhiều nhóm ăn xin còn tập hợp thành một tiểu đội hàng chục người ngồi xếp hàng dài trên đường. Mỗi khi du khách đi qua họ thi nhau nắm tay, giật quần khiến du khách phải ái ngại. Ai không cho tiền thì khó thoát khỏi vòng vây. Bên cạnh đó, đội ngũ sư giả cũng náo nhiệt không kém. Tại khu đền Bà Chúa Kho (TP. Bắc Ninh) dọc hai bên đường từ đền Trình vào đến đền Bà Chúa Kho, các hàng quán ăn uống, bày bán đồ lễ tràn ra hết vỉa hè cộng với đội ngũ "cò mồi” trèo kéo các dịch vụ cúng thuê, vác đồ lễ khiến giao thông bị tắc nghẽn. Dọc đường, trong và xung quanh đền rất nhiều người ăn xin từ già đến trẻ bao vây xin tiền du khách. Người thì nằm bò lê, bò lết, giả bệnh tật chặn đường du khách để van nài xin tiền rất phản cảm. Điều đáng bàn, có rất nhiều người lành lặn, khỏe mạnh giả bị tàn tật, nhiều người còn bế những cháu bé vài tháng tuổi trong giá rét lợi dụng sự thương hại của người khác để kiếm tiền. Lợi dụng sự bát nháo, chen lấn, đội ngũ móc túi cũng thỏa sức lộng hành. Rất nhiều người đã mất ví, điện thoại, kể cả mâm lễ.

Các cơ quan báo chí đã tốn không ít giấy mực để phản ánh tình trạng "bát nháo” ở nhiều lễ hội và ngành chức năng các địa phương cũng từng hứa hẹn sẽ điều chỉnh vào năm sau. Tuy nhiên thực tế cho thấy không cải thiện nhiều.

Đầu năm là thời điểm đặc biệt, có sự bùng nổ của tâm thức cộng đồng, do vậy cũng là thời điểm có nhiều lễ hội tâm linh được tổ chức. Đây là sự tích tụ những điều tốt đẹp của hệ thống văn hóa nhưng đồng thời cũng tích tụ nhiều điều tiêu cực của chính đời sống văn hóa đó. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa đã đưa ra nhận xét: Sự bát nháo xảy ra ở nhiều lễ hội hiện nay có nguyên nhân từ ý thức của người đi lễ và công tác tổ chức vẫn còn nhiều vấn đề .

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61453&menu=1479&style=1