Mùa hội họa

Cuối thu đầu đông, thời tiết Hà Nội quá đẹp cho những cuộc hội ngộ. Bên cạnh các chương trình âm nhạc nở rộ, đây cũng được xem là mùa hội họa - nơi các họa sĩ khai mạc những triển lãm để hội ngộ công chúng.

Tranh của họa sĩ A Sáng.

3 họa sĩ - 3 người bạn: Đào Thành Dzuy (58 tuổi), Tào Linh và Đào Tiến (56 tuổi) vừa cùng nhau mở triển lãm tranh với chủ đề “Gió thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Triển lãm như một cách tỏ bày tình yêu với mùa thu Hà Nội, tình yêu với hội họa.

Trong khi đó, họa sĩ Vũ Thái Bình lại đang gặp gỡ công chúng qua triển lãm “Sắc dó” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.

Chiều 28/10, họa sĩ Hoàng A Sáng đã khai mạc triển lãm “Miền A Sáng” tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, mang tới cho người xem những cảm xúc bất ngờ, tươi mới với những bức tranh “Xuống chợ”, “Em bé và ngựa”, “Đôi bạn”, “Khoe váy”… Thậm chí, nhiều người trong giới mỹ thuật cũng khá bất ngờ khi đứng trước hơn 40 bức tranh của A Sáng. Họa sĩ Thành Chương khi xem tranh đã cho rằng, ông “sửng sốt, ngỡ ngàng” trước một “Miền A Sáng” đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất. Đó là “một miền nghệ thuật hội họa rất độc đáo, rất riêng mang tên A Sáng”.

Một cuộc hội ngộ khác cũng xúc động và ý nghĩa, đó là tại triển lãm “Tranh của Kim” của họa sĩ lão thành Nguyễn Phú Kim vừa khai mạc tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền - Hà Nội). Năm nay, họa sĩ Nguyễn Phú Kim mới tổ chức triển lãm tranh đầu tiên của mình. Ở tuổi 82, ông vẽ như buông xả, tranh của ông không còn sự ràng buộc. Các tác phẩm của ông càng sau càng trong trẻo và thơ ngây như tâm hồn ông vậy.

Bên cạnh đó, một nhóm các họa sĩ như: Lê Thiết Cương, Đỗ Dũng, Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Thị Phương Liên, Trần Gia Tùng, Doãn Hoàng Lâm… đang hội ngộ tại Gallery39 (39A Lý Quốc Sư, Hà Nội). Triển lãm kéo dài đến 31/10, với khoảng 30 tranh, chủ yếu là sơn dầu trên vải, mang tới nhiều cảm xúc cho người xem.

Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện liên tiếp của các cuộc triển lãm trong thời gian qua phần nào cho thấy đời sống mỹ thuật ở Thủ đô khá đa dạng. Đồng thời đây cũng là tín hiệu ấm lên của thị trường mỹ thuật. Gạt sang một bên câu chuyện về thị trường tranh giả, tranh nhái mà mới đây nhất là nghi vấn quanh bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của danh họa Bùi Xuân Phái được đấu giá tới hơn 100.000 đô la, các triển lãm cá nhân hoặc nhóm như kể trên không chỉ là những cuộc gặp gỡ của những “mùa thu đời người” mà còn mang những ý nghĩa khác. Thậm chí, như các họa sĩ tham gia triển lãm tại Gallery39 còn thống nhất trích 30% tổng số tiền bán được tranh để chung tay cùng quỹ Nhà chống lũ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.

T. Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/mua-hoi-hoa/130928