Mưa là ngập

Những ngày mưa liên tiếp đang diễn ra chắc chắn đã “giúp” nhiều người dân Thủ đô “thấm đòn” cảnh ngập lụt và chắc là dễ đồng cảm với dân TPHCM hơn.

Trên các mạng xã hội tràn ngập hình ảnh lụt lội và những lời thở than não nuột. Có người sống ở Hà Nội bảo, lý ra Sài Gòn ngập thì còn có lý, vì thành phố này thấp hơn mức thủy triều, còn Hà Nội nền đất cao ráo, ao hồ nhiều mà cũng vẫn ngập như ai.

Cứ mưa xuống là lại thấy mấy anh cấp thoát nước đi khai thông các hố cống rãnh nhằm cho nước thoát nhanh có vẻ cũng chẳng ăn thua.

Đơn giản, theo như lý giải của một lãnh đạo ngành thoát nước thủ đô, lấy ví dụ cơn mưa ngày 13/6 có lượng mưa trung bình khoảng 70mm, kéo dài trong 40 phút và như thế là “vượt quá 4 lần năng lực tiêu thoát”.

Đó là đặt trong bối cảnh giai đoạn 2 của các dự án thuộc quy hoạch thoát nước đã cơ bản hoàn thành. Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, năng lực tiêu thoát của khu vực nội thành là 310 mm cho 2 ngày hoặc hoặc 50 mm trong 2 giờ.

Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng trong thời điểm mùa ngập lụt năm 2015, hệ thống thoát nước theo quy hoạch chống ngập đáp ứng được lượng mưa 340mm trong 3 ngày, giải quyết 90% diện tích không bị ngập. Tại thời điểm đó, năng lực cỡ này vẫn còn là “mức phấn đấu” chứ chưa đạt được.

Nhưng nay là năm 2017 và năng lực tiêu thoát nước của Hà Nội được nói là đã đạt mức 340mm cho 2 ngày, tức là tăng vượt bậc. Ấy vậy mà Hà Nội vẫn đang là Hà Lội. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Có phải là quy hoạch tổng thể chưa tốt và Hà Nội đang chống ngập theo kiểu cục bộ, ngập chỗ nào chống chỗ đó, trong khi quy luật của nước là chảy chỗ trũng theo nguyên tắc “bình thông nhau”?

Dù cụ thể các vấn đề là gì, thì chuyện ngập thường xuyên cho thấy việc chống ngập chắc chắn có vấn đề. Thành phố có nhiều ao hồ, có hệ thống sông để tiêu thoát nước, nhưng nước không vào được hồ, không ra được sông thì có thể nói chắc chắn là hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước đã không phát huy được chức năng của mình.

Nước không chảy được ra sông, hiểu đơn giản là nhiều khu vực của thành phố đã không duy trì được chênh lệch cốt nền cần thiết so với các dòng sông hoặc bị ngập cục bộ do cống rãnh không hiệu quả.

Tuy nhiên, ở một thành phố mà trong một thời gian dài các quy hoạch xây dựng liên tiếp bị phá vỡ thì ngoài những hệ lụy khác, ngập lụt là hậu quả nhãn tiền mà dân Thủ đô ngày ngày phải gánh chịu.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/mua-la-ngap-1166141.tpo